Tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số một cách ngoạn mục
Bộ TT&TT đặt mục tiêu tắt sóng 2G khi số thuê bao 2G chỉ còn ở mức 5%. Quá trình chuyển đổi này đã thành công ngoài mong đợi khi chỉ còn lại khoảng 0,2% thuê bao 2G Only và không gây biến động cho khách hàng.
Hỗ trợ smartphone khi tắt sóng 2G
Trao đổi với Tổng thư ký Liên minh Viễn thông thế giới, ông Houlin Zhao, trong khuôn khổ sự kiện Digital World ngày 13/10/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa cách làm của Việt Nam để Việt Nam nhanh chóng phổ cập smartphone đến 100% người dân.
Theo đó, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G khi mật độ thuê bao này còn khoảng 5% tổng số thuê bao di động. Cùng với việc tắt sóng, nhà mạng sẽ hỗ trợ máy cầm tay (smartphone 4G) cho các thuê bao 2G.
Ðây cũng là mô hình mà các nước thành viên của ITU có thể tham khảo cho quá trình tắt sóng các công nghệ cũ.
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.
Ðây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Ðể chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ TT&TT đã ban hành nhiều chính sách mới. Theo đó, từ ngày 1/7/2021, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Tại thời điểm đó, Cục Viễn thông cũng đề nghị nhà mạng chủ động triển khai công nghệ VoLTE là công nghệ cho phép gọi điện thoại với chất lượng cao trên nền tảng mạng 4G, mang lại những trải nghiệm mới cao cấp hơn cho khách hàng.
Xu hướng chung của thế giới
Chia sẻ về vấn đề tắt sóng 2G, Giám đốc TrueIDC Vietnam, ông Nguyễn Ðình Hùng phân tích, có nhiều lý do để một số nước châu Âu ‘níu kéo’, duy trì mạng 2G, trong đó có lý do ở những nước này, các số khẩn chạy trên nền tảng 2G, hay nhiều siêu thị và nhà hàng của họ dùng 2G để đo đếm điện, nước tự động từ xa...
“Ở Việt Nam không có các dịch vụ này. Việt Nam nên tắt sóng 2G càng sớm càng tốt. Chính phủ nên quyết liệt để đóng 2G càng sớm càng tốt, dành băng tần cho các công nghệ mới.
Ðây là băng tần vàng, nước ngoài coi đây là nguồn tài nguyên rất quý giá”, ông Nguyễn Ðình Hùng nêu quan điểm.
Còn ông Nguyễn Duy Lâm, chuyên gia công nghệ mạng không dây của Huawei cho hay, tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của GSMA, cho đến giữa năm 2024, có 149 nhà mạng đã và đang triển khai tắt công nghệ cũ.
Thế nhưng, sau những động thái mạnh mẽ của Bộ TT&TT, nhiều người vẫn chưa tin vào khả năng tắt sóng 2G theo đúng lộ trình. Ðến đầu năm 2024 vẫn còn khoảng 18 triệu thuê bao 2G. Trong số đó, Viettel là nhà mạng có số thuê bao 2G lớn nhất, sau đó đến VNPT và MobiFone.
Hầu hết những thuê bao 2G ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa - nơi mà mạng 2G đang chiếm ưu thế về vùng phủ. Nhiều người tin rằng nếu thực hiện tắt sóng 2G thì nhà mạng sẽ phải chi cả nghìn tỷ đồng để hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng, đặc biệt là những đối tượng người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Thậm chí, nhiều người tin rằng tắt sóng 2G là câu chuyện bất khả thi.
Ngay cả trong giới chuyên gia vẫn còn nhiều tranh cãi việc tắt sóng 2G hay tắt sóng 3G sẽ có lợi cho Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên chọn phương án tắt sóng 3G bởi đây là công nghệ “dở dang” giữa thoại và dữ liệu.
Cho đến thời điểm này, nhiều người khá khó chịu khi mạng di động ở chế độ 3G vì tốc độ quá chậm.
Thành công ngoài mong đợi
Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu chậm nhất đến 15/9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Tuy nhiên, lộ trình bị ảnh hưởng khi ngày 13/9/2024, Bộ TT&TT đã phải ký ban hành thông tư về việc tạm ngưng tắt sóng 2G để đảm bảo nhu cầu thông tin trong thời gian cần thiết, để doanh nghiệp và người dân kịp thời khắc phục thiệt hại cơn bão số 3.
Mặc dù vậy ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Tại thời điểm tháng 1/2024, các nhà mạng còn khoảng 18,2 triệu thuê bao 2G Only. Sau khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng thúc đẩy nhanh quá trình tắt sóng 2G và hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng, số lượng khách hàng chuyển sang 4G đã tăng rất mạnh. nếu ngày 15/10/2024, vẫn còn hơn 400.000 thuê bao 2G Only đang hoạt động, thì đến ngày 16/10, chỉ còn 234.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên thiết bị 4G. Chúng tôi thấy đây là kết quả thực sự ấn tượng, là sự nỗ lực quyết tâm lớn của các doanh nghiệp và sáng tạo ra nhiều cách làm hay”.
Theo thống kê của Cục Viễn thông sau hơn 1 tháng triển khai tắt sóng 2G thì chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G.
Nếu như trước đây, Bộ TT&TT đặt mục tiêu tắt sóng 2G khi số thuê bao 2G chỉ còn ở mức 5% tổng số thuê bao di động thì quá trình chuyển đổi này đã thành công ngoài mong đợi khi chỉ còn khoảng 0,2% thuê bao 2G Only trên toàn mạng và không xảy ra xáo trộn hay biến động nhiều cho khách hàng.
Ðây là động thái mạnh mẽ của Bộ TT&TT và các nhà mạng để đưa 100 triệu thuê bao lên môi trường số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Không dừng lại ở đó, một số nhà mạng còn tuyên bố đã dần loại bỏ công nghệ 3G ra khỏi mạng của mình. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Chúng tôi xác định việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và nhà mạng. Cùng với việc tắt sóng 2G, Viettel đã thực hiện tắt sóng 3G từ năm 2022, đến quý I/2023, Viettel đã hoàn thành việc tắt sóng 3G”
Ðược biết, công nghệ 2G sẽ được ngừng theo 2 giai đoạn. Còn với công nghệ 3G, người dùng vẫn có thể sử dụng, nhưng thời hạn sử dụng cuối cùng của công nghệ này cũng chỉ là đến tháng 9/2028.
Ngoài Viettel đã ngừng 3G, các nhà mạng khác như VinaPhone, MobiFone đi theo hướng là chỗ nào lưu lượng 3G không còn, thuê bao đầu cuối 3G không còn trên mạng thì họ sẽ dừng phát sóng ở khu vực đó.