Quốc hội Malaysia: Hệ sinh thái số mang lại hiệu quả và minh bạch

Trong những năm gần đây, Quốc hội Malaysia đã thực hiện hành trình đầy tham vọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới Quốc hội. Quá trình chuyển đổi này không đơn thuần là áp dụng các công nghệ mới mà còn đại diện cho một cuộc đại tu chiến lược nhằm hướng tới hiện đại hóa các quy trình lập pháp và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của một môi trường chính trị năng động và một xã hội ngày càng số hóa.

 Một phiên họp của Hạ viện Malaysia. Ảnh: parlimen.gov.my

Một phiên họp của Hạ viện Malaysia. Ảnh: parlimen.gov.my

Cổng thông tin và ứng dụng di động

Nền tảng của quá trình chuyển đổi số là việc triển khai các nền tảng số nhằm hiện đại hóa và hợp lý hóa hoạt động của Quốc hội. Một trong những bước phát triển quan trọng là đưa vào vận hành Cổng thông tin Quốc hội và Ứng dụng Quốc hội di động. Những nền tảng này đã giúp làm thay đổi cơ bản cách thức trao đổi thông tin giữa Quốc hội với người dân cũng như giữa các nghị sĩ Quốc hội. Cụ thể, Cổng thông tin đóng vai trò là trung tâm để truy cập các tài liệu của Quốc hội, lịch trình phiên họp và cập nhật luật pháp. Quốc hội Malaysia đã giúp các nhà lập pháp và công chúng dễ tiếp cận thông tin quan trọng hơn, tăng cường tính minh bạch và tạo điều kiện cho công chúng tham gia nhiều hơn bằng cách số hóa các quy trình này.

Cổng thông tin Quốc hội cung cấp quyền truy cập toàn diện vào nhiều tài liệu của Quốc hội, bao gồm các dự luật, sửa đổi và báo cáo, theo định dạng thân thiện với người dùng. Sáng kiến kỹ thuật số này không chỉ đơn giản hóa việc truy xuất thông tin về hoạt động của Quốc hội mà còn thúc đẩy công chúng tích cực quan tâm, tham gia vào các hoạt động của cơ quan dân cử bằng cách làm cho quy trình lập pháp trở nên cởi mở và minh bạch hơn.

Trong khi đó, ứng dụng Quốc hội di động đi kèm mở rộng khả năng truy cập, cho phép người dùng luôn cập nhật được thông tin về hoạt động của Quốc hội. Sự thay đổi này hướng tới phương pháp tiếp cận ưu tiên kỹ thuật số phản ánh xu hướng rộng hơn về việc tận dụng hệ sinh thái kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả truyền thông và hoạt động.

e-Parlimen: Quốc hội điện tử

Một sáng kiến đáng chú ý khác là hệ thống e-Parlimen: Quốc hội điện tử, đã cách mạng hóa việc quản lý chương trình hoạt động của Quốc hội, các công văn, giấy tờ và cơ sở dữ liệu của các nghị sĩ (MP). Trước đây, hoạt động này đòi hỏi rất nhiều nhân sự, mang tính thủ công và dễ bị nhầm lẫn dẫn đến chậm trễ. Nhờ vào nền tảng e-Parlimen, mọi hoạt động và việc quản lý công văn, giấy tờ, sắp xếp lịch trình đều được tự động hóa, từ đó giảm gánh nặng hành chính và cải thiện đáng kể hiệu quả cũng như độ chính xác. Hệ thống e-Parlimen đã giúp hợp lý hóa quy trình làm việc và bảo đảm các hoạt động lập pháp được quản lý hiệu quả hơn bằng cách tích hợp nhiều chức năng khác nhau vào một nền tảng kỹ thuật số duy nhất.

 Ứng dụng Quốc hội điện tử của Quốc hội Malaysia được thiết kế cho ipad và điện thoại di động trên apple store

Ứng dụng Quốc hội điện tử của Quốc hội Malaysia được thiết kế cho ipad và điện thoại di động trên apple store

E-Hantar: Hợp lý hóa quy trình, thủ tục

Quá trình số hóa các thủ tục của Quốc hội đã tiến triển đáng kể thông qua hệ thống e-Hantar, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi các câu hỏi, ý kiến của nghị sĩ phục vụ các phiên họp của Quốc hội. Nền tảng kỹ thuật số có thể thay thế quy trình gửi câu hỏi bằng văn bản giấy truyền thống, cung cấp một cách tiếp cận hiệu quả, tiết kiệm và nhanh gọn hơn rất nhiều trong quá trình xử lý. Giờ đây, với hệ thống e-Hantar, các nghị sĩ có thể gửi câu hỏi điện tử, đồng thời có khả năng theo dõi trạng thái các câu hỏi được xử lý ở khâu nào và nhận phản hồi một cách hợp lý. Quá trình đổi mới này không chỉ giúp đẩy nhanh thủ tục xử lý các câu hỏi, ý kiến của nghị sĩ mà còn giảm khả năng xảy ra lỗi hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả chung của các phiên họp.

Hệ thống Dịch vụ nghiên cứu Quốc hội điện tử (e-PRS)

Hệ thống Dịch vụ nghiên cứu Quốc hội điện tử (e-PRS) được phát triển đã hỗ trợ đáng kể cho quy trình lập pháp cũng như phục vụ công tác chuyên môn của Quốc hội. Hệ thống e-PRS cung cấp một nền tảng tập trung chia sẻ và truy cập các đề án nghiên cứu, giúp những cá nhân có liên quan dễ dàng truy cập vào dữ liệu và thông tin một cách chi tiết. Công cụ kỹ thuật số bảo đảm rằng các nghị sĩ, viên chức Quốc hội và các viên chức có thể tìm kiếm và truy cập nhanh chóng vào cơ sở dữ liệu thông tin quan trọng, giúp họ rất nhiều trong công việc chuyên môn.

e-Latihan: quản lý và theo dõi đào tạo viên chức

Hệ thống e-Latihan là bước tiến đáng kể khác trong quá trình số hóa của Quốc hội, cho phép theo dõi và quản lý các hoạt động đào tạo nhân viên của cơ quan lập pháp, số hóa quy trình đào tạo, giúp nhân viên phát triển phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của cơ quan.

e-Kenderaan và VMS: các nền tảng phục vụ hoạt động quản trị

Hệ thống e-Kenderaan đã hiện đại hóa quy trình điều xe và quản lý xe, giúp giảm đáng kể các thủ tục hành chính và cải thiện hiệu quả hậu cần vận chuyển.

Hệ thống quản lý khách tham quan (VMS) cũng là một cải tiến quan trọng giúp tăng cường quản lý khách tham quan Khu phức hợp Quốc hội Malaysia. Hệ thống kỹ thuật số này hợp lý hóa quy trình đăng ký và theo dõi khách tham quan, cải thiện an ninh và hiệu quả hành chính.

Xử lý thách thức

Quá trình chuyển đổi số đã giúp cải thiện đáng kể thủ tục và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhưng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số cũng đặt ra một số thách thức. Bảo đảm an ninh và tính toàn vẹn của các nền tảng kỹ thuật số là nhiệm vụ tối quan trọng, vì các mối đe dọa an ninh mạng có thể gây rủi ro rò rỉ thông tin riêng của Quốc hội.

Quốc hội Malaysia luôn tuân thủ các chính sách và hướng dẫn bảo mật công nghệ thông tin nghiêm ngặt do các cơ quan gồm: Cục Kỹ thuật số Quốc gia (Jabatan Digital Negara - JDN), Cơ quan An ninh mạng Quốc gia (NACSA) và Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia (Majlis Keselamatan Negara - MKN). Việc tuân thủ các chính sách này là điều cần thiết để bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống kỹ thuật số và chống lại các mối đe dọa mạng tiềm ẩn.

Ngoài ra, việc triển khai các công nghệ kỹ thuật số có trách nhiệm đòi hỏi phải cân nhắc kỹ những tác động về đạo đức và pháp lý. Khi các công nghệ tiên tiến ngày càng được tích hợp sâu vào hoạt động của Quốc hội, điều quan trọng là giải quyết các mối quan ngại liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu, nguy cơ sai lệch của thuật toán và tác động tiềm ẩn đến quy trình lập pháp. Để giải quyết điều này, Quốc hội Malaysia nêu cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số.

Tương lai của đổi mới

Cam kết của Quốc hội Malaysia đối với đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số phản ánh cách tiếp cận hướng tới tương lai nhằm xây dựng một hệ sinh thái số cho hoạt động của Quốc hội. Khi công nghệ liên tục phát triển, Quốc hội Malaysia đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng những tiến bộ mới nhằm cải thiện hiệu quả, tính minh bạch và khả năng tiếp cận với công chúng tốt hơn nữa. Lãnh đạo Quốc hội Malaysia cho biết, trong tương lai, cơ quan này đang xem xét khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu nâng cao, sử dụng học máy trong các nghiên cứu, đánh giá mang tính dự đoán và mở rộng việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để thu hút và tham gia của công chúng.

Những nỗ lực này nằm trong mục tiêu rộng hơn là xây dựng một Quốc hội hiện đại, phù hợp với đòi hỏi của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Với những bước tiến quan trọng này, Quốc hội Malaysia đang tạo ra động lực đổi mới thể chế trong nước cũng như cơ quan lập pháp của các nước trong khu vực; chứng minh rằng, chuyển đổi số có thể mở ra kỷ nguyên của những thay đổi đột phá, tích cực; mang lại hiệu quả trong quản trị.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-malaysia-he-sinh-thai-so-mang-lai-hieu-qua-va-minh-bach-post400572.html
Zalo