Sức ép trước làn sóng mất việc tiếp tục tăng
Làn sóng mất việc vẫn kéo dài sang nửa cuối năm 2023, ở nhiều ngành là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và tập trung ở các địa phương đầu tàu kinh tế. Nếu tiếp tục kéo dài, tình trạng này sẽ gây sức ép lên hệ thống an ninh trật tự, kinh tế và các chính sách an sinh xã hội.
Làn sóng mất việc tại những đầu tàu kinh tế
Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên, theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) về tình hình người lao động.
Trong tổng số 8.343 người lao động tham gia khảo sát trên cả nước, 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. “Xu hướng số lượng người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp không những không giảm đi mà còn tăng lên từ quí 4-2022 sang quí 1-2023 và dự báo còn tiếp diễn trong các quí còn lại của năm 2023”, báo cáo nêu.
Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Còn xét theo địa phương, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng – vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước trong nhiều năm qua là những tỉnh/thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Còn theo dữ liệu tháng 5 của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm tháng đầu năm 2023 ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-5-2023 giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm 2022. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sử dụng lao động giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Chi tiết hơn, chỉ số sử dụng lao động một số ngành có mức giảm lớn như sản xuất giường tủ, bàn ghế (giảm 17,7%), chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (giảm 9,3%), sản xuất da và sản phẩm liên quan (giảm 9,8%), sản xuất trang phục (giảm 6,8%)… Đây đều là những ngành thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua và cũng là những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thiếu hụt đơn hàng kéo dài từ quí 4 năm ngoái đến nay.
Đáng chú ý đây cũng là những ngành sử dụng nhiều lao động, do đó khi những ngành này suy yếu thì mức độ ảnh hưởng lên thị trường lao động cũng rất lớn. Thực tế, cũng theo khảo sát của Ban IV, có 32,4% người lao động không có việc làm cho biết rằng họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh, trong khi có 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí khi không có đơn hàng.
Sức ép lên kinh tế – xã hội
Việc lực lượng lớn lao động không có việc làm trước mắt sẽ gây sức ép lên hệ thống bảo hiểm xã hội vốn đã chịu không ít áp lực suốt thời gian qua. Phần lớn đối tượng bị ảnh hưởng trong làn sóng mất việc thời gian qua là công nhân các nhà máy và thường lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất.
Xu hướng này có thể chưa dừng lại khi mà người lao động vẫn có nguy cơ bị mất việc rất cao trong nửa cuối năm 2023 và phần lớn trong số họ ít có nguồn tài chính dự trữ để duy trì cuộc sống trước mắt. Đặc biệt, nhiều người trong số này có thể sẽ không tham gia lại hệ thống bảo hiểm xã hội trong tương lai nếu có việc làm trở lại, vì lo ngại về sự ổn định của chính sách và những thay đổi trong cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần đang được thảo luận thời gian gần đây.
Nhiều người lao động khi bị mất việc làm sẽ chọn về quê định cư lâu dài do không đủ khả năng bám trụ lại các thành phố lớn. Khi kinh tế phục hồi, đơn hàng quay lại, thiếu lực lượng lao động sẽ ảnh hưởng lên khả năng sản xuất. Đây cũng là điều đã từng diễn ra trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 năm 2021 đẩy người lao động về quê, khiến giai đoạn sau đó nhiều doanh nghiệp đối mặt với thiếu hụt lao động.
Tình trạng thiếu hụt lao động cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Nếu lao động không đủ đáp ứng cho các dự án FDI tại các địa phương, các tập đoàn đa quốc gia, chủ đầu tư có thể xem xét lại kế hoạch mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam. Theo số liệu của GSO, có 485 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 2,28 tỉ đô la Mỹ, giảm 59,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu của GSO, 42/63 tỉnh thành có chỉ số sử dụng lao động sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó 8 địa phương sụt giảm trên 10%. Trong số này có những địa phương tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thu hút FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Một sức ép khác trước xu hướng này là những ảnh hưởng tiêu cực lên tình hình an ninh trật tự tại các địa phương, trong đó các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tài sản sẽ có khả năng tăng cao và phát sinh nhiều thủ đoạn phạm tội mới, như những lo ngại đã từng được nêu ra trong giai đoạn chống dịch quyết liệt trước đây.
Để giải bài toán này, ngoài những chính sách an sinh xã hội, phúc lợi hợp lý và nhanh chóng triển khai đến đúng đối tượng, các giải pháp như chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích nền kinh tế cần sớm mang lại hiệu quả để vực dậy các doanh nghiệp và hỗ trợ lực lượng lao động.