Tây Ninh: GRDP 2024 vượt kế hoạch, tạo đà tăng trưởng cho năm 2025
Tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế năm 2024, năm 2025 tỉnh Tây Ninh đã đặt mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển,… phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 8%.
GRDP vượt kế hoạch
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2024 của Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, kinh tế - xã hội của địa phương này đã đạt kết quả tích cực ở hầu hết lĩnh vực (có18/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch). Đặc biệt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của địa phương này ước đạt 8,45%, vượt mục tiêu kế hoạch (+7,0%).
Cụ thể, trong cơ cấu GRDP của tỉnh Tây Ninh, giá trị tăng thêm các khu vực kinh tế đều tăng và đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung, cụ thể: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,55%, đóng góp 1,06 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,92 %, đóng góp 4,98 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 7,36%, đóng góp 2,23 điểm %; các khoản thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,85% so cùng kỳ, cũng đóng góp 0,18 điểm % vào mức tăng trưởng chung.
Nhịp độ tăng trưởng GRDP các quý trong năm 2024 có xu hướng duy trì khá đều đặn, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đóng góp tích cực nhất cho tăng trưởng GRDP những tháng đầu năm (6 tháng đầu năm tăng 6,4%), nhờ thành quả triển khai một số dự án chăn nuôi lớn, đầu tư trên địa bàn tỉnh đã cho sản phẩm từ những tháng cuối năm trước.
So cả nước năm 2024, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố. So trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 2/8 tỉnh thành, sau tỉnh Bình Phước.
Về quy mô và cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, GRDP giá hiện hành năm 2024 của tỉnh Tây Ninh ước đạt 123.878 tỷ đồng, với cơ cấu: khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 19,74% (năm trước là 19,72%); khu vực công nghiệp -xây dựng chiếm 45,79% (năm trước là 45,38%); khu vực dịch vụ chiếm 30,06% (năm trước là 30,32%); phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,41%.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2024 của Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu, mặt tích cực là nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng tốt, như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,80%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội (+11,21%); vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (+10,27%); thu ngân sách (+12,13%). Giá cả hàng hóa duy trì ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm (+2,94%) so cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng có một số chỉ tiêu sụt giảm như: thu hút đầu tư nước ngoài đạt 525,95 triệu USD (-28,05%); doanh nghiệp được thành lập mới thấp hơn năm trước, năm nay chỉ có 818 DN (-1,92%).
Duy trì đà tăng trưởng
Tại Nghị quyết số 197 về kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh Tây Ninh xác định, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng (năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025), đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường, cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro đan xen tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Vì vậy, trong năm tới, thông qua việc: đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng Đề án khuyến công trên địa bàn giai đoạn 2026 - 2030; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, chú trọng những ngành, lĩnh vực mới nổi, gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp với thị trường; tạo điều kiện tối đa đề nhà đầu tư tiếp cận quy hoạch, đất đai, thông tin về môi trường đầu tư.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng đào tạo nhân lực các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững… tỉnh Tây Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8%.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, phấn đấu cuối năm 2025, tỉnh Tây Ninh có thêm từ 20 - 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm) đạt từ 3 sao trở lên, 3 sản phẩm tiềm năng đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao; có giải pháp thúc đẩy phát triển mở rộng quy mô sản xuất và thị trường sản phẩm OCOP 4 sao trở lên.
Cụ thể, về kinh tế, GRDP năm 2025 tăng 8%, bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 4.550 USD. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: nông - lâm - thủy sản chiếm 18 - 19%; công nghiệp - xây dựng chiếm 46 - 47%; dịch vụ chiếm 30 - 31%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 37%.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phải đạt 13.158 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8%; ...
Ngoài ra, về môi trường, trong năm tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục: duy trì tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, số hộ sử dụng nước sạch tăng 2% so với năm 2024; duy trì tỷ lệ che phủ rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,4%; duy trì tỷ lệ 100% chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý.
Về chỉ tiêu xã hội, trong năm 2025, tỉnh Tây Ninh đề ra: tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 0,03 - 0,046%; tỷ lệ thất nghiệp được khống chế (khu vực thành thị, dưới 1%; khu vực nông thôn, 1,35%); thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới;…