Ngành gạo xác lập kỷ lục mới về xuất khẩu

Kết thúc năm 2024, ngành gạo xác lập kỷ lục xuất khẩu mới cả về sản lượng và kim ngạch, lần đầu tiên xuất khẩu vượt 9 triệu tấn, mang về gần 5,8 tỷ USD, củng cố vị thế quốc gia xuất khẩu gạo top 3 thế giới của Việt Nam.

Lần đầu tiên, xuất khẩu gạo vượt 9 triệu tấn

Xuất khẩu gạo năm 2024 lập kỷ lục với 9,18 triệu tấn, trị giá gần 5,8 tỷ USD, tăng lần lượt 12% và 23% so với năm 2023. Không chỉ nhận nhiều đơn hàng với sản lượng lớn, năm qua, giá gạo xuất khẩu bình quân tiếp tục được cải thiện (tăng 16,7% so với năm 2023), nhờ đó lượng ngoại tệ thu về cũng tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngành sản xuất lúa gạo ngày càng khẳng định vị thế của nhà cung cấp gạo lớn trên toàn cầu. Không chỉ gia tăng sản lượng, mà chất lượng gạo cũng được cải thiện mạnh mẽ theo chiều hướng gia tăng các loại gạo chất lượng cao.

Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo năm 2024, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay: “Đơn giá xuất khẩu bình quân của gạo Việt được cải thiện, năm qua đạt 627 USD/tấn, trong khi trước đây là dưới 600 USD/tấn”.

Năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm rất mạnh. Ước tính cả năm 2024, sản lượng gạo Việt xuất sang thị trường này chỉ đạt 250.000 tấn, giảm đến 71% so với năm 2023, dù năm 2023 cũng đã giảm nhiều so với những năm trước. Thời gian qua, Trung Quốc tích cực sản xuất lúa gạo nhằm giảm phụ thuộc vào kênh nhập khẩu. Ngoài việc kiểm soát thông qua hình thức cấp phép doanh nghiệp nhập khẩu, Trung Quốc cũng liên tục nâng tiêu chuẩn về chất lượng và mẫu mã bao bì đối với gạo thơm, gạo cao cấp.

Dư địa tăng trưởng năm 2025

Bối cảnh ngành gạo năm 2025 có những thay đổi nhất định về nguồn cung, xu hướng tiêu dùng, các chính sách thương mại... Tuy nhiên, về tổng thể, Việt Nam vẫn là địa chỉ được nhiều quốc gia nhập khẩu gạo đánh giá cao và tiếp tục “đặt hàng” với sản lượng lớn.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 đạt khoảng 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đó. Nhu cầu gạo toàn cầu tăng tiếp tục tạo dư địa xuất khẩu cho các nhà cung ứng, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines sẽ tiếp tục tăng lượng nhập khẩu và có thể đạt đến con số kỷ lục khoảng 5,4 triệu tấn.

Với khả năng cung ứng trên 9 triệu tấn gạo mỗi năm, chủng loại gạo phong phú; các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao gia tăng, Việt Nam tiếp tục là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gạo.

Cơ hội tăng trưởng lớn, nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn năm 2024, do Ấn Độ đã trở lại “đường đua” với chính sách gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu, tạo thêm sức ép về đàm phán giá với các đơn hàng lớn.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, điều đó không đáng ngại, bởi thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu khá tốt, nhờ đó giữ được những

thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines…

Trước mắt, giá gạo xuất khẩu biến động theo chiều hướng giảm nhẹ khi nguồn cung phục hồi, nhưng cơ hội của gạo Việt Nam vẫn rộng mở, khi chất lượng được chú trọng để đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.

“Giá gạo không thể tăng mãi được, khi đã lên đến đỉnh, thì sẽ giảm. Giá gạo giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh kho gạo của thế giới là Ấn Độ đang ‘xả hàng’ sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu. Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan, chứ không riêng Việt Nam”, ông Hải phân tích thêm.

Thực tế và cũng là lợi thế hiện tại là Việt Nam đang tạo dựng ngành hàng lúa gạo với hướng đi khác biệt: tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Nông dân Việt Nam đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng như Đài thơm 8, OM 18, các giống ST…, được thị trường quốc tế ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ tiếp tục nâng giá trị của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-gao-xac-lap-ky-luc-moi-ve-xuat-khau-d240081.html
Zalo