Sản phẩm chế biến thủy hải sản hút hàng cận Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, hiện các hợp tác xã, cơ sở chế biến các mặt hàng thủy hải sản trên địa bàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đang huy động tối đa nhân công sản xuất. Các sản phẩm chế biến thủy hải sản cũng đang hút hàng cận Tết.

Công nhân HTX Ngư Trung (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) tập trung sơ chế mực một nắng để cung ứng thị trường Tết.

Công nhân HTX Ngư Trung (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) tập trung sơ chế mực một nắng để cung ứng thị trường Tết.

“Cháy hàng” mực một nắng

Những ngày này, Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đang ra sức thu mua, chế biến sản phẩm mực một nắng để phục vụ thị trường Tết. Các khâu câu việc được phân công đến từng người từ thu mua mực ống trên các tàu thuyền, mổ mực, phơi và đóng gói có nhãn mác… đều diễn ra với tinh thần làm việc rất khẩn trương.

Anh Ngô Văn An, Giám đốc Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung cho biết: Tại vùng biển bãi ngang xã Ngư Thủy, nghề câu mực là nghề khá phổ biến và được bà con nhân dân địa phương khai thác quanh năm. Trước lợi thế này, gia đình anh Ngô Văn An đã chọn khởi nghiệp với nghề chế biến thủy hải sản. Bởi anh thấy lượng đánh bắt hải sản ngư dân xã Ngư Thủy rất nhiều, chất lượng hản sản tươi ngon.

Năm 2022, anh Ngô Văn An đã quyết định đầu tư máy móc, trang thiết bị để chế biến chuyên sâu các mặt hàng thủy sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, thành thành lập Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung với 10 thành viên. Sau gần 3 năm hoạt động, hợp tác xã có trên 10 sản phẩm hải sản phục vụ người tiêu dùng; trong đó, sản phẩm chủ đạo là mực một nắng và chả mực.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán cũng là lúc cơ sở bận rộn nhất, bởi sản phẩm mực một nắng và chả mực rất được ưa chuộng để dùng trong ngày Tết và làm quà biếu. Không kể ngày đêm, anh An xuống tận các tàu thuyền câu mực để thu mua. Trong khi đó, vợ của anh cùng các thành viên khác lại đảm nhận khâu chế biến mực một nắng.

Mực một nắng của HTX Ngư Trung (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) luôn cháy hàng trong dịp Tết.

Mực một nắng của HTX Ngư Trung (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) luôn cháy hàng trong dịp Tết.

Anh Ngô Văn An cho biết, mực để chế biến là mực ống tươi có trọng lượng khoảng 2 - 3 con mỗi kg. Mực tươi được rửa sạch, bỏ hết ruột, mật và đưa ra phơi nắng một ngày. Những khi không có nắng thì mực nguyên liệu được đưa vào kho lạnh. Sau khi phơi, mực được đóng gói, hút chân không và bảo quản lạnh để đưa ra thị trường bán dịp Tết với giá từ 800 đến 1 triệu đồng/kg. Năm 2023, sản phẩn mực một nắng của Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung đã được UBND huyện Lệ Thủy công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Theo anh Anh Ngô Văn An, sản phẩm mực một nắng được xem là đặc sản của vùng biển xã Ngư Thủy ói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung nên được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết. Để có nguồn hàng ổn định trong dịp Tết, hàng năm Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung đã liên kết và hỗ trợ vốn đi biển, thu mua sản phẩm cho hơn 30 tàu của ngư dân trong vùng.

Vừa kiểm tra lại bao bì, nhãn mác sản phẩm mực một nắng trước khi xuất cho khách hàng, anh Ngô Văn An cho hay, trung bình mỗi năm, Hợp tác xã thu mua và chế biến thành sản phẩm mực một nắng và cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn hàng. Riêng dịp Tết Nguyên đán 2025, cơ sở dự kiến cung ứng ra thị trường trên 3 tấn sản phẩm. Dù đã có sự chuẩn bị, nhưng dịp Tết năm nào, sản phẩm mực một nắng luôn “cháy hàng”.

Cá lóc được sơ chế tại xưởng của HTX Ngư Nam (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) để cung ứng ra thị trường Tết.

Cá lóc được sơ chế tại xưởng của HTX Ngư Nam (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) để cung ứng ra thị trường Tết.

Đắt khách cá lóc khô tẩm gia vị

Tại Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy), sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị cũng đang là mặt hàng đắt khách, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm cận Tết, Hợp tác xã luôn duy trì 5 - 7 nhân công, tập trung sản xuất hàng hóa với số lượng khá lớn để phục vụ nhu cầu của thị trường.

Theo dự kiến, Tết Nguyên đán 2025, Hợp tác xã Ngư Nam sẽ cung ứng khoảng 5 tấn cá lóc khô tẩm gia vị đến các trung tâm, siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, các đại lý… để phục vụ cho khách hàng. Hiện sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai và Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Hữu Phước (Sinh năm 1994, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam) cho biết, năm 2019, sau nhiều năm làm việc lấy kinh nghiệm tại các tỉnh phía Nam, anh quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp từ những sản phẩm của ngư dân địa phương. Anh Phước nhận thấy, tại xã Ngư Thủy, cá lóc được nuôi trên vùng cát lót bạt có chất lượng cao, thị trường lớn.

Theo anh Phước, cá lóc nuôi có trọng lượng khoảng 2 - 3 con/kg là tốt nhất cho việc sơ chế. Tại xưởng chế biến, các công nhân dùng kéo làm sạch cá lóc tươi và đưa ngâm vào nước muối theo tỷ lệ pha sẵn. Sau đó, cá được đưa ra phơi cho ráo nước và thực hiện việc tẩm ướp gia vị; xếp vào khay lưới để đưa vào máy sấy 15 giờ đồng hồ. Khi cá khô vừa tới thì được đưa đi đóng gói hút chân không và đưa ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng.

Hiện để tiết kiệm tối đa chi phí, anh Nguyễn Hữu Phước đã tận dụng đất của gia đình xây dựng nhà xưởng 100 m2 làm nơi chế biến. Trong xưởng cũng đã được đầu tư những thiết bị công nghệ cao phục vụ cho việc chế biến số lượng lớn sản phẩm cá lóc tẩm gia vị và các loại hải sản đông lạnh khác… nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết.

Hợp tác xã Ngư Nam (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) dự kiến cung ứng khoảng 5 tấn cá lóc khô tẩm gia vị vào dịp Tết Nguyên đán 2025.

Hợp tác xã Ngư Nam (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy) dự kiến cung ứng khoảng 5 tấn cá lóc khô tẩm gia vị vào dịp Tết Nguyên đán 2025.

Anh Nguyễn Hữu Phước cho biết thêm, ngoài sản phẩm chủ lực là cá lóc khô tẩm gia vị, cơ sở của anh Phước còn sơ chế, sản xuất các sản phẩm hải sản tươi sống, đông lạnh, mực một nắng và một số sản phẩm hải sản khác. Các sản phẩm đều đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao đến 4 sao. Nếu năm 2021 cơ sở chế biến thủy sản mang lại tổng doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, thì năm 2024, đạt tổng doanh thu 4,5 tỷ đồng.

“Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng lên 1.000 m2, tiếp tục nghiên cứu thị trường và có các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cơ sở cũng trọng phát triển chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho ngư dân, nhất là các hộ nuôi trồng thủy hải sản tại địa phương”, anh Phước chia sẻ.

Ông Nguyễn Chí Trãi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, thời điểm này, các cơ sở chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện đang tăng tốc để sản xuất các mặt hàng để phục vụ tiêu dùng của người dân, tiếp khách, làm quà biếu dịp Tết Nguyên đán. Các mặt hàng chủ yếu gồm: mực một nắng, cá lóc tẩm gia vị, nước mắm, ruốc... Cùng với huy động tối đa nhân lực, các cơ sở chế biến, Hợp tác xã cũng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để đảm bảo sản xuất số lượng lớn cung ứng thị trường Tết.

Phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy cũng đã thường xuyên kiểm tra và tích cực tuyên truyền chủ các cơ sở, Hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến và bảo quản. Qua đó, các mặt hàng chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện cung ứng thị trường Tết luôn đảm bảo chất lượng và hấp dẫn về hình thức, mẫu mã.

Bài, ảnh: Tá Chuyên

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/san-pham-che-bien-thuy-hai-san-hut-hang-can-tet-20250112111849719.htm
Zalo