Sở GD&ĐT TPHCM: 'Không có ngoại lệ với giáo viên dạy thêm sai quy định'
Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Tấn Minh khẳng định quan điểm của Sở đối với các trường hợp giáo viên dạy thêm sai quy định.
Hôm nay, ngày 14/2/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu các quy định về việc dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực.
Trước khi thông tư này chính thức đi vào cuộc sống, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, quan điểm của Sở đối với các trường hợp giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm là sẽ không có trường hợp ngoại lệ, không du di.
![Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_231_51473563/a533993ea870412e1861.jpg)
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)
Theo ông Hồ Tấn Minh, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoàn toàn không cấm chuyện dạy thêm, học thêm nhưng sẽ quản lý việc này một cách chặt chẽ hơn, trả lại tôn nghiêm cho ngành giáo dục.
“Nhu cầu học thêm để phát triển bản thân của học sinh là chính đáng, nên dạy thêm cũng là một công việc. Tuy nhiên, tất cả phải dựa trên tinh thần tự nguyện, và phải đúng quy định” – ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.
Ông Hồ Tấn Minh cho biết, các quy định nằm trong Thông tư 29 quy định rằng, giáo viên đang dạy tại các trường công lập không được tổ chức, điều hành trung tâm dạy thêm. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật viên chức.
Đặc biệt, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với các học sinh chính khóa ở trên lớp.
“Giáo viên phải dạy hết tất cả các nội dung bài học ở lớp chính khóa, để học sinh hình thành, phát triển năng lực tự học, tránh việc học thêm vì một bài kiểm tra, một kỳ thi” – ông Hồ Tấn Minh chia sẻ.
Trước câu hỏi của phụ huynh về việc họ có nhu cầu gửi trẻ bậc tiểu học sau giờ học, nhờ giáo viên kèm cặp thêm trong lúc chờ phụ huynh đón, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng: “Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã quy định rõ, giáo viên bậc tiểu học không được phép dạy thêm các môn văn hóa, nhưng nếu có năng lực thì vẫn có thể dạy các bộ môn khác theo đúng quy định. Đó là dạy các môn năng khiếu như đàn, hát, múa, vẽ, luyện chữ đẹp”.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, sau giờ học chính khóa, các trường tiểu học hoàn toàn có thể mở các câu lạc bộ về thể thao, văn nghệ, rèn chữ để học sinh tham gia, tạo điều kiện cho các phụ huynh đến đón con muộn.
Theo quan điểm của Sở, học sinh bậc tiểu học học văn hóa 2 buổi ở trường đã là quá đủ rồi, cần phải rèn kỹ năng hay các năng khiếu khác để học sinh phát triển toàn diện hơn.
Đối với hoạt động ôn tập thi cho học sinh cuối cấp, ông Hồ Tấn Minh thông tin, trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh cho phép các trường được dạy thêm thu tiền, nhưng đã nổi lên câu chuyện rằng giáo viên không dạy hết kiến thức ở tiết chính khóa mà để dành cho tiết dạy thêm.
“Việc này rõ ràng đã làm mất đi hình ảnh của ngành giáo dục” – ông Hồ Tấn Minh nói.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng, nhà trường vẫn phải có trách nhiệm ôn tập thi cho học sinh cuối cấp. Tùy vào từng địa phương thì sẽ có lộ trình, kinh phí tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp và bồi dưỡng cho học sinh yếu kém.