Sinh viên nhờ AI làm bài, giảng viên 'nhìn là biết ngay'
Dù chatbot AI ngày càng cải tiến và cho ra những nội dung 'như người viết', giảng viên vẫn có thể dễ dàng phát hiện những trường hợp lạm dụng AI quá đà.

ChatGPT, Gemini, Meta AI hay gần đây nhất là DeepSeek, hàng loạt chatbot AI thi nhau ra đời, thu hút sự chú ý của công chúng và dần được nhiều thế hệ ưa chuộng, từ người đi làm cho đến học sinh, sinh viên.
Dù mới chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, những công cụ AI này được ứng dụng rộng rãi, từ việc gợi ý các nội dung trong đời sống, giải đáp thắc mắc của người dùng hoặc lắng nghe tâm sự. Còn đối với học sinh, sinh viên, những công cụ này là cánh tay đắc lực cho việc làm bài tập, tìm kiếm tài liệu, viết luận và nghiên cứu.
Nhàn, nhưng lười đi vì AI
Là sinh viên theo học ngành Truyền thông đa phương tiện, Anh Thư (sinh năm 2003) thừa nhận những chatbot AI như ChatGPT hay Gemini rất thuận tiện vì có thể giải quyết nhiều tác vụ phức tạp, hỗ trợ quá trình tìm kiếm và tổng hợp thông tin nhanh thay vì mất thời gian tìm kiếm từng từ khóa như trước đây.
Chi khoảng 250.000 đồng mỗi tháng cho các công cụ AI, Anh Thư đánh giá phiên bản nâng cấp của các chatbot dùng ổn và có nhiều tính năng thú vị. Nữ sinh cũng đưa ra so sánh 2 chatbot đang dùng là ChatGPT và Gemini. Cụ thể, ChatGPT có khả năng giải quyết nhiều yêu cầu phức tạp, đưa ra kết quả chính xác, trong khi Gemini có cách viết tiếng Việt ổn hơn, có thể sử dụng cho các tác vụ như chỉnh sửa câu từ, hoàn thiện bài viết.
“Mình thích các chatbot AI vì chúng có thể đóng nhiều vai trò khác nhau để đưa ra câu trả lời. Chỉ cần thay đổi yêu cầu, mình sẽ nhận được kết quả khác về nội dung đang làm. Tần suất mình dùng AI cũng khá nhiều nên mình thấy việc bỏ tiền khá xứng đáng”, nữ sinh nói với Tri Thức - Znews.

Anh Thư học tập hiệu quả nhờ công cụ AI, nhưng cũng thừa nhận mình lười nghĩ hơn trước. Ảnh: NVCC.
Dù vậy, Anh Thư vẫn thừa nhận rằng kể từ khi dùng AI, cô cảm giác bản thân lười đi và kém hiệu suất hơn trước. Nữ sinh cũng đánh giá mình mất đi khả năng tư duy trước một vấn đề, suy nghĩ cũng đôi khi bị “định hình” theo khuôn mẫu trả lời của AI.
Cũng giống như Anh Thư, Ngọc Linh (sinh viên năm nhất tại một trường đại học ở Hà Nội) bắt đầu dùng AI để hỗ trợ việc trong kể từ khi vào đại học. Ban đầu, cô chỉ thỉnh thoảng sử dụng với mục đích nhờ AI trả lời các câu hỏi ngắn mà giảng viên đưa ra trên lớp để tiết kiệm thời gian tra cứu. Nhưng về sau, nữ sinh dùng thường xuyên hơn, có thói quen đưa bài tập để AI phân tích nội dung chính, sau đó mới bổ sung thêm các thông tin ngoài lề.
Tuy nhiên, vài lần, gần sát hạn nộp bài, lười nghĩ thêm thông tin, cô sử dụng luôn nội dung mà ChatGPT đưa ra, chỉ lược bớt vài ý để ngắn gọn và “trông như tự làm”.
“Lúc nộp bài, mình thấp thỏm, vừa lo ngại về tính chính xác của nội dung, vừa sợ giảng viên phát hiện”, nữ sinh nói may mắn vì trót lọt, không bị phát hiện, nhưng những bài nhờ AI làm đều đạt điểm thấp hơn do không đầy đủ thông tin và phân tích chi tiết như tự làm.
Không những vậy, dùng AI thường xuyên, Linh cho hay đôi lúc, bản thân bị phụ thuộc vào chatbot và thiếu đi sự chủ động trong học tập. Sự phụ thuộc này khiến nữ sinh bị giới hạn suy nghĩ và giảm khả năng tư duy phản biện.
Không bài xích việc sinh viên dùng AI
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công thương TP.HCM, nhận định sinh viên sử dụng AI trong học tập, nghiên cứu là xu hướng tất yếu. Thậm chí, không sử dụng AI có thể coi là “lạc hậu” bởi công cụ này mang lại nhiều lợi ích như giúp sinh viên tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu, gợi ý ý tưởng, từ đó tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả học tập và làm việc.
Tuy nhiên, không ít sinh viên lại lạm dụng AI để làm bài tập, viết tiểu luận mà không có sự chỉnh sửa hay tư duy cá nhân. Ông Sơn khẳng định đây là hành vi gian lận học thuật.
“Nhiều sinh viên sao chép đáp án từ AI đã bị phát hiện, thậm chí thường xuyên ở giai đoạn trước đây”, ông Sơn cho biết việc phát hiện sinh viên vi phạm từng là thách thức với giảng viên vì AI ngày càng tạo ra nội dung tự nhiên, mạch lạc, khiến việc phân biệt giữa bài viết của sinh viên và bài do AI tạo ra trở nên khó khăn.
Hiện tại, giảng viên đã có nhiều cách để kiểm tra và phát hiện, như đánh giá phong cách viết, tính logic của nội dung hoặc qua các công cụ kiểm tra đạo văn.
Bên cạnh đó, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên giải thích bài làm. Nếu sinh viên không thể diễn giải nội dung mình đã viết hoặc không hiểu sâu vấn đề trong bài, đó có thể là dấu hiệu của việc sử dụng AI.
Chung quan điểm, ThS Trần Minh, giảng viên tại một trường đại học ở TP.HCM, cũng nói rằng AI ngày càng phổ biến với sinh viên và cá nhân cô không bài xích việc này, bởi việc sử dụng AI có thể giúp sinh viên lên ý tưởng và gợi ý nguồn tài liệu. Thay vì mất thời gian tìm các nguồn tài liệu theo kiểu truyền thống, sinh viên có thể biến AI thành công cụ hỗ trợ để tiết kiệm thời gian và tăng năng suất học tập, nghiên cứu.
Tuy nhiên, cô Minh lưu ý thông tin AI cung cấp không đúng tuyệt đối. Vì thế, khi sử dụng công cụ này, sinh viên vẫn cần kiểm tra lại thông tin và tự viết lại nội dung thay vì để AI viết giúp.
Dù vậy, trong, trong thời gian chatbot Ai xuất hiện, không ít lần ThS Minh gặp phải những sinh viên lười đến mức chép toàn bộ nội dung AI cung cấp mà không kiểm chứng, thậm chí không hiểu bản thân đang chép nội dung gì. Những cá nhân như vậy thường sẽ bị giảng viên phát hiện ngay lập tức, lại tiền mất tật mang vì không nạp được kiến thức vào đầu.

Những công cụ AI như ChatGPT ngày càng phổ biến, giảng viên cũng công nhận tính hiệu quả của chatbot này. Ảnh: Telegraph.
Sinh viên cần sử dụng AI có trách nhiệm
Nói thêm về việc quản lý sinh viên dùng AI, ThS Phạm Thái Sơn cho biết Đại học Công thương TP.HCM hiện chưa có quy định chung để xử lý sinh viên vi phạm khi dùng AI mà mỗi khoa hay bộ môn, giảng viên sẽ có cách riêng.
Ví dụ, nếu sinh viên bị phát hiện sử dụng AI để gian lận trong bài kiểm tra, bài luận mà không có đóng góp cá nhân, giảng viên có thể áp dụng các hình thức xử lý như trừ điểm, yêu cầu làm lại bài hoặc các biện pháp kỷ luật khác theo quy định về liêm chính trong học thuật.
“Tuy nhiên, nhà trường và giảng viên cần có cách tiếp cận hợp lý thay vì chỉ tập trung vào việc phát hiện và xử lý vi phạm”, ông Sơn cho hay Đại học Công thương TP.HCM khuyến khích sinh viên dùng AI để hỗ trợ học tập, song các em cần hướng đến sử dụng có trách nhiệm, tuân thủ các quy định về bản quyền và tránh gian lận học thuật.
Sinh viên nên coi AI là công cụ hỗ trợ thay vì thay thế hoàn toàn tư duy cá nhân. Có như vậy, các em mới phát triển được kỹ năng sáng tạo và phản biện trong học tập.
Anh Thư cũng hiểu vấn đề này, cô quyết định đặt ra các quy tắc khi dùng AI để tránh bị sa đà quá mức. Theo đó, khi làm bài trong các lĩnh vực mang tính nghiên cứu và bản thân quan tâm, nữ sinh sẽ chỉ đặt ra các yêu cầu để AI gợi ý và cung cấp góc nhìn, thay vì để chatbot làm hết giúp mình.
“AI giúp mình tiết kiệm thời gian và định hướng tốt hơn, nhưng mình vẫn luôn tự nhắc bản thân tiết chế. Mình không bài xích AI hoàn toàn, thay vào đó mình chọn cách cân bằng”, Thư chia sẻ.
Hiện, trường của ThS Minh cũng chưa có văn bản, thông báo chính thức về việc cấm sinh viên sử dụng AI mà chỉ được ngầm hiểu giữa các giảng viên. Bản thân các giảng viên cũng không cấm hoàn toàn, nhưng sẽ có phương án xử lý đối với trường hợp chỉ sao chép nội dung AI mà không hiểu gì. Bởi đối với các thầy cô, hành động đó không khác gì bỏ tiền thuê người làm bài tập hộ.
Còn về việc kiểm tra, phát hiện những sinh viên lạm dụng AI, ThS Minh thường đọc kỹ bài làm của sinh viên, sau đó mới dùng đến các công cụ.
Cô lấy ví dụ khi hướng dẫn sinh viên làm báo cáo thực tập hoặc khóa luận, giảng viên sẽ phải làm việc với sinh viên để thống nhất tên đề tài và đề cương. Đây là thời điểm mà giảng viên đã nhận biết được tương đối năng lực và thái độ nghiên cứu của sinh viên đó. Vì thế, khi nhận được bài nộp hoàn chỉnh, giảng viên sẽ làm việc một lần nữa với sinh viên để góp ý hoặc làm rõ lại quan điểm khoa học của sinh viên.
Theo ThS Minh, những bài viết copy nội dung phần lớn từ AI sẽ được xếp vào hai nhóm, nhóm một là kiểu viết rất ngô nghê, nhóm hai là kiểu viết rất phức tạp, cao siêu. Kiểu thứ nhất sẽ bị góp ý rất nặng dù là người hay máy viết. Kiểu hai thì vượt quá trình độ và thái độ nghiên cứu của sinh viên.
Lúc này giảng viên sẽ đặt một số câu hỏi để kiểm tra kiến thức mà sinh viên đó viết, người không tự viết sẽ rất khó trả lời được. Hơn nữa, phần lớn nội dung AI viết mà ThS Minh tiếp cận được tới thời điểm hiện tại không nghiên cứu được các kiến thức học thuyết, chuyên ngành, mà đa số sử dụng các kiến thức bề mặt.
“Khi trực giác phát hiện có dấu hiệu gian dối, tôi mới dùng các phần mềm quét luận văn để phát hiện nội dung AI viết. Tôi cũng đề cập việc lạm dụng AI trên lớp rất nhiều lần, cảnh báo sinh viên về độ uy tín của AI cũng như hệ quả lâu dài”, ThS Minh chia sẻ.