Dạy thêm trái quy định bị xử lý thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho rằng, khi đã có quy định về các trường hợp 'cấm' dạy thêm học thêm, nếu giáo viên vi phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.
Phạt tiền và xử lý kỷ luật
Luật sư Cường cho biết, Điều 15, 16 Nghị định 112/2020 của Chính phủ quy định rõ các hình thức xử lý kỷ luật với giáo viên dạy thêm trái quy định. Với giáo viên dạy thêm không giữ chức vụ quản lý trong nhà trường sẽ chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.
Giáo viên dạy thêm khi đang đảm nhận chức vụ quản lý phải chịu hình thức kỷ luật cao hơn, tùy vào mức độ sai phạm, gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc.
Người đứng đầu đơn vị sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý kỷ luật phù hợp với giáo viên có hành vi dạy thêm không đúng với quy định. Ngoài ra, một số trường hợp giáo viên còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
“Ngoài hình thức xử lý kỷ luật thì giáo viên dạy thêm trái quy định còn có thể bị xử phạt đến 12.000.000 đồng”, ông Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội).
Cũng theo ông Cường, Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 127/2021/NĐ-CP) quy định hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục.
Trong đó, nếu vi phạm quy định trong giáo dục, giáo viên có thể bị phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Giảm gánh nặng cho phụ huynh
Về Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm vừa mới ban hành, Luật sư Cường nhận định, thông tư có tác động lớn đối với hoạt động dạy thêm và học thêm bậc học giáo dục phổ thông.
Nhiều năm qua hoạt động dạy thêm, học thêm thiếu quản lý của Nhà nước, phát sinh nhiều vấn đề xã hội gây ra những dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.
Hoạt động học thêm, dạy thêm cũng phát sinh những hệ lụy tiêu cực trong xã hội, có những trường hợp giáo viên dạy cầm chừng, chuyển chương trình kiến thức sang thời gian dạy thêm, gây ra bất công bằng cho các học sinh không học thêm, tạo ra sự phân biệt đối xử trong môi trường giáo dục.
Học thêm khiến cho phụ huynh tốn kém chi phí, tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình. Học sinh cũng vì thế mà quá tải, đánh mất tuổi thơ, tạo ra áp lực tinh thần không cần thiết cho nhiều trẻ. Trong khi những người tổ chức dạy thêm có thu nhập nhưng không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, gây bất công bằng đối với các giáo viên khác.
Trước những vấn đề xã hội từ việc dạy thêm, học thêm ở cấp giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29.
Với những quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; tổ chức dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm…
Chấm dứt tình trạng dạy thêm tràn lan
Luật sư phân tích, thông tư mới đã giới hạn trường hợp được dạy thêm và đối tượng tham gia học thêm, quy định về nội dung, mục đích của việc dạy thêm, học thêm, quy định về các điều kiện để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động này, giúp Nhà nước có công cụ để quản lý sát sao hơn, hiệu quả hơn đối với hoạt động dạy thêm, học thêm.
Một điểm rất mới của thông tư này là quy định giáo viên dạy thêm không được dạy học sinh của mình. Nội dung này sẽ kiểm soát được tình trạng giáo viên có thể dạy cầm chừng, gây áp lực để phụ huynh cho con đi học ở các lớp học thêm do giáo viên tổ chức.
Quy định này đảm bảo sự khách quan, công bằng đối với hoạt động dạy thêm và học thêm, hướng đến mục tiêu giữ gìn uy tín của giáo viên phải tránh những hiểu lầm không cần thiết và những hệ lụy có thể phát sinh.

Tăng cường quản lí về dạy thêm, học thêm sẽ giảm bớt áp lực học tập cho học sinh.
Một điều cũng đáng chú ý là giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Quy định này đồng nghĩa với việc giáo viên là viên chức giảng dạy trong các trường công lập không được thành lập doanh nghiệp, đứng tên trong đăng ký kinh doanh dù là hộ kinh doanh cá thể hay công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Quy định này phù hợp với luật phòng chống tham nhũng, đảm bảo cho giáo viên trường công dành thời gian cống hiến cho nhà nước và xã hội.
Ngoài ra, điều luật cũng quy định giáo viên trường công được phép đăng ký tham gia dạy thêm ở các trung tâm giáo dục, các công ty giáo dục được thành lập hợp pháp nhưng phải báo cáo với người quản lý cơ sở giáo dục của mình và phải đảm bảo được thời gian, chương trình lên lớp theo kế hoạch phân công của nhà trường. Quy định này tạo điều kiện cho giáo viên trường công lập có cơ hội làm thêm, tăng thu nhập ngoài giờ chính khóa.
Giáo viên trường công lập không bị cấm dạy thêm nhưng có kiểm soát về hoạt động dạy thêm, đảm bảo kiểm soát được thời gian sự cống hiến trong trường học, giữ gìn uy tín của nhà giáo và đảm bảo yếu tố tự nguyện trong việc dạy thêm, học thêm.
Quy định về dạy thêm học thêm mới của Bộ GD&ĐT sẽ chấm dứt tình trạng dạy thêm tràn lan, gây lãng phí tốn kém tiền của của phụ huynh và thời gian của học sinh, ngăn chặn việc phát sinh những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, đảm bảo việc dạy thêm có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay - Luật sư Đặng Văn Cường.