Sáp nhập tỉnh: Đòn bẩy chiến lược cho bất động sản khu công nghiệp
Chủ trương sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh đang mở ra một chương mới đầy tiềm năng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam.
Không đơn thuần là sự thay đổi về địa giới hành chính, nếu được triển khai đồng bộ và bài bản, quá trình tái cấu trúc này có thể trở thành đòn bẩy chiến lược, thúc đẩy sự hình thành các vùng công nghiệp – đô thị quy mô lớn, hiện đại và hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Kết nối quy hoạch, mở rộng không gian công nghiệp
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ giúp tinh gọn bộ máy quản lý mà còn mở ra dư địa lớn cho phát triển các vùng công nghiệp mới – nơi có điều kiện quy hoạch bài bản, đồng bộ và hiệu quả hơn.
Ở góc nhìn thị trường, đây là cơ hội để hình thành các tổ hợp khu công nghiệp chuyên ngành – điều mà trước đây các tỉnh đơn lẻ gặp khó khăn do hạn chế về quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật và nguồn lực lao động.
Ông Thomas Rooney – Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định: Việc hợp nhất các tỉnh thành sẽ mở ra cơ hội phát triển hệ sinh thái đô thị – công nghiệp tích hợp có sức hấp dẫn lớn hơn đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khắt khe trong việc lựa chọn điểm đến.
Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ cho phép các tỉnh quy hoạch thêm nhiều khu công nghiệp quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các vị trí đất khu công nghiệp phù hợp, giảm thiểu tình trạng “cháy đất” tại các địa phương phát triển nóng.
Đáng chú ý, địa phương có diện tích lớn hơn sau sáp nhập sẽ thuận lợi trong việc phân vùng phát triển. Điều này tạo tiền đề để phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt như khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô, điện tử, bán dẫn...
Các địa phương vốn đã là điểm sáng về thu hút đầu tư, khi được hợp nhất và cùng phối hợp chặt chẽ trong quy hoạch sẽ bổ sung cho nhau về hạ tầng, nguồn nhân lực và tầm nhìn phát triển. Quy mô lớn sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn đầu tư, từ đó tăng sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Thomas Rooney – Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội

Hạ tầng hoàn chỉnh là điểm cộng giúp bất động sản khu công nghiệp thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ đầu năm 2025. Ảnh minh họa
Thách thức ngắn hạn, cơ hội dài hạn
Việc điều chỉnh địa giới hành chính tất yếu sẽ kéo theo hàng loạt thay đổi về quy hoạch sử dụng đất, cấp phép đầu tư cũng như các thủ tục pháp lý liên quan đến môi trường và xây dựng. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp khó tránh khỏi những khó khăn trong giai đoạn đầu.
Ông Thomas Rooney cho rằng: Trong ngắn hạn, sự thay đổi đầu mối quản lý, chính sách chưa đồng bộ giữa các địa phương sau sáp nhập có thể ảnh hưởng tới tiến độ cấp phép, phê duyệt dự án và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên về dài hạn, đây lại là thời điểm vàng để tái cấu trúc và chuẩn hóa hệ thống pháp lý. Sự phối hợp giữa các sở, ngành sau sáp nhập sẽ tạo nên một quy trình xử lý thủ tục đầu tư hiệu quả hơn, minh bạch hơn, từ đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo ông Rooney, một yếu tố không kém phần quan trọng là lao động, nền tảng tạo nên sức hút và lợi thế cạnh tranh cho bất động sản công nghiệp. Việc thay đổi địa giới sẽ ảnh hưởng tới nơi cư trú, đăng ký hành chính, di chuyển của người lao động.
Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị tốt, đây là cơ hội để xây dựng lại mạng lưới cung ứng lao động theo hướng vùng hóa, đa dạng hóa nguồn nhân lực và tối ưu chi phí.
Với chính sách hỗ trợ hợp lý, đặc biệt là dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quá trình sáp nhập không chỉ không gây xáo trộn mà còn tạo nền tảng cho một môi trường đầu tư năng động và bền vững hơn.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group – nhận định: “Dù mang đến không ít thách thức ban đầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang hoạt động hoặc có kế hoạch đầu tư tại khu vực liên quan nhưng nếu chính quyền địa phương hành động quyết liệt, minh bạch và có lộ trình rõ ràng thì sáp nhập sẽ là cơ hội lớn để thiết lập môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn hơn”.
Xét về tầm nhìn dài hạn, sự chủ động và đồng bộ trong hành động, sáp nhập tỉnh không chỉ là một cuộc cải cách hành chính, mà còn trở thành đòn bẩy chiến lược đưa bất động sản công nghiệp Việt Nam tiến lên một nấc thang phát triển mới, quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bất động sản khu công nghiệp trên đà bứt tốc
Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý I-2025 do Bộ Xây dựng công bố mới đây cho thấy phân khúc bất động sản khu công nghiệp đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều dự án quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, mở ra kỳ vọng về một năm bùng nổ của lĩnh vực này.
Trong quý I, giá thuê đất khu công nghiệp nhìn chung ổn định, chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ từ 1-2% tại một số khu vực. Cụ thể, khu vực miền Bắc có giá thuê trung bình khoảng 140–145 USD/m2, miền Trung dao động từ 50–70 USD/m2, còn miền Nam ghi nhận mức giá cao nhất, khoảng 180–200 USD/m2.
Phân khúc nhà kho và nhà xưởng xây sẵn cũng chứng kiến mức tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước, mức giá phổ biến từ 80.000 – 200.000 đồng/m2/tháng.
Với quỹ đất lớn đang dần hình thành và nhu cầu thuê tiếp tục duy trì ở mức cao, bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ giữ vai trò đầu tàu trong bức tranh thị trường năm 2025.