Dự án cầu 'đón đầu' sáp nhập

Là ranh giới hành chính tự nhiên tại nhiều tỉnh thành phía Nam, một số sông như Đồng Nai, sông Sài Gòn… đang là ranh giới của TPHCM và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai… Tuy nhiên thời gian tới, khi địa giới hành chính sáp nhập thì các con sông này sẽ nằm nội tỉnh thành nên nhu cầu xây cầu và đường nối sẽ tăng rất nhiều.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai chuẩn bị đưa vào khai thác tháng 6/2025. Ảnh: Đ.T.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai chuẩn bị đưa vào khai thác tháng 6/2025. Ảnh: Đ.T.

Hiện nay hàng loạt dự án cầu lớn cũng đang gấp rút triển khai để tạo hạ tầng giao thông làm “bước đệm” cho việc sáp nhập địa giới tương lai.

Nhiều năm liền, cầu Đồng Nai (xây dựng từ trước giải phóng) bắc qua sông Đồng Nai nằm trên quốc lộ 1A là tuyến đường huyết mạch nối TPHCM và tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh phía Bắc. Tới năm 2015, cầu Long Thành nằm trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành -Dầu Giây (trục cao tốc Bắc - Nam) hoàn thành, nâng cao khả năng kết nối trực tiếp giữa 2 địa phương. Tiếp đó, cầu Nhơn Trạch nằm trên tuyến đường Vành đai 3 TPHCM vừa hợp long, dự kiến tháng 6 tới cũng sẽ đưa vào khai thác, tạo bước ngoặt lớn về hạ tầng kết nối.

Là con sông chảy qua nhiều tỉnh thành của đất nước, sông Đồng Nai khu vực ranh giới TPHCM và Đồng Nai có đặc thù rất rộng, là thách thức lớn cho các dự án hạ tầng cầu bắc qua. Nhìn các mốc thời gian để thấy phải mất hàng chục năm mới hoàn thành một dự án cầu nối hai bên bờ sông. Tuy nhiên, dự kiến thời gian tới khi sáp nhập địa giới, số lượng cầu bắc qua sông Đồng Nai sẽ tăng vọt, kèm theo đó là các tuyến đường dẫn kết nối để tạo ra mạng lưới hạ tầng đủ lớn. Trong đó, khi TPHCM nhập với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương thì nhu cầu sử dụng đường bộ ở khu vực này càng tăng mạnh. Vì thế, để đón đầu và tạo điều kiện kết nối sâu rộng các khu vực sau khi sáp nhập, một loạt dự án cầu dự kiến sẽ được triển khai ngay trong năm 2025. Trong đó quan trọng nhất là 3 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai, gồm cầu Cát Lái, cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2 đều nối TPHCM và tỉnh Đồng Nai.

Từng nhiều lần lên kế hoạch nhưng có lẽ phải nhờ “cú hích” sáp nhập, dự án cầu Cát Lái mới có thể sớm được xây dựng, sau hàng chục năm loay hoay. Theo dự kiến, cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai nối TP Thủ Đức và huyện Nhơn Trạch có số vốn khoảng 19.300 tỉ đồng, dài 11km gồm cả đường dẫn. Cầu Cát Lái sẽ giúp kết nối nhiều trục đường quan trọng ở khu vực và giảm tải cho trung tâm TPHCM với việc phân luồng xe container ra vào cảng Cát Lái. Trong khi đó, có quy mô nhỏ hơn nhưng cầu Nhơn Trạch 2 cũng rất quan trọng với nhu cầu giao thông của người dân, đặc biệt khu vực TP Thủ Đức. Cầu dự kiến có nguồn vốn 6.400 tỉ đồng, chia thành 3 thành phần và sẽ thực hiện theo hình thức PPP (vốn công tư).

Đặc biệt trong nhóm này, quan trọng nhất là cầu Phú Mỹ 2 với quy mô 16,7km gồm cả đường dẫn với nguồn vốn lên tới 21.5000 tỉ đồng. Cầu kết nối khu vực quận 7 và huyện Nhơn Trạch nhưng xa hơn là nối trực tiếp với các tuyến đường của TP Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện hữu, tạo tiền đề cho hạ tầng tương lai. Thực tế, ngay từ bây giờ TPHCM đã chuẩn bị nhiều phương án để hoàn thiện dự án cầu này bởi nó sẽ là trục đường bộ ngắn nhất từ TPHCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu khi hoàn thiện. Theo ông Vương Quang Hưng - Trưởng phòng Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở Xây dựng TPHCM thì đường dẫn lên cầu Phú Mỹ 2 dự kiến thực hiện theo giải pháp đường nhiều tầng nhằm tối ưu hóa quỹ đất đô thị. Theo đó, tuyến dự án này đi qua đường Hoàng Quốc Việt (quận 7) có lộ giới quy hoạch nhỏ, không đáp ứng đủ cho các giải pháp thiết kế đường đi dưới mặt đất như truyền thống. Do đó, giải pháp xây dựng đường nhiều tầng một số đoạn được xem là giải pháp khả thi, vừa đảm bảo tăng năng lực lưu thông, tiết kiệm chi phí giải tỏa mặt bằng vừa hạn chế phải di dời làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngoài ra, cầu Phú Mỹ 2 cũng giúp kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành khi hoàn thành.

Ngoài nhóm các dự án cầu bắc qua sông Đồng Nai như trên, thời gian tới một số dự án cầu khác kết nối TPHCM và tỉnh Bình Dương cũng sẽ được triển khai. Hầu hết ranh giới hiện hữu của 2 địa phương này là sông Sài Gòn (khoảng 70km) và trục đường quốc lộ 1A, 1K... Vì vậy, nhu cầu xây dựng thêm một số dự án cầu bắc qua sông Sài Gòn sẽ tăng lên đáng kể thời gian tới. So với các dự án hạ tầng vượt sông Đồng Nai, dự án cầu vượt sông Sài Gòn kết nối TPHCM và Bình Dương có quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Dù vậy, nhu cầu di chuyển qua sông Sài Gòn từ quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi (TPHCM) để sang TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An... (tỉnh Bình Dương) chắc chắn sẽ tăng cao. Hiện một số cầu như Phú Cường, Phú Long, Thanh An (bắc qua sông Sài Gòn) thường xuyên ùn tắc và quá tải. Trong khi đó cầu Bình Gởi (nguồn vốn 600 tỉ đồng) vừa hợp long cách đây ít ngày nằm trên trục đường Vành đai 3 TPHCM cũng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế.

Có thể nói, với địa hình đặc thù có nhiều sông lớn, thời gian tới sau khi sáp nhập mở rộng, TPHCM sẽ cần nhiều dự án hạ tầng cầu để tăng tính kết nối, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển vươn mình đúng với kỳ vọng về vị thế đầu tàu phía Nam.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-an-cau-don-dau-sap-nhap-10306495.html
Zalo