Xuất khẩu cà phê đón tín hiệu tích cực từ EU

EU là thị trường lớn nhất của cà phê Việt. EU xếp Việt Nam vào nhóm 'rủi ro thấp' về phá rừng giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Nhiều thị trường lớn tại EU tăng mua cà phê Việt

Theo số liệu từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính đến giữa tháng 5/2025, Việt Nam xuất khẩu 736.583 tấn cà phê với kim ngạch đạt 4,2 tỷ USD. Dù giảm 5,5% về lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu cà phê trung bình tăng cao nên kim ngạch tăng tới 56% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá xuất khẩu cà phê trung bình trong kỳ đạt 5.709 USD/tấn, tăng 65% so với mức 3.442 USD/tấn tại cùng kỳ năm trước.

EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam

EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam

Về thị trường, 10 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam có tổng kim ngạch 2,53 tỷ USD, chiếm 63% tỷ trọng giá trị xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2025. Cả 10 thị trường này đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), có 3 thị trường lớn ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội về xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2025. Trong đó, Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với 628 triệu USD, tăng tới 97% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Italia cũng tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 307 triệu USD; Tây Ban Nha tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 292 triệu USD.

EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Theo quy định, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng, trong số này có cà phê. Tin vui đối với mặt hàng này khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố hệ thống phân loại quốc gia theo mức độ rủi ro trong khuôn khổ Quy định EUDR của EU, theo đó, 140 quốc gia, gồm Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, được xếp vào nhóm "rủi ro thấp".

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn phải tuân thủ đầy đủ tất cả các yêu cầu của EUDR. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU không được miễn trừ trách nhiệm thẩm định và minh bạch chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chuẩn bị hồ sơ và dữ liệu đầy đủ, đặc biệt là hệ thống truy xuất nguồn gốc đến tọa độ địa lý.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu có điểm thuận lợi đó là được giảm tần suất kiểm tra tuân thủ. Cụ thể, đối với sản phẩm từ quốc gia thuộc nhóm “rủi ro thấp”, chỉ 1% các lô hàng sẽ bị cơ quan chức năng EU chọn ngẫu nhiên để kiểm tra. Trong khi đó, các nước được xếp vào nhóm "rủi ro tiêu chuẩn" và “rủi ro cao” lần lượt là 3% và 9%. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ giảm nguy cơ bị đình chỉ hoặc bị điều tra. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp từ quốc gia "rủi ro thấp" sẽ ít bị nghi ngờ hơn, giúp rút ngắn thời gian và chi phí thông quan.

Doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, trong đó thị trường chủ lực là EU, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Đức Huy - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) - cho biết, 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 60 - 70% do khối lượng xuất khẩu không giảm, trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu lại tăng mạnh. Chất lượng cà phê Robusta của Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn các nước khác.

Quy định EUDR là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc ngành cà phê theo hướng bền vững, chuyên nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu EUDR, ông Lê Đức Huy cho hay, với các đối tác trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vẫn bám sát vùng trồng, làm cà phê có chứng nhận bền vững, xây dựng bản đồ số, truy xuất nguồn gốc đến từng nông hộ.

Về chiến lược chất lượng, doanh nghiệp vẫn đồng hành cùng chuỗi cung ứng để tạo ra sản phẩm cà phê đặc sản Việt Nam, đặc biệt là cà phê Robusta để phục vụ nhu cầu mới, nhu cầu cao hơn cũng như khắt khe hơn về hương và vị của khách hàng. Việc Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” về phá rừng giúp giảm gánh nặng kiểm tra hậu kiểm và tạo lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU, việc Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” là kết quả tích cực của những nỗ lực hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua. Đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại (VPA/FLEGT), cũng như các hoạt động phối hợp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trước công bố mới trên, Mạng lưới EUDR - Lâm nghiệp cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam duy trì và nâng cao vị thế "rủi ro thấp" bằng việc tiếp tục thực hiện các chính sách bảo vệ rừng, tăng cường quản lý và giám sát việc sử dụng đất, đồng thời thúc đẩy các chương trình trồng rừng và phục hồi rừng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật để giúp họ đáp ứng các yêu cầu của EUDR, đặc biệt là trong việc thu thập và quản lý dữ liệu về nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, làm việc chặt chẽ với EU và các tổ chức quốc tế để nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong việc thực hiện các yêu cầu của EUDR.

Đối với doanh nghiệp, Mạng lưới EUDR - Lâm nghiệp đề xuất thiết lập hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm từ vùng nguyên liệu đến thành phẩm, sử dụng công nghệ số và dữ liệu địa lý...

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Nhu cầu nhập khẩu của EU rất lớn và nguồn cung cấp gần như hoàn toàn từ cà phê Robusta của Việt Nam. Cà phê Robusta Việt Nam có vị thế tương đối vững chắc, không thể thay thế trên thị trường thế giới. Trong các nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của Quy định EUDR, cà phê chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì thị trường này chiếm tới gần 40% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ áp dụng với doanh nghiệp lớn từ cuối năm 2025, và với doanh nghiệp nhỏ từ tháng 6/2026. Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 4% doanh thu của họ tại quốc gia xuất khẩu thành viên EU. Việc Việt Nam được xếp loại "rủi ro thấp" không chỉ giúp giảm gánh nặng tuân thủ cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ rừng và phát triển bền vững.

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 vừa qua, chiếm 39,3% về lượng và 38,4% về kim ngạch, đạt 528.582 tấn, kim ngạch 2,15 tỷ USD, giảm 12% về lượng nhưng lại tăng đến 45,6% về kim ngạch so với năm 2023. Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam nói chung và trong khối EU nói riêng gồm: Đức, Italia và Tây Ban Nha.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-ca-phe-don-tin-hieu-tich-cuc-tu-eu-389076.html
Zalo