Kiến nghị bộ trưởng, chủ tịch tỉnh 'vi hành' xem cán bộ đối xử với dân thế nào

Bên cạnh những đột phá chiến lược, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần làm mới lại các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực mới.

Ngày 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về nhiều nội dung, trong đó có việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Đa số đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc làm sao gỡ vướng thể chế, tình trạng lãng phí, cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư… cho phát triển.

 Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đề án sáp nhập tỉnh thông qua ngày 24-6

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đánh giá năm 2024, sau hơn 10 năm Việt Nam đạt cả 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng 7,09% là mức khá cao trong khu vực và thế giới. Dù vậy, bốn tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới có nhiều khó khăn, trong khi đó cả nước đang quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương xuống địa phương, đặc biệt là việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.

“Hiện nay nhiều lãnh đạo địa phương vắng họp QH vì phải về địa phương họp thường vụ tính chuyện sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã” - Chủ tịch QH nói và thông tin giữa tháng 6 này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ thông qua việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, còn đề án sáp nhập cấp tỉnh sẽ được thông qua tại đợt 2 của kỳ họp, ngay sau khi việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 được thông qua.

Ông Trần Thanh Mẫn nói tất cả bộ máy đang chờ đợi việc sửa đổi Hiến pháp được thông qua và sau đó là đề án sáp nhập các tỉnh, thành vào ngày 24-6, có hiệu lực từ ngày 1-7. Thời gian chuyển tiếp là một tháng rưỡi, để tới ngày 15-8 các địa phương phải sắp xếp tổ chức bộ máy xong, đi vào hoạt động.

“Những sự kiện này đều liên quan đến quản lý, chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ quan trọng là phải bảo đảm tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số giai đoạn 2026-2030. Các địa phương cũng đã đăng ký chỉ tiêu tăng trưởng với Chính phủ” - ông Mẫn nói và khẳng định trong sáu tháng cuối năm, trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chúng ta không thể chủ quan.

Đặc biệt, căng thẳng thương mại gia tăng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, tác động trực tiếp đến xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. “Những điều này đòi hỏi phải có sự linh hoạt, nhất là trong chiến lược đàm phán thương mại quốc tế. Hiện bộ trưởng Bộ Công Thương đang tích cực đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng” - Chủ tịch QH thông tin.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 23-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 23-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thúc đẩy động lực mới, làm mới động lực cũ

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong bối cảnh thế giới khó khăn hiện nay, các định chế tài chính dự báo tăng trưởng năm nay thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam đi ngược lại xu thế thế giới, khi nâng mục tiêu tăng trưởng từ 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.

“Vậy làm sao đi ngược lại nhưng nâng cao hơn?” - Thủ tướng đặt vấn đề và chia sẻ ba đột phá chiến lược Việt Nam đang triển khai tích cực đó là tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Chia sẻ về đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng, Thủ tướng nói đây chính là điểm nghẽn vì thực tế chi phí logistics cao, khoảng 17%-18% trong khi trung bình thế giới 10%-11%, điều này khiến sức cạnh tranh của hàng hóa bị giảm. Do đó, phải tiếp tục thúc đẩy hạ tầng chiến lược về giao thông ở cả năm phương thức. Gắn với đó là đột phá nguồn nhân lực tăng năng suất lao động, nâng cao kỹ năng nghề, trình độ chuyên môn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho hay sẽ tập trung thực hiện bốn nghị quyết của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, xây dựng và thực thi pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân (bộ tứ trụ cột).

“Hội nhập là xu thế thời đại. Chúng ta không thể làm gì một mình được, phải hội nhập, không thể lẽo đẽo theo sau mãi. Phải tiến cùng, bắt kịp và vượt lên, tham gia dẫn dắt cuộc chơi. Muốn vậy phải chủ động tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu của đất nước” - Thủ tướng nói và khẳng định những chiến lược này đang được thực hiện rất nhanh, tích cực, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Song song đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc cần làm mới lại các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến động của thế giới.

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Hàng ngàn giấy phép con, thủ tục vẫn “mọc lên”

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra cần khắc phục triệt để nhiều vướng mắc, trong đó có thể chế. “Thể chế đã có những cải thiện tích cực nhưng vẫn cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa” - ông Nghĩa nói và đề cập tới hai nội dung chính.

Cụ thể, vẫn có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Khi học nghị quyết, nghe lãnh đạo chỉ đạo ở các cuộc họp thì rất hào hứng nhưng khi đi vào quy định cụ thể lại rất vướng. Hàng ngàn giấy phép con, thủ tục vẫn tiếp tục “mọc lên” và khi bước vào một dự án, một việc làm ăn cụ thể là đụng ngay hàng loạt quy định.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”. Dự cuộc họp với Thủ tướng xong, các tập đoàn, doanh nghiệp rất hào hứng, phấn khởi, thế nhưng khi về địa phương, doanh nghiệp bắt tay vào làm thì gặp những cán bộ, công chức hoặc bộ phận không ủng hộ như vậy.

Từ thực tiễn trên, ông Nghĩa cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ tới đây là làm sao để các chủ trương được thực hiện một cách xuyên suốt đến tận cấp xã, không thể “thông thoáng ở bộ, ở tỉnh nhưng đến xã thì lại tắc”. “Chứng nhận giấy để sửa chữa nhà thôi, đề nghị ông xã ký xác nhận bốn bên không có tranh chấp, nhiều trường hợp phải có phong bì mới ký” - ông Nghĩa dẫn chứng.

Nhấn mạnh việc thực hiện thể chế quan trọng không kém gì cải cách thể chế, đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị các bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh có thể hóa trang, vi hành tới những cơ quan thuộc phạm vi mà mình quản lý, xem cán bộ, nhân viên ở đó đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào.

Lãng phí là “căn bệnh”, phải chịu đau đớn khi chữa trị và mất tiền

Nêu ý kiến về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức nêu thực tế một số công trình, dự án được đầu tư từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ và cũng không biết khi nào mới “về đích”.

“Dự án càng kéo dài thì càng lãng phí về thời gian, tiền bạc, nhân lực, vật lực” - ông Đức nhấn mạnh và đề nghị phải nhìn thẳng vào sự thật, tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục cùng lộ trình cụ thể.

Ông Đức cũng lo ngại sau khi sáp nhập bộ máy hành chính, nhiều trụ sở công dôi dư không được sử dụng gây lãng phí. “Các bộ, ngành, địa phương thuộc diện sáp nhập dôi dư tài sản phải có danh mục, tính toán chuyển đổi công năng khẩn trương, không để lãng phí dù chỉ một ngày” - đại biểu Đức đề nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) đánh giá việc tháo gỡ các dự án, chậm thu hồi các dự án theo kết luận điều tra, thanh tra, kiểm toán là điểm nghẽn lớn. Nhiều vụ án đã đưa ra xét xử, trị giá của những dự án này hàng ngàn tỉ đồng nhưng sau nhiều năm vẫn “án binh bất động”.

“Dù cũng có vướng mắc nhưng với những tài sản giá trị lớn, đất vàng, cứ để như thế người dân sẽ đánh giá công tác quản lý, thực hiện của cơ quan quản lý chưa nghiêm túc” - ông Sang nói và mong muốn các bộ, ngành có liên quan vào cuộc cùng gỡ vướng với địa phương.

Ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phản ánh tình trạng lãng phí trong các bữa tiệc, liên hoan, từ cấp huyện đến tỉnh. “Nhiều mâm cơm trị giá vài tạ thóc nhưng chỉ ăn 50%-60%, thậm chí 30%, còn lại là rượu, là đặc sản đổ bỏ, rất lãng phí!” - ông chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua Chính phủ đã báo cáo QH về các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ gây lãng phí, điển hình là các dự án điện gió, điện mặt trời.

Ông cho hay theo thống kê từ các địa phương cả nước, có hơn 2.200 dự án tồn đọng. Nếu tháo gỡ được có thể giải phóng khoảng hơn 230 tỉ USD, tương đương khoảng 50% GDP. “Chúng tôi đang xây dựng chính sách để tháo gỡ; không hợp thức hóa cái sai nhưng phải có cách thức xử lý về thể chế, về tổ chức” - Thủ tướng nói và khẳng định ai làm sai phải xử lý, những thể chế chưa phù hợp phải tháo gỡ.

Đáng chú ý, ông cho rằng cần phải chấp nhận đây là “căn bệnh”, mà đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, đau đớn, chịu mất máu và mất tiền. Ông cũng nêu quan điểm việc khắc phục hậu quả “không thể thu về 100%, phải chấp nhận mất mát” và coi đó là học phí.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết Bộ Tài chính đang rà soát, xử lý các trụ sở dư thừa. Tuy nhiên, quan trọng là các cấp ủy địa phương không để lãng phí, vận dụng sáng tạo từ địa phương, bởi luật pháp không bao giờ phủ được hết các khía cạnh.

******

Luật, nghị định phải cùng “cởi trói”, nếu không sẽ tạo ra rào cản

Cũng trong phiên thảo luận tổ ngày 23-5 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đề cập đến những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Với một rừng thủ tục, làm sao thu hút đầu tư?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay ông khá sốt ruột với việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua.

Ông Hà Sỹ Đồng dẫn các báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy việc đầu tư các dự án có sử dụng đất của Việt Nam hiện nay như trong một khu rừng thủ tục, núi thủ tục, từ việc xin quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đến chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế, môi trường, PCCC…

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy vấn đề tiếp cận đất đai hay xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Nếu như năm 2021 có 55% doanh nghiệp gặp thuận lợi khi tiếp cận mặt bằng kinh doanh thì năm 2024 chỉ còn 33%.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: QH

Trong đó, vướng mắc lớn nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục, đặc biệt là thủ tục xác định giá đất. Hầu hết thủ tục khi thực hiện đều bị kéo dài hơn quy định hoặc phải làm đi làm lại nhiều lần.

“Với tình trạng rừng thủ tục, núi thủ tục như vậy, chúng ta không thể huy động được đủ đầu tư tư nhân để phục vụ tăng trưởng” - theo ông Hà Sỹ Đồng.

Đại biểu cũng cho rằng trong lĩnh vực bất động sản, thủ tục bị kéo quá dài còn khiến các dự án bất động sản bị đình lại, làm chậm nguồn cung nhà ở và kéo giá nhà ở tăng mạnh thời gian qua.

“Tôi cho rằng tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư phải được coi là trọng tâm của trọng tâm khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm” - ông Đồng nói và đề nghị Chính phủ phải rất quyết liệt trong việc này.

Một mặt hàng vẫn đang chịu quản lý của hai bộ

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) cho biết qua rà soát, có những vấn đề đặt ra nhưng thực hiện chưa được như mong muốn. Chẳng hạn, quy định mỗi mặt hàng chỉ phải chịu sự quản lý của một cơ quan chuyên ngành đặt ra từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể ban hành nghị định cụ thể. Vẫn có những mặt hàng đang chịu quản lý của hai hay nhiều cơ quan, thậm chí là nhiều tiêu chuẩn khác nhau… làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Hiển đề nghị sớm rà soát lại toàn bộ các văn bản, thủ tục đã ban hành, xem những gì đề ra đã làm được, chưa làm được để có giải pháp khắc phục. “Phải làm sao khi luật đã ban hành, đã mở ra cơ chế thì đến nghị định, thông tư cũng phải mở, nếu không sẽ tạo ra rào cản” - đại biểu Đỗ Đức Hiển nói.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ sáng 23-5 tại đoàn đại biểu TP.HCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức cũng đề nghị mỗi bộ, ngành cần rà soát xem đang có bao nhiêu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực mình. Cùng với đó, phải giảm thiểu đến mức thấp nhất chi phí tuân thủ pháp luật, quản lý ra sao, tránh những lỗ hổng dẫn đến vi phạm pháp luật.

“Luật quy định rõ nhưng nghị định, thông tư lại đặt ra những điều kiện, thủ tục, gây khó trong thực thi” - ông Đức nói và khẳng định đôi khi chỉ một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng đã làm phát sinh chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.

Theo đại biểu Đức, điều quan trọng nhất hiện nay là phải thay đổi tư duy từ quản lý sang hành chính phục vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số để mọi thủ tục diễn ra nhanh gọn nhất, người dân không phải đi lại nhiều lần, nhất là trong bối cảnh sáp nhập tỉnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kien-nghi-bo-truong-chu-tich-tinh-vi-hanh-xem-can-bo-doi-xu-voi-dan-the-nao-post851399.html
Zalo