Phóng viên chiến trường: Những người góp phần làm nên lịch sử ngày 30/4/1975
Những phóng viên chiến trường đã quăng mình vào lửa đạn, kịp thời truyền tải những tin tức về Tổng xã. Vậy nên, trong giờ khắc lịch sử ngày 30/4/1975, họ đã trở thành những nhân chứng của thời đại.
Với vai trò là cơ quan phát ngôn chính thức, chính thống của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.
Ngay sau khi thành lập, Thông tấn xã Giải phóng liên tiếp được bổ sung và tăng cường cán bộ từ các địa phương, các chiến trường và từ hậu phương lớn miền Bắc. Bằng nhiều đường, các phương tiện kỹ thuật dần dần được đưa từ miền Bắc vào. Sau này, hai cơ quan hợp nhất thành Thông tấn xã Việt Nam.
Lớp lớp phóng viên chiến trường của cơ quan thông tấn quốc gia đã tay súng, tay máy, xông pha giữa lửa đạn để góp phần làm nên thành công của cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc.
Làm báo giữa khói lửa chiến tranh
Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy vẫn còn nhớ thời điểm năm 1974, được giao nhiệm vụ đi tăng cường cho Phân xã miền Đông Nam bộ.
“Ông Trần Thanh Xuân, Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng giao nhiệm vụ cho ba chúng tôi là: Nguyễn Sỹ Thủy, phóng viên tin, Phạm Cao Phong, phóng viên ảnh và Nguyễn Tất Thắng đóng tại Chiến khu Đ, rừng Mã Đà, Đồng Nai để làm nhiệm vụ thông tin ở khu vực,” ông Thủy nhớ lại.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng theo dõi tình hình chiến trường trên bản đồ Sài Gòn.
Chiến tranh gian khổ đã lùi xa, có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn nhưng bài học những về kinh nghiệm viết tin, chụp ảnh trong khói lửa chiến tranh thì không bao giờ phai nhòa trong ký ức ông Thủy.
“Bài học đầu tiên của thực tế làm báo ở chiến trường mà chúng tôi học được là phải có mối quan hệ tốt với cơ sở, với nhân dân, bám sát phong trào, làm tốt công tác dân vận để có tin hay, ảnh đẹp,” ông Thủy nói.
Nhớ lại những ngày tháng tác nghiệp ở trận địa, nhà báo Nguyễn Dĩnh cho hay phương châm tác chiến tuyên truyền đi theo quy trình chặt chẽ. Trước hết là "Tin mới nhận" gồm những thông tin ban đầu, sơ bộ, chủ yếu khai thác từ hàng chục hãng tin phương Tây.
Sau là "Tin chưa đầy đủ" khai thác trong các buổi giao ban tác chiến của Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị, đưa cụ thể hơn về diễn biến, số người thương vong, thiệt hại ban đầu (giữ bí mật phiên hiệu đơn vị tham gia chiến đấu và cách đánh).
Hai ngày sau, phát tiếp loại tin thứ ba "Tin đầy đủ" do các phân xã ở chiến trường điện ra. Với những trận đánh lớn, những đơn vị đánh giỏi, Phòng còn có tin tường thuật, tổng hợp và bình luận kèm bản đồ chiến sự.
Cứ thế, hàng nghìn dòng tin, bức ảnh cùng nhiều bài tường thuật xúc động gửi về từ khắp nơi chiến trường, phát qua Việt Nam Thông tấn xã, đến tay bạn đọc.

Nữ nhà báo, thương binh Triệu Thị Thùy (phải) và nhà báo, thương binh Nguyễn Đăng Lâm (giữa) giao lưu tại Tọa đàm trực tuyến từ điểm cầu Trung tâm Thông tin Thông tấn xã Việt Nam Khu vực miền Trung–Tây Nguyên ngày 24/4/2025. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Chia sẻ kỷ niệm tác nghiệp nơi chiến trường, nhà báo thương binh Triệu Thị Thùy vẫn nhớ rất rõ chuyến công tác đầu tiên đi chiến trường Quảng Ngãi năm 1974.
Là một phóng viên trẻ, nhiệt huyết, bà Thùy luôn nóng lòng được ra tiền tuyến để ghi lại những khoảnh khắc, những bức ảnh quý giá về cuộc chiến hào hùng của dân tộc.
Khi tới Quảng Ngãi, bà gặp một đội du kích địa phương, trong đó có những cô dân quân mới 15, 16 tuổi. Bà rất muốn chụp một bức ảnh kỷ niệm với họ nhưng vì thời đó phim rất quý nên bà để dành chụp những khoảnh khắc chiến tranh ác liệt hơn.
Ngày hôm sau, khi tiến sâu hơn vào vùng chiến sự, bà mới nhận ra sự ác liệt của chiến tranh. Bà bị trúng đạn vào chân và được đưa về trạm xá. Tại đây, bà Thùy gặp lại đội du kích ngày hôm qua, quá nửa đã hy sinh, một số bị thương được chuyển về cùng điều trị ở trạm xá. Những nụ cười, giọng nói ngày hôm qua bỗng dội lại trong trí nhớ. Bà thấy tiếc nuối vì đã không chụp một bức ảnh với họ.

Nguyên lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam thăm Bia tưởng niệm Thông tấn xã Giải phóng tại Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, thuộc xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN)
Vì vậy, bài học của bà Thùy sau chuyến công tác đầu tiên là: Mỗi giây phút tại chiến trường đều là khoảnh khắc lịch sử, mỗi con người gặp trên chiến khu đều là một anh hùng, phải cố gắng ghi lại hết tất cả những gì có thể.
Với tinh thần đó, nữ phóng viên Triệu Thị Thùy đã luôn hăng say lao động, kịp thời truyền tải những dòng tin từ chiến trường về Tổng xã.
“Tôi luôn cố gắng làm chuyên môn thật tốt, kịp thời truyền tải tin chiến sự đến với độc giả của Thông tấn xã cả nước. Phải viết thật nhiều để bố mẹ, anh em ở nhà nhìn thấy bút danh Triệu Thùy yên tâm rằng mình còn sống,” bà Thùy chia sẻ.
Thổn thức trước giờ phút chiến thắng
Những phóng viên chiến trường đã quăng mình vào lửa đạn, không ngại hiểm nguy, gian khổ để có thể kịp thời truyền tải những tin tức về Tổng xã. Vậy nên, trong giờ khắc lịch sử ngày 30/4/1975, họ đã trở thành những nhân chứng của thời đại.
Những ngày cuối tháng 4/1975, hai nhà báo Ngọc Đản và Hoàng Thiểm nhận nhiệm vụ đi theo đội hình hành quân của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Sau đó ông đã gặp và bám theo chiếc xe tăng thứ tư của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203. Đơn vị đã chiến đấu trận cuối cùng ác liệt ở cầu Sài Gòn và chọc thủng được phòng tuyến của địch ở phía Bắc cầu, đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.

Xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975. (Ảnh: Nhà báo Ngọc Đản)
Hồi tưởng lại những tháng ngày đó, nhà báo Ngọc Đản cho rằng đó là một điều may mắn tuyệt vời trong cuộc đời khi ông được chứng kiến và chụp ảnh giờ khắc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng.
Chụp được những bức ảnh lịch sử quý báu đã là một thành công rồi, nhưng chuyển ra Hà Nội mới là công việc cực kỳ khó khăn và đầy thử thách vì tại thời điểm này không thể dễ dàng tìm được phương tiện giao thông. Tình thế gấp gáp, nhà báo Ngọc Đản nghĩ ngay đến việc nhờ những người lính Sài Gòn.
Trong sân Dinh Độc Lập giờ phút ấy có rất đông các nhân viên, tùy tùng của chính phủ Sài Gòn. Nhà báo Ngọc Đản tiến về phía họ và nói: “Tôi là phóng viên ở miền Bắc vào, có tài liệu cần chuyển ra Bắc gấp. Ai có thể lái xe đưa chúng tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất?” Một người đàn ông có nước da sạm đen đứng gần đó giơ cánh tay lên: “Tôi là Võ Cự Long, sỹ quan lái xe dẫn đường cho đoàn xe của nội các chính quyền Sài Gòn. Tôi sẽ đưa ông đi.”
Vậy là chiếc xe đưa 2 nhà báo Ngọc Đản và Hoàng Thiểm lao nhanh về hướng cổng Phi Long, sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng tới đây, xe bị chặn lại, không thể vào sân bay được. Hai nhà báo quyết định thay đổi phương án, yêu cầu lái xe đưa mình ra Đà Nẵng-Huế mới mong có thể có máy bay chuyển tài liệu ra Hà Nội. Nhờ có giấy tờ nhà báo làm nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, xe đã ra khỏi thành phố Sài Gòn lúc 2h chiều 30/4/1975.

Các phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam: Hoàng Thiểm, Nguyễn Dĩnh, Trần Mai Hưởng, Hồng Thụ, Ngọc Đản hội ngộ trong ngày 24/4/2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sài Gòn vừa được giải phóng, dọc đường đi còn đầy sự nguy hiểm rình rập, nhưng hai nhà báo Ngọc Đản và Hoàng Thiểm quyết tâm chuyển những cuộn phim ra Bắc sớm nhất. Xe đi suốt không nghỉ, tới ngày 2/5/1975 đến Huế an toàn. Ngay buổi trưa hôm đó, nhà báo Hoàng Thiểm theo máy bay quân sự đưa tài liệu ra Hà Nội.
Vào 16h30 ngày 2/5 máy bay vận tải C130 do một tổ lái phi công của chính quyền Sài Gòn và tổ lái của không quân ta áp tải hạ cánh an toàn xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Từ sân bay Gia Lâm đến cầu Long Biên, qua Nhà hát Lớn thành phố, đến cổng cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, ông Hoàng Thiểm thổn thức khi thấy cả thành phố Hà Nội rực cờ đỏ sao vàng như ngày hội lớn.
“18 cuộn phim của tôi và Ngọc Đản chụp được (mỗi người đúng 9 cuộn) được Bộ Biên tập cho xử lý nhanh và thông báo cho các tòa soạn báo trung ương và Hà Nội kịp lấy ảnh cho báo ngày 3/5/1975 phát hành,” nhà báo Hoàng Thiểm nhớ lại.
Ngày 3/5, Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng dẫn nhà báo Hoàng Thiểm đến gặp và báo cáo các lãnh đạo: Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng và Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Tố Hữu.
“Đồng chí Lê Duẩn vui mừng hỏi thăm tinh thần và sức khỏe của các cán bộ, chiến sỹ vào giải phóng và tiếp quản thành phố, nhân dân và đồng bào thành phố Sài Gòn đón tiếp quân giải phóng thế nào và thành phố có an toàn không. Khi xem đến bức ảnh người dân đổ ra đường tưng bừng vẫy chào quân giải phóng, tôi thấy ông lặng lẽ lau nước mắt,” ông Hoàng Thiểm chia sẻ.
Gần 50 năm làm nghề, các nhà báo lão thành Thông tấn xã Việt Nam đã có quãng thời gian là phóng viên chiến trường gắn mình với lịch sử hào hùng của dân tộc đầy ý nghĩa.
Qua những câu chuyện kể, họ đã cho người đọc hiểu về một thế hệ phóng viên chiến trường đầy nhiệt huyết, vừa có tri thức, năng lực về nghề nghiệp vừa quyết đoán hành động ở những thời điểm quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng của toàn dân tộc./.