Chuyện chưa kể về những phóng viên chiến trường Đài Phát thanh Giải phóng
50 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày cầm bút, cầm míc để chiến đấu trên mặt trận thông tin tại Đài Phát thanh Giải phóng vẫn in sâu trong tâm trí của những phóng viên chiến trường.
Cao trào Đồng Khởi đầu năm 1960 đã đưa đến thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1060). Để đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền cách mạng, Trung ương Đảng chỉ đạo, hướng dẫn Trung ương Cục miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam gấp rút thành lập Đài Phát thanh Giải phóng. Đài Tiếng nói Việt Nam coi đây là nhiệm vụ chính trị bí mật, cực kỳ quan trọng.

Ảnh tư liệu về Đài Giải phóng đang được lưu giữ tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.
Tháng 11/1961, tại căn cứ Tây Bắc Tây Ninh, Đài Phát thanh Giải phóng được thành lập, bên cạnh Thông tấn xã Giải phóng và Báo Giải phóng trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam.
Lúc 18h30 ngày 1/2/1962, Đài Phát thanh Giải phóng phát chương trình chính thức đầu tiên - trở thành đơn vị phát thanh chủ lực của phong trào cách mạng miền Nam trong những năm kháng chiến. Những người làm tại Đài Phát thanh Giải phóng khi ấy vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu với quân thù.
Nhớ lại những năm tháng làm phóng viên chiến trường tại Đài Phát thanh Giải phóng, nhà báo Cao Việt Hòa chia sẻ: “Tôi nguyên là phóng viên báo Nhân Dân, đến năm 1973 khi Đài Phát thanh Giải phóng có đề nghị báo Nhân Dân cử một số phóng viên vào làm tại Đài khu vực Trung Trung Bộ, tôi đã viết đơn tình nguyện xin đi cùng 2 nữ nhà báo khác. Chúng tôi được cử làm phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng tại Trung Trung Bộ từ năm 1973 đến năm 1975. Thời điểm đó, miền Bắc đã hòa bình, chúng tôi là những thanh niên còn rất trẻ, nghe cơ quan tuyển phóng viên chiến trường sẵn sàng viết đơn tình nguyện lên đường, không nghĩ gì đến sự sống cái chết”.

Nhà báo Cao Việt Hòa chia sẻ về những ngày làm phóng viên chiến trường tại Đài Phát thanh Giải phóng
Cha mất sớm, 20 tuổi, phóng viên trẻ Cao Việt Hòa khi ấy chia tay mẹ để lên đường, ông kể, chỉ một câu nói của mẹ: “Con cứ quyết, gia đình hoàn toàn ủng hộ con” đã tiếp thêm sức mạnh cho ông lên đường vào chiến trường làm chiến sĩ trên mặt trận thông tin.
“Vào đến chiến trường tôi mới thực sự cảm nhận được sự khốc liệt của bom đạn, chứng kiến sự hy sinh của các chiến sĩ bộ đội, đồng bào miền Nam. Nhưng đứng trước cái chết, chứng kiến cái chết hàng ngày, lúc ấy chúng tôi không có gì nao núng, điều duy nhất nghĩ đến là sự xót xa và cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần chung vào kháng chiến”, nhà báo Cao Việt Hòa kể.
Kể về những kỷ niệm khi tác nghiệp tại chiến trường, nhà báo Cao Việt Hòa nhớ lại, có lần từng ngất xỉu, bộ đội phải đưa về doanh trại, cũng có những lần phải đi bộ hơn 20 ngày từ Quảng Nam vào đến Gia Lai để công tác.
"Trong một lần đi đường rừng, phải bám vào rễ cây để đu lên, một đồng chí nhà báo đi cùng tôi leo được nửa đường thì tuột tay ngã xuống gãy mất 8 cái răng. Tôi hỏi có sao không, anh tay bịt miệng, máu vẫn chảy lênh láng nhưng vẫn hóm hỉnh cười bảo "đợi tôi nhặt lại 8 cái răng về làm kỷ niệm", đó là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên”, nhà báo Cao Việt Hòa kể.
Nhưng khoảnh khắc mà ông nhớ nhất, là khi nghe tin chiến thắng, miền Nam được giải phóng, quân dân thức trắng đêm, reo hò, nhà nào có lợn, có trâu cũng mổ hết, mời bộ đội ăn mừng. “Không có một từ nào có thể diễn tả được niềm vui ấy”, nhà báo Cao Việt Hòa xúc động chia sẻ.
50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những ngày tại chiến trường phía Nam khi công tác trong Đài Phát thanh Giải phóng vẫn in sâu trong tâm trí Kỹ thuật viên Trần Thị Thành.
Ngày viết đơn tình nguyện vào miền Nam, tham gia Đài Phát thanh Giải phóng, khi ấy bà Trần Thị Thành mới 21 tuổi, bà xung phong đảm nhiệm vai trò báo vụ - chuyển những thông tin của phóng viên chiến trường miền Nam ra miền Bắc để phát sóng.

“Khi đó, hành quân từ Bắc vào Nam tham gia kháng chiến cũng chỉ đi bộ, mất hàng tháng trời. Trên đường đi có bao chuyện mưa bom bão đạn, có cả những người ngã xuống khi chưa vào được tới miền Nam, tôi may mắn sống sót. Bởi thế lại càng quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Có những khi ốm sốt, nhưng vẫn làm việc bình thường, không có ngày nghỉ, mọi việc đều phải diễn ra dưới hầm. Chỉ cần địch phát hiện ra dấu vết của Đài Phát thanh Giải phóng là dội bom. Với tinh thần thanh niên, khi ấy chúng tôi coi chuyện sống chết cũng là bình thường, chỉ nghĩ sao cho hoàn thành nhiệm vụ. Chứng kiến 2 đồng đội ngã xuống vì bom Mỹ, tôi lại càng quyết tâm hơn nữa”, bà Trần Thị Thành chia sẻ.

Một số ảnh tư liệu về Đài Giải phóng đang được lưu giữ tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.
Trải qua bao vất vả, chứng kiến bao sự hy sinh, đổ máu của đồng đội, chiến sĩ, đồng bào, nên khi biết tin miền Nam được giải phóng, không gì có thể diễn tả hết niềm vui, niềm hạnh phúc của nhà báo Trần Thị Thành cũng như những đồng đội khác.
Ở tuổi trẻ và đẹp nhất của người con gái, khi nghe tin đất nước thống nhất, cũng là khi bà Thành mới dám nghĩ về hạnh phúc riêng của bản thân mình: “Tôi và ông xã khi đó còn yêu nhau, anh cũng là phóng viên chiến trường, chúng tôi yêu nhau bao năm nhưng không dám cưới. Đến khi nghe tin giải phóng mới dám nghĩ đến tình cảm riêng của mình”, bà Thành bồi hồi nhớ lại.