Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Dự báo, nhận diện, nắm chắc tình hình và có giải pháp ứng phó nhanh

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Bình Dương) chiều nay, 14.2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, mục tiêu chung là thúc đẩy sản xuất, đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, tăng cả tổng cung và tổng cầu nhưng cũng phải tập trung vào 3 mục tiêu chính là 'xương sống' của mọi thời đại, mọi quốc gia, gồm: ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Phải dự phòng, chấp nhận rủi ro phát sinh và vượt lên rủi ro

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến các giải pháp một cách tương đối toàn diện, đầy đủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, là nền tảng để chuẩn bị cho một kỷ nguyên cất cánh, vươn mình sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với mục tiêu mức tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liên tục. Vì vậy năm 2025 phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% để tạo đà phát triển cho giai đoạn 2026 - 2030 trên 10%.

 Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Bình Dương). Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Bình Dương). Ảnh: Hồ Long

“Mục tiêu tăng trưởng cao, phát triển vượt lên là hoài bão của bao thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, Nhân dân cả nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh đến tính kết nối của nhiệm vụ năm 2025 với giai đoạn 2020 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 là hết sức quan trọng và lưu ý chính sách có độ trễ, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải tập trung cho những dự án đang hoạt động, triển khai từ những năm trước. Bên cạnh đó, chính sách phải đồng bộ, vừa tháo gỡ, đẩy nhanh và phát huy hiệu quả những công việc đang làm, vừa thúc đẩy triển khai, khởi tạo những công việc mới; tăng đầu tư, tăng tiêu dùng, tăng xuất khẩu, huy động nguồn vốn trong Nhân dân. Đồng thời, phải dự phòng, chấp nhận rủi ro phát sinh và vượt lên rủi ro, biến thách thức thành cơ hội. Nội dung này phải được quán triệt đến từng địa phương, doanh nghiệp và từng nhà quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, mục tiêu chung là thúc đẩy sản xuất, đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, tăng cả tổng cung và tổng cầu nhưng cũng phải tập trung vào 3 mục tiêu chính là “xương sống” của mọi thời đại, mọi quốc gia, gồm: ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Trước bối cảnh thế giới có những biến động không thể lường trước, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một trong những giải pháp rất quan trọng là dự báo, nhận diện, nắm chắc tình hình và có giải pháp ứng phó nhanh, ngoài ra phải có chiến lược ngoại giao hết sức linh hoạt, nhạy bén, bám sát theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có giải pháp về xây dựng đội ngũ công chức và chế độ công vụ vì sự phát triển, không hưởng lợi trực tiếp từ đối tượng phục vụ, trong đó, đề cao trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, công chức, viên chức cũng như từng cơ quan, đơn vị.

Thúc đẩy đầu tư tư nhân, cải cách thủ tục hành chính

Qua thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 19 cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8%. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với tinh thần "chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả", góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Về các động lực tăng trưởng, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD); trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 nghìn tỷ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.

Cho biết câu chuyện khó khăn, chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc đến rất nhiều trong những năm gần đây, ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) băn khoăn, nếu tăng vốn đầu tư công lên như nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì có giải pháp như thế nào để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này?

 ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu Khương Thị Mai, giải pháp cần thực hiện ngay là có sự tổng kết đối với việc các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới đâu. Những nghị quyết thí điểm tại các địa phương nếu qua tổng kết và thấy thực hiện được thì cần nhân rộng ngay; Chính phủ có thể quyết định mở rộng địa bàn, phạm vi, địa phương có cùng địa hình, vị trí thực hiện các chính sách đã được thí điểm.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cán bộ, công chức là yếu tố rất quan trọng, vì vậy phải có chế độ, chính sách thu hút người tài; đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mặt khác, cần thúc đẩy đầu tư tư nhân, cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ; khẩn trương xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án; có chính sách huy động nguồn lực trong Nhân dân; tổ chức có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước, cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”; giảm chi phí logistics.

“Các giải pháp đưa ra phải cụ thể, nhanh chóng, kịp thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận hành, sản xuất kinh doanh”, đại biểu Khương Thị Mai nói.

 ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bày tỏ nhất trí với các giải pháp Chính phủ đã đề xuất, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhận thấy, trong Đề án của Chính phủ chưa đề cập đến chính sách tiền tệ, tạo thị trường tài chính để doanh nghiệp tham gia.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Quang Huân lưu ý, vấn đề là phải tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; trong các giải pháp của Chính phủ, nên cân nhắc đến các yếu tố về môi trường, xã hội song song với việc bổ sung thêm các chỉ tiêu về phát triển kinh tế.

 ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, Chính phủ cần khu trú, báo cáo rõ hơn cho Quốc hội nhóm giải pháp nào là mới, góp phần tăng chỉ số tăng trưởng so với các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành. Điều này cũng giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở tập trung thực hiện những giải pháp đó, giúp giảm độ trễ của chính sách.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh-du-bao-nhan-dien-nam-chac-tinh-hinh-va-co-giai-phap-ung-pho-nhanh-post404539.html
Zalo