Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Công chức phải không hưởng lợi trực tiếp từ đối tượng phục vụ
Phát biểu tại phiên họp tổ, chiều 14-2, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 là phải xây dựng được đội ngũ công chức có tư tưởng phát triển, không hưởng lợi trực tiếp từ đối tượng phục vụ.
Tiếp tục chương trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, chiều 14-2, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
![Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cần xây dựng đội ngũ công chức không hưởng lợi trực tiếp từ đối tượng phục vụ. Ảnh: TRỌNG HẢI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_16_51478575/a53e5aa468ea81b4d8fb.jpg)
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cần xây dựng đội ngũ công chức không hưởng lợi trực tiếp từ đối tượng phục vụ. Ảnh: TRỌNG HẢI
Phát biểu tại phiên họp tổ 19 về nội dung thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã trình bày tương đối đầy đủ giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, chuẩn bị nền tảng cho kỷ nguyên vươn mình, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số liên tục sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhấn mạnh như vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tăng trưởng 2 con số cũng là mơ ước, hoài bão của rất nhiều thế hệ. Đây là thời điểm để nước ta phải thực hiện được mục tiêu này.
Bên cạnh nhóm giải pháp do Chính phủ nêu ra trong báo cáo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý 2 việc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Thứ nhất, phân tích độ trễ của chính sách, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, nhiều chính sách nếu triển khai năm 2025 thì phải đến năm 2026, 2027 mới có kết quả vào tăng trưởng. Do vậy, muốn phát triển năm 2025 thì phải tháo gỡ cho những chính sách được đưa ra từ năm 2023, những chính sách đang thực hiện nhưng gặp vướng mắc, cần tháo gỡ.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng phải có dự phòng rủi ro và chấp nhận rủi ro. Ví dụ được nêu ra là tăng tiền vào lưu thông để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát tăng, nợ công tăng.
Mục tiêu chung là thúc đẩy sản xuất, đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, tăng cả tổng cung và tổng cầu, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý 3 nội dung-ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Phó chủ tịch Quốc hội nhắc lại bài học năm 2008, khi ấy, nước ta và các nền kinh tế trên thế giới đều đạt mức tăng trưởng rất cao. Trước thời cơ đó, Đảng, Nhà nước ta đặt mục tiêu trong năm 2008 hoàn thành xong mục tiêu nhiệm kỳ 2006-2011. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính-ngân hàng từ Mỹ đã lan rộng ra cả thế giới, gây ra khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Khó khăn ấy ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực phát triển kinh tế của nước ta.
Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định liên hệ với những biến động khó lường của tình hình thế giới hiện nay và nhấn mạnh tới yêu cầu phải có dự báo tình hình thật tốt.
Thứ hai, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, cần xây dựng đội ngũ công chức và chế độ công vụ vì sự phát triển, không hưởng lợi trực tiếp từ đối tượng phục vụ, trong đó đề cao trách nhiệm cá nhân không chỉ của lãnh đạo, mà của cả từng cán bộ, công chức, viên chức, từng cơ quan, đơn vị.
“Mỗi công chức khi thấy việc thì phải xông vào, đừng đợi doanh nghiệp đến gặp mình, mà mình phải chủ động tìm đến doanh nghiệp để đồng hành, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh đừng đợi doanh nghiệp đưa hồ sơ đến, chuyên viên nhận hồ sơ rồi trình lên mới ký, mà phải chủ động tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp để trao đổi xem họ cần gì, hết lòng hết sức vì doanh nghiệp”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.