Phát triển năng lượng tái tạo đáp ứng tăng trưởng xanh
Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 8% và giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân 10%/năm. Một trong những điều kiện để đáp ứng tăng trưởng kinh tế là phải đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Việt Nam đang theo đuổi tăng trưởng xanh nên rất cần nguồn năng lượng tái tạo để sử dụng cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt. Vì thế, trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã đưa ra 3 kịch bản tăng công suất nguồn điện so với hiện nay từ 45-50%; từ 60-65% và từ 70-75%. Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đang tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân để hoàn chỉnh.
Đồng Nai là một trong 4 địa phương sử dụng điện nhiều nhất cả nước với khoảng 15 tỷ kWh/năm, đa số dùng cho sản xuất công nghiệp. Trong năm 2025, kế hoạch của tỉnh GRDP sẽ tăng khoảng 10% và những năm tiếp theo tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao nên nhu cầu sử dụng điện của tỉnh sẽ rất lớn. Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ có 48 khu công nghiệp và 31 cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp khi đầu tư nhà máy trong khu, cụm công nghiệp ở Đồng Nai phần lớn theo mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn để phát triển bền vững nên rất cần nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, địa nhiệt, sinh khối…).
Đồng Nai cũng có lợi thế để phát triển điện mặt trời áp mái nhà vì có thời gian nắng nhiều, khoảng 2,5 ngàn giờ/năm. Đồng thời, tỉnh hiện có gần 8 ngàn hécta mái nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp. Trong những năm tới, khi tất cả các khu, cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, cho nhà đầu tư thứ cấp thuê xây dựng nhà máy sản xuất thì diện tích mái nhà xưởng có thể lên đến trên 10 ngàn hécta. Đây sẽ là lợi thế cho tỉnh, vùng Đông Nam Bộ trong phát triển điện mặt trời áp mái để có nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho các nhà máy xanh, net zero.
Thế nhưng, muốn phát triển được nguồn năng lượng tái tạo trên, Đồng Nai cần phải đề xuất bổ sung đầy đủ vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Trong đó, tỉnh cần tính toán dự báo sát với nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo trong 5, 10, 20, 30 năm tới, để từ đó có kiến nghị Chính phủ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật điện và có các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào năng lượng tái tạo.