Phát triển điện hạt nhân 'mở cánh cửa' tiến vào các ngành công nghệ cao
Nếu muốn tiến thẳng vào các ngành công nghệ cao, yêu cầu về điện năng là bắt buộc. Từ đây, đặt ra việc phải cơ bản hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cần thiết hoàn thiện các cơ chế, chính sách
Chiều 14/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
![Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51478536/ffc4a05c92127b4c2203.jpg)
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội
Liên quan tới các cơ chế, chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu Tạ Đình Thi - đoàn Hà Nội cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng được giao trách nhiệm chủ trì thẩm tra vấn đề này.
Theo ông Tạ Đình Thi, điện hạt nhân Ninh Thuận là một trong các công trình đã có chủ trương từ năm 2009 và năm 2016 do các điều kiện kinh tế - xã hội lúc đó nên chúng ta dừng. Ngày 30/11/2024, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết 174 và chúng ta tái khởi động dự án này.
Đại biểu đoàn Hà Nội thông tin, theo kế hoạch tháng 5/2025, Chính phủ sẽ trình việc điều chỉnh chủ trương và trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) chủ yếu phục vụ triển khai dự án này.
Tốc độ và khung thời gian hiện nay Thủ tướng Chính phủ đặt ra về xây dựng nhà máy này trong khoảng 5 năm (thông lệ quốc tế thường là 5 năm xây dựng dự án và khoảng 3 năm chuẩn bị dự án), song Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị khá dài.
Với thời gian như vậy, Chính phủ đề nghị từ nay đến tháng 5/2025 sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách và báo cáo Quốc hội. “Theo tôi, việc này hết sức cần thiết để tranh thủ thời gian đặc biệt trong vấn đề đàm phán với các đối tác, lựa chọn đối tác, cũng như phải khẩn trương xây dựng báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi trên cơ sở đó trình Quốc hội để xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư với quy mô vốn, công nghệ…” ông Thi nêu.
Liên quan tới việc giải phóng mặt bằng, theo đại biểu Ta Đình Thi, với tiến độ Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận từ nay đến hết năm 2025 phải hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, trong đó với dự án trước đây khoảng 1.600 hecta, còn khoảng 1.000 hộ với 5.000 nhân khẩu… thì thách thức tiến độ đặt ra rất lớn. Vì vậy, trong đề xuất có 10 nhóm chính sách cụ thể, trong đó có thể chia thành 2 nội dung: Một là dự án và hai là đối với tỉnh Ninh Thuận.
Cơ bản tán thành chính sách đặc thù
Cũng phát biểu thảo luận về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Phi Thường - đoàn Hà Nội cho hay, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, cũng đồng nghĩa với việc ta muốn có 1% tăng trưởng thì cần phải có 1,5% phát triển về công suất của hệ thống điện.
![Đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51478536/8d00d098e2d60b8852c7.jpg)
Đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội
Theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến cần khoảng 80 ngàn MW để đảm bảo phát triển trong năm 2025, nhưng đến năm 2030, phải nâng công suất gấp đôi - khoảng 150 ngàn MW. Đây là một câu chuyện rất lớn nhưng nếu như không đảm bảo được công suất nguồn điện này, thì các mục tiêu tăng trưởng, nhất là mục tiêu tăng trưởng hai con số sẽ rất khó đạt được.
Đặc biệt, trong đó chúng ta còn đang tập trung vào những công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn… Đây là ngành công nghệ theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, yêu cầu về điện năng còn cao hơn các ngành như hóa dầu, sản xuất ô tô…
"Chính vì thế, nếu chúng ta muốn tiến thẳng vào các ngành công nghệ cao, để đảm bảo sự phát triển của đất nước đạt hai con số thì yêu cầu về điện năng là điều bắt buộc, đặc biệt là điện nền và điện xanh. Từ đây, đặt ra yêu cầu về năm 2030, chúng ta phải cơ bản hoàn thành được 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận" - ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Theo đó, ông Nguyễn Phi Thường bày tỏ, các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chúng tôi cơ bản tán thành.
Để làm điện hạt nhân yêu cầu về công nghệ rất cao. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ, có nguồn nhân lực để tiếp quản khai thác, vận hành sau này đều là những vấn đề rất lớn và chúng ta phải chuẩn bị.
"Hàng loạt vấn đề tôi nghĩ chúng ta chưa lường trước được trong quá trình triển khai và nó phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác mà Việt Nam sẽ chọn để làm hai nhà máy điện hạt nhân" - ông Thường chia sẻ, đồng thời cho rằng, chọn công nghệ cao, hiện đại thì đương nhiên chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.
Vì vậy, ở trong giai đoạn này, để tiết kiệm thời gian, cần trao đầy đủ thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong việc thương lượng, làm việc với các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp dự kiến giao chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phải được "danh chính ngôn thuận" đủ hết các thẩm quyền để có thể có quyền thương lượng với với các đối tác tương đương khi thực hiện, từ đó mới ra được các nội dung như kỹ thuật, công nghệ, chi phí, chuyển giao cái gì…
Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/1/2025 để chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương triển khai, sớm đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ban Chỉ đạo đã họp Phiên thứ nhất ngày 15/1/2025 và Phiên thứ 2 ngày 4/2/2025 và thống nhất đưa vào vận hành trong năm 2030 để đảm bảo an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải có các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.