Phát triển công trình xanh là nền tảng cho đô thị Việt Nam vươn mình

Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam được đánh giá có tỉ lệ ngang tầm châu Á với hơn 902 đô thị trong nước, việc phát triển dự án bất động sản xanh đang trở thành xu hướng trên thế giới. Theo đó, ngành BĐS Việt Nam cũng bắt buộc phải hòa nhập theo.

Xu hướng bắt buộc và có điều kiện

Hiện nay, lĩnh vực xây dựng và BĐS là tác nhân gây ra lượng khí thải CO2 với tỉ lệ khoảng 40%. Để hiện thực hóa mục tiêu cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, các chuyên gia cho rằng cần có sự tham gia và thay đổi tích cực của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo báo cáo Tổng quan thị trường công trình xanh Việt Nam năm 2024 do hệ thống chứng nhận Edge và Tổ chức tài chính quốc tế IFC, thành viên của Ngân hàng thế giới (World Bank) phát hành, đến nay Việt Nam có 559 công trình được chứng nhận xanh.

Ecopark là một trong những khu đô thị hiếm hoi tại Việt Nam tiên phong ứng dụng khái niệm thể tích xanh vào thực tế.

Các dự án xanh tiêu biểu được đăng ký và xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh khắt khe như LEED, LOTUS (Việt Nam). Có thể kể đến như: Chung cư xanh cao cấp Diamond Lotus Riverside (49C, đường Lê Quang Kim, P8, Q8, TP. Hồ Chí Minh), Khu đô thị văn hóa – thương mại – du lịch Làng Sen Việt Nam (Đức Hòa, Long An); Khu đô thị Ecopark, Khu nghỉ dưỡng Flamingo…

Các dự án được áp dụng với nhiều công nghệ tiên tiến, chi phí phù hợp và đem lại hiệu quả. Hầu hết, các công trình áp dụng nhiều vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường như: gạch không nung, vách ngăn làm bằng các hợp chất giữa bột xi măng và bột gỗ, các vật liệu làm bằng tre có khả năng hấp thụ CO2, gạch ốp lát tái chế hay gỗ ốp tường, những lớp kinh Low-E giúp giảm nhiệt hấp thụ nắng nóng…

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã tận dụng những thiết kế tối ưu về sử dụng năng lượng như: Thu nước mưa phục vụ nhu cầu nước tưới cảnh quan đáp ứng khoảng 11.45% tổng mức sử dụng nước của công trình, lắp hệ thống điện năng lượng tái tạo, Điều kiện tự động thông gió và nhiệt độ; cấp nước nóng và tự động làm mát tòa nhà, hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn…

Đồng bộ giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh

Khi nhu cầu sống xanh trở thành xu hướng tất yếu, những công trình xanh được xem như trọng tâm của thị trường. Để kiên trì phát triển bền vững, đòi hỏi sự chủ động, tâm huyết cũng như chiến lược thông minh của các doanh nghiệp địa ốc giàu tiềm lực lẫn năng lực triển khai.

Các công trình luôn phải tiếp cận xu thế mới để duy trì tính cạnh tranh.

Theo KTS Nguyễn Văn Thiên, các công trình xanh và bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải carbon. Chúng không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên mà còn tạo ra môi trường sống lành mạnh cho người dân. Khi nhiều công trình xanh được triển khai, chúng sẽ tạo thành một xu hướng mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển bền vững và góp phần xây dựng một tương lai xanh hơn cho Việt Nam.

Theo TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng cần từ quy hoạch, kiến trúc, tổ hợp công trình xây dựng, đến những công trình xây dựng đơn lẻ. Chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng. Việc đánh giá phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ.

Bên cạnh những thuận lợi các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong chính sách, điều kiện về nguồn nhân lực, tiếp cận và chuyển giao các công nghệ hiện đại… ông Nguyễn Chiến Hữu - Giám đốc Quản lý thiết kế, Công ty Văn Phú Invest cho biết, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tiếp cận nguồn vốn; sự hạn chế của các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh trên thị trường gây khó khăn cho đơn vị lựa chọn nguồn nguyên vật liệu để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, năng lực tư vấn thiết kế của nhà thầu trong nước còn hạn chế nên mời được tư vấn thiết kế am hiểu về công trình xanh không dễ, doanh nghiệp buộc phải thuê tư vấn nước ngoài...

Hiện nay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy định về phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NÐ-CP; rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn hiện hành như: QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng, QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Nguyễn Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/phat-trien-cong-trinh-xanh-la-nen-tang-cho-viet-nam-vuon-minh-192250420175853737.htm
Zalo