Nhân Ngày Trái đất, bàn về chuyển đổi cơ cấu sản xuất điện

Từ tinh thần của Nghị quyết số 57, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã nêu rõ vấn đề giảm điện than, tăng điện tái tạo theo từng bước để vừa đảm bảo nhu cầu năng lượng, vừa chuyển đổi theo hướng xanh hóa lưới điện.

Hôm nay (22.4) là ngày cả thế giới hưởng ứng Ngày Trái đất. Chủ đề của Ngày Trái đất năm 2025 là “Our Power, Our Planet” - “Năng lượng của chúng ta, Hành tinh của chúng ta” nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong phần “Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia Nghị quyết số 57 rất chú trọng đầu tư năng lượng sạch phục vụ cho phát triển khoa học kinh tế”. Bên cạnh việc đề cập đến ban hành “Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược (ưu tiên các lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa…)”, Nghị quyết 57 cũng nhấn mạnh “Chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp chiến lược”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 7% mỗi năm trong 1 thập niên qua. Sự tăng trưởng này, cùng với công nghiệp hóa và đô thị hóa, đã đẩy nhu cầu điện tăng 10 - 11% mỗi năm.

Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 80.555MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664MW và chiếm tỷ trọng 27%; nhiệt điện than là 26.757MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; thủy điện là 22.872MW, chiếm tỷ trọng 28,4%. Các nguồn khác (tuabin khí, nhập khẩu...) chiếm 11,4%.

Để cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026-2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050, điều chỉnh quy hoạch điện 8 đã nêu mục tiêu phấn đấu điện thương phẩm: Năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỉ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỉ kWh. Công suất cực đại: Năm 2030 khoảng 89.655 - 99.934MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 - 228.570MW.

Để giải quyết bài toán năng lượng trong giai đoạn trước mắt, chúng ta không thể đẩy mạnh sản xuất nhiệt than vì Việt Nam đang theo lộ trình giảm phát khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, việc giao thương với các thị trường phát triển trên thế giới cũng bắt buộc các sản phẩm “make in Vietnam” phải được làm từ năng lượng sạch.

Từ tinh thần của Nghị quyết số 57, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã nêu rõ vấn đề giảm điện than, tăng điện tái tạo theo từng bước để vừa đảm bảo nhu cầu năng lượng, vừa chuyển đổi theo hướng xanh hóa lưới điện.

Đối với nhiệt điện than: Chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối/amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

Về chuyển đổi năng lượng công bằng, sẽ phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) phục vụ sản xuất điện. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu) là 183.291 - 236.363MW. Trong đó:

Điện gió trên bờ và gần bờ 26.066 - 38.029MW (chiếm tỷ lệ 14,2 - 16,1%); điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà) 46.459 - 73.416MW (chiếm tỷ lệ 25,3 - 31,1%). Như vậy, tổng cộng năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời) lên đến 39,7 - 47,2% (tăng mạnh so với 27% vào cuối 2023).

Trong khi đó, nhiệt điện than 31.055MW (chiếm tỷ lệ 13,1 - 16,9%), giảm mạnh so với 33,2% vào cuối 2023.

Phần còn lại là nhiệt điện khí trong nước 10.861 - 14.930MW (chiếm tỷ lệ 5,9 - 6,3%); nhiệt điện LNG 22.524MW (chiếm tỷ lệ 9,5 - 12,3%); thủy điện 33.294 - 34.667MW (chiếm tỷ lệ 14,7 - 18,2%), có thể phát triển cao hơn nếu bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh nguồn nước.

Điện sinh khối 1.523 - 2.699MW, điện sản xuất từ rác 1.441 -2.137MW, điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 45MW; điện hạt nhân 4.000 - 6.400MW đưa vào vận hành giai đoạn 2030 - 2035, có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi; nguồn điện linh hoạt (nhiệt điện sử dụng nhiên liệu LNG, dầu, hydrogen... có độ linh hoạt vận hành cao) 2.000 - 3.000MW (chiếm tỷ lệ 1,1 -1,3%); nguồn lưu trữ 10.000 - 16.300MW (chiếm tỷ lệ 5,5 - 6,9 %).

Nếu các điều chỉnh quy hoạch điện VIII diễn ra theo đúng kế hoạch, cơ cấu điện của chúng ta không chỉ xanh hóa mà còn đa dạng nguồn điện, bắt kịp với xu thế sản xuất điện hiện đại của thế giới. Quan trọng hơn, Việt Nam sẽ chủ động trong an ninh năng lượng để từ đó có điều kiện duy trì một nền kinh tế phát triển ổn định và thịnh vượng như mục tiêu của Nghị quyết số 57.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhan-ngay-trai-dat-ban-ve-chuyen-doi-co-cau-san-xuat-dien-231812.html
Zalo