Kiều bào hiến kế xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM
Kiều bào gợi mở có thể áp dụng những cơ chế đặc thù, học hỏi từ các mô hình thành công như Singapore và Sydney để thu hút đầu tư, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Sáng 22-4, báo Pháp Luật TP.HCM đã diễn ra tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM”.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Phúc Bình, Chủ nhiệm mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt – Úc, cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc xây dựng TP.HCM thành Trung tâm tài chính quốc tế là một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Bình gợi mở có thể áp dụng những cơ chế đặc thù, học hỏi từ các mô hình thành công như Singapore và Sydney.
Cụ thể hơn, ông đề nghị TP.HCM có mô hình “Công ty vốn linh hoạt” với ưu đãi 0% thuế thu nhập doanh nghiệp cho lợi nhuận tái đầu tư vào hạ tầng, fintech và khởi nghiệp, đồng thời cho phép 100% vốn nước ngoài.

Ông Nguyễn Phúc Bình, Chủ nhiệm mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt – Úc, góp ý. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ông cho biết mô hình này cho phép các công ty tăng/giảm vốn mà không cần thủ tục tăng vốn thông thường nhằm tối ưu chi phí quản trị và thích ứng nhanh với biến động thị trường.
Ngoài ra, ông Bình kiến nghị TP.HCM cấp visa tài năng ưu tiên để thu hút tri thức kiều bào và các chuyên gia người nước ngoài, doanh nhân khởi nghiệp trong mảng tài chính, nhà khoa học có bằng sáng chế… để tạo cơ hội cho họ quay về Việt Nam làm việc, mở doanh nghiệp. Tiếp đó, TP.HCM có thể giữ chân người tài bằng các chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân và hỗ trợ định cư gia đình.
Ông Bình nêu thực tế tại Úc đã có cơ chế tương tự và có kiều bào tại Úc đã thành lập công ty fintech và thu hút hơn 4,5 triệu USD vốn đầu tư và được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh thứ hai tại Úc trong ngành.
“Sau đó bạn chủ doanh nghiệp này đã mở sang chi nhánh công ty ở Singapore và có mong muốn được quay về Việt Nam phát triển. Tôi nghĩ nếu chúng ta cũng có những mô hình tương tự thì không khó để thu hút những người chủ doanh nghiệp, kiều bào thế hệ thứ 2, thứ 3 không có quốc tịch Việt Nam và có nhu cầu muốn cống hiến cho quê hương mình”- ông Bình gợi mở.

Bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập và Cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose, góp ý. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hiến kế cho TP.HCM, bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập và Cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose, đề xuất biến sự đông đúc tại TP.HCM thành mạng lưới không gian xanh, tức là từ "rừng người" thành "rừng xanh" bằng cách biến mỗi điểm đến, mỗi cộng đồng, và mỗi gia đình thành một phần của mảng xanh TP.
Theo bà Tri, ý tưởng này được lấy cảm hứng từ bài học thành công của Singapore, từng là quốc đảo phủ đầy bê tông, Singapore đã kiên trì theo đuổi tầm nhìn phát triển đô thị xanh. Với chiến lược nhất quán và chính sách đồng bộ, Singapore đã trở thành “Thành phố trong vườn” (City in a Garden), nơi thiên nhiên hiện diện trong mọi mặt đời sống.

Kiều bào tham gia tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bà mong muốn được sự hỗ trợ của lãnh đạo TP.HCM để triển khai dự án “Rừng trong phố” khởi xướng tại TP.HCM theo ba nhóm không gian chính. Thứ nhất là rừng kết nối, tức là mỗi điểm đến một rừng cây và có thể thí điểm ở Metro. Cụ thể, biến các ga metro thành không gian xanh biểu tượng, tích hợp cây xanh vào cảnh quan nghệ thuật, bảng hiển thị “điểm số xanh” đo lường chất lượng không khí (Green Score), hoạt động cộng đồng cùng trồng cây.
Thứ hai là rừng tập thể - mỗi cộng đồng một rừng cây, phối hợp cùng các đơn vị quản lý tòa nhà, khu dân cư để phủ xanh mái nhà, sân thượng (rừng trên cao), cải tạo hẻm phố, sân cư xá thành rừng sân chung, và phát triển các không gian phủ đỉnh như tác phẩm cảnh quan đô thị nhìn từ trên cao.
Thứ ba là rừng ban công - mỗi nhà một rừng cây, khuyến khích người dân thực hiện mảng xanh tại nhà thông qua bộ “ban công xanh”. Đồng thời, có thể kết nối dữ liệu vào bản đồ hiển thị “ban công xanh”.