Phân cấp, phân quyền minh bạch giúp tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả kinh tế
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra từ ngày 12-19/2, Quốc hội thảo luận về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
![Tiếp tục Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 14/2/2025, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_294_51479166/f73e3454061aef44b60b.jpg)
Tiếp tục Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 14/2/2025, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đây là nội dung được đông đảo cử tri Thủ đô quan tâm và bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ về sự cần thiết sửa đổi Luật này theo hướng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, đồng thời khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Trong đó, khối các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng nhiều thuận lợi, tiết giảm thủ tục chi phí nếu việc phân cấp phân quyền được minh bạch, địa phương được phân cấp phân quyền có đủ thẩm quyền quyết định.
Tiết kiệm nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Với tư cách là nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR) đánh giá việc giảm các đầu mối, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước là một cuộc cách mạng rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước nói chung và trong cải cách thể chế nói riêng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, mục tiêu cao hơn là giảm sự can thiệp và quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực không cần thiết đối với xã hội nói chung và đối với nền kinh tế nói riêng.
Thực tế, nếu duy trì những cơ quan, bộ máy, con người đó, thì sẽ phải “đẻ ra” chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quản lý mà nhiều khi nó là không cần thiết đối với xã hội, người dân, hoặc là đối với doanh nghiệp. Khi rút lui các chức năng nhiệm vụ và cơ quan, tổ chức đó thì đương nhiên Nhà nước, người dân, doanh nghiệp sẽ đỡ tốn những chi phí không cần thiết để duy trì bộ máy. Và như vậy, sẽ tiết giảm chi thường xuyên vốn dĩ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số chi ngân sách Nhà nước. Qua đó, Nhà nước cũng tiết kiệm các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho lĩnh vực khác mà thực sự cần có bàn tay can thiệp và vai trò của Nhà nước, ví dụ như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào các dịch vụ công thiết yếu và hỗ trợ cho những người yếu thế, hỗ trợ những đối tượng cần được bảo trợ khác…
Ở một góc cạnh khác, khi Nhà nước rút ra khỏi những lĩnh vực không cần thiết phải thực hiện chức năng quản lý sẽ là dữ liệu để xã hội tự quản lý và mở rộng vai trò của thị trường, qua đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm nhiều hơn ở khu vực tư nhân. Do đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, việc sớm sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang là mong đợi của nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp.
Mong đợi phân cấp, phân quyền phù hợp với thực tiễn
Chung ý kiến với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, ông Đỗ Minh Hoàng (thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp - ABIC) khẳng định: ABIC mong muốn ban hành sớm Luật Tổ chức chính quyền địa phương với nội dung tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Khi cấp cơ sở ở địa phương có đủ thẩm quyền sẽ góp phần tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn do thể chế, chính sách tạo ra đồng thời giải phóng, kích hoạt tiềm năng nguồn lực đang tồn trữ ở từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang đi tiên phong cung cấp các sản phẩm bảo hiểm rủi ro phục vụ khu vực Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn như ABIC sẽ được hưởng lợi trực tiếp do tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí, đặc biệt thủ tục hành chính nhanh gọn sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi bảo hiểm kịp thời cho người nông dân – một trong các trụ đỡ của nền kinh tế.
Cụ thể, đối với riêng lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, ABIC và các công ty tái bảo hiểm rất mong muốn có thể sử dụng dữ liệu tổn thất thông qua sự kiện công bố thiên tai tại các địa phương để làm cơ sở tính toán số tiền thiệt hại và số tiền bồi thường, giảm chi phí giám định tính toán tổn thất. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, việc công bố thiên tai do cơ quan có thẩm quyền công bố trong đó thấp nhất là cơ quan cấp huyện. Các tiêu chí để được công bố thiên tai rất phức tạp, nên với nhiều sự kiện thiên tai xảy ra có mức độ thiệt hại lớn nhưng ở quy mô địa bàn hẹp (cấp xã) hoặc chưa đủ các điều kiện khác thì không được hoặc chậm trễ trong việc công bố thiên tai. Chậm trễ này kéo theo việc thống kê thiệt hại thiên tai khó khăn, không được cập nhật kịp thời, gây thiệt hại cho các nhà tái bảo hiểm cũng như bà con nông dân. Thời gian tới, ABIC cũng như các nhà tái bảo hiểm khác mong muốn được phân cấp cụ thể cơ quan có chức năng công bố thiên tai và được sử dụng số liệu công bố thiên tai của chính quyền địa phương để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Khuyến khích sự phát triển năng động
Phân tích sâu hơn về việc thu gọn bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt cho rằng Nhà nước chỉ nên có vai trò quản lý chung và tạo lập hành lang pháp lý, kích thích sự phát triển của xã hội cũng như của thị trường, khi đó sự phát triển của doanh nghiệp, sự năng động của người dân, sự phát triển của các hoạt động sản xuất kinh doanh… sẽ mở rộng hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nêu dẫn chứng, trong quá khứ đã có những cải cách rất thành công khi xã hội hóa hoặc chuyển đổi các chức năng, nhiệm vụ, mô hình mang tính chất Nhà nước, sang mô hình có tính chất thị trường, khu vực tư nhân. Tiêu biểu là hoạt động công chứng, chứng thực. Cách đây khoảng 20 năm, người dân có nhu cầu công chứng, chứng thực đều phải đến các Phòng công chứng Nhà nước, gây nên tình trạng quá tải. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước thay đổi, cho phép mở các Văn phòng công chứng, mở rộng chức năng chứng thực tới chính quyền cấp xã phường, quận huyện thì tình trạng quá tải này đã được giải quyết hoàn toàn, tăng hiệu quả của hoạt động công chứng, chứng thực, đảm bảo quyền của người dân trong lĩnh vực này.
“Bởi vậy, khi tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW sẽ giúp công tác quản lý Nhà nước tập trung gọn về một đầu mối. Từ đó, tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí xã hội, giảm thủ tục và những chi tiêu lãng phí cho doanh nghiệp, có thêm nguồn kinh phí để đầu tư, phát triển kinh tế đất nước” - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.