Ông Hà Sỹ Đồng: Nếu dính chiến tranh thương mại, Việt Nam khó đạt tăng trưởng 8%
Ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số từ năm 2026 là thách thức rất lớn.
Chiều 14-2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Thu ngân sách đè nặng áp lực lên doanh nghiệp và cả ngành thuế, hải quan
Nêu ý kiến, ĐB Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết lần gần nhất Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế trên 8% vào năm 1997, tức là cách đây gần 30 năm.
Sau giai đoạn đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chậm lại và đến nay chưa bao giờ đạt tốc độ cao như vậy.
Năm 2022, Việt Nam tăng trưởng trên 8% nhưng là do sau hai năm COVID-19 còn năm 2023, tăng trưởng chỉ đạt 5%.
“Có thể thấy mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và sau đó, tăng trưởng hai con số từ năm 2026 là thách thức rất lớn” - ông Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.
Đặt trong bối cảnh thế giới, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng Việt Nam vẫn là quốc gia có vị trí địa - chính trị quan trọng nhưng rất khó tiên liệu năm 2025, Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại thế giới hay không.
“Chính phủ đã chuẩn bị các kịch bản, cũng đã tìm cách vận động để tránh thương chiến nhưng nếu Việt Nam bị Mỹ đánh thuế cũng khó mà tránh khỏi sụt giảm tăng trưởng” - ĐBQH tỉnh Quảng Trị nói và cho rằng kể cả trường hợp không bị đánh thuế, Việt Nam cũng sẽ không được hưởng lợi từ thương chiến như trước đây.
![ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51478029/faf0f47bc6352f6b7624.jpg)
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG
Để đạt mức tăng trưởng 8%, Chính phủ đề xuất “trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP”. Với đề xuất này, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng nếu tiết kiệm chi ngân sách được thì tốt nhưng nếu không được mà phải tăng thu hoặc bội chi, nợ công thì cần hết sức cân nhắc.
Nhìn vào nguồn tăng thu hiện nay, ông Hà Sỹ Đồng đánh giá việc thu ngân sách đang đè nặng áp lực lên doanh nghiệp và cả ngành thuế, hải quan.
Ông dẫn phản ánh của doanh nghiệp cho biết trong khoảng vài năm trở lại đây, thuế và hải quan chịu áp lực thu quá lớn, dẫn đến các trường hợp bất hợp lý mà vẫn thu.
Vấn đề chậm hoàn thuế các ngành gỗ, cao su, sắn… khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu kiệt quệ…
Việc chậm sửa đổi ngưỡng thuế thu nhập cá nhân; ép thu thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết dù những giao dịch này không liên quan gì đến giao dịch vay vốn bị đánh thuế… là vấn đề cần được quan tâm, rà soát, đánh giá lại.
“Cả chính sách và thực thi của ngành thuế chỉ chăm chăm vào thu mà bỏ qua tính hợp lý, tính đạo lý của thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu. Điều này có thể giúp thu được ngân sách trong ngắn hạn nhưng khi thuế không hợp lý sẽ không kích thích được doanh nghiệp đầu tư, phát triển” - ông Hà Sỹ Đồng nói.
Đẩy nhanh cổ phần hóa để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội
Nhận xét về nguồn bội chi và nợ công, ĐB cho rằng các biện pháp vay nợ sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn ngân hàng.
“Những vấn đề trên cho thấy lý tưởng nhất là Việt Nam không bị dính thương chiến và có thể tiết kiệm chi để tăng đầu tư công, không phải tăng thu hay vay nợ. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng 8% mới có thể đạt được” - theo ông Hà Sỹ Đồng.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhận định tăng thu, nâng bội chi và trần nợ công chỉ là giải pháp ứng phó khi Việt Nam bị dính vào chiến tranh thương mại. Đây không phải là giải pháp để đạt tăng trưởng 8%.
Từ đó, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ tập trung tiết kiệm để có nguồn lực đầu tư công, không bội chi hay vay nợ khi chưa cần thiết.
Ngoài ra, ông đề nghị hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt quan tâm cải cách hệ thống tư pháp, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế để doanh nghiệp mở rộng đầu tư.
Trong nhóm giải pháp về thúc đẩy đầu tư công, ông Đồng góp ý nên tập trung vào chi đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ, cho chuyển đổi số trong Chính phủ, từ đó mới giúp tăng trưởng trong các năm sau.
“Các khoản chi không mang tính đầu tư chỉ giúp tăng trưởng nhanh ở năm chi ra thôi, còn sau đó sẽ không mang lại ý nghĩa cho các năm sau”- ông Đồng nói và góp ý về lâu dài, giải pháp quan trọng vẫn là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng đây là vấn đề bị ách tắc từ nhiều năm nay, vẫn chưa được triển khai.
“Thậm chí, có phản ánh độc quyền nhà nước có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, nên cần đẩy nhanh cổ phần hóa để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội”- vẫn lời ông Hà Sỹ Đồng.
Đề xuất ứng dụng AI trong xét duyệt đầu tư
Ủy viên Thường trực Ủy ban KH,CN&MT Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng dự thảo Nghị quyết đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, nhưng để đảm bảo thực thi hiệu quả cần bổ sung cơ chế giám sát, thực hiện, điều chỉnh linh hoạt và một số biện pháp cụ thể để tháo gỡ các nút thắt lớn.
Đáng chú ý, ông Khải cho rằng dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ ràng về cơ chế giám sát, trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương trong việc triển khai các giải pháp. Từ đó, ĐB đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng 8% do Thủ tướng đứng đầu, với thành viên là các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh/thành phố lớn.
Ông Trần Văn Khải đề nghị “áp dụng chế tài mạnh”, theo đó, bộ/ngành, địa phương nào không đạt tiến độ đề ra sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ…
![ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam). Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51478029/ec69fce2ceac27f27ebd.jpg)
ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam). Ảnh: PHẠM THẮNG
Ngoài ra, nhận định “môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, thủ tục phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Khải đề xuất cắt giảm 50% thời gian xử lý thủ tục đầu tư bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong xét duyệt. Đồng thời, bãi bỏ ngay các điều kiện kinh doanh không cần thiết gây cản trở doanh nghiệp và triển khai cơ chế “Một cửa liên thông quốc gia” cho tất cả các dự án đầu tư.
Ông Trần Văn Khải cũng đánh giá “đổi mới sáng tạo vẫn chưa được đầu tư đúng mức” và đề xuất tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lên ít nhất 1,5% GDP. Cùng với đó, thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia để hỗ trợ startup công nghệ và xây dựng “Khu công nghệ cao AI & Bán dẫn” tại TP.HCM và Hà Nội.
Cho rằng thế giới có nhiều biến động khó lường, ĐB Hà Nam đề nghị áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh lãi suất, tỉ giá khi cần thiết và xây dựng Quỹ bình ổn kinh tế vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế khi gặp khủng hoảng.