Nữ bác sĩ luôn 'chiến đấu' đến cùng với bệnh tật
Với bác sĩ Phạm Thị Việt Anh, hạnh phúc trong nghề y chính là những lần tìm ra phác đồ điều trị phù hợp, cứu sống bệnh nhân
Ước mơ lớn lên làm phóng viên nhưng "duyên số" đã đưa thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện 19-8, đến với nghề y. 16 năm gắn bó với nghề, nữ bác sĩ luôn giữ một phong cách: Đi đến tận cùng để tìm cho ra căn nguyên gây bệnh và điều trị dứt điểm.
Luôn đau đáu vì người bệnh
Vào một buổi sáng cách đây 2 năm, trong ca trực, bác sĩ Việt Anh tiếp nhận một bệnh nhân suy gan rất nặng. Nam bệnh nhân này mắc viêm gan B nhưng không biết. Gần đây, anh thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, vàng da. Khi tới bệnh viện, sức khỏe của anh đã suy sụp, rất yếu, phải có người dìu. Sau khi thăm khám và làm tất cả xét nghiệm, chụp chiếu, kết quả là bệnh nhân bị xơ gan mất bù, suy gan cấp, sức khỏe nguy kịch.
![Bác sĩ Phạm Thị Việt Anh (thứ 2 từ trái qua) với các chuyên gia y tế của Bệnh viện CIMEQ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_15_51472709/5c27b51f84516d0f3440.jpg)
Bác sĩ Phạm Thị Việt Anh (thứ 2 từ trái qua) với các chuyên gia y tế của Bệnh viện CIMEQ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sau khi bệnh nhân nhập viện, tất cả phác đồ điều trị viêm gan B trong nước đã được bác sĩ Việt Anh áp dụng nhưng tiến triển rất chậm. Việc đầu tiên mỗi ngày tới bệnh viện của chị là kiểm tra bệnh nhân, theo dõi kỹ các chỉ số. Sức khỏe bệnh nhân chưa tiến triển khiến chị đau đáu trong lòng.
Không chịu bó tay, bác sĩ Việt Anh dành rất nhiều tâm huyết để tìm hiểu tài liệu trong và ngoài nước. Sau nhiều ngày tìm tòi, thay đổi rất nhiều loại thuốc và phác đồ điều trị, cuối cùng, chị đã tìm được phương án tốt nhất cho nam bệnh nhân.
![Bác sĩ Phạm Thị Việt Anh thăm khám bệnh nhân](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_15_51472709/197bf343c20d2b53721c.jpg)
Bác sĩ Phạm Thị Việt Anh thăm khám bệnh nhân
Sau 58 ngày ròng rã "chiến đấu" trong phòng bệnh, bác sĩ Việt Anh đã giúp sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và được ra viện. Mỗi lần đến tái khám, gặp lại chị, bệnh nhân này luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với nữ bác sĩ đã tái sinh mình.
"Khi quyết định tiếp nhận trường hợp này, tôi cũng lo vì bệnh nhân suy gan quá nặng. Nhưng anh ấy có ý chí kiên cường, phối hợp tốt với bác sĩ, cộng với may mắn nữa. Các yếu tố đó đã giúp anh ấy thoát khỏi cửa tử" - bác sĩ Việt Anh tâm sự.
Những niềm vui nho nhỏ khi cứu sống bệnh nhân đã tích lũy thành động lực thôi thúc bác sĩ Việt Anh ngày càng đam mê với công việc. Chị nhớ lại một bệnh nhân quê ở Ba Vì, TP Hà Nội, công tác tại một huyện vùng sâu của tỉnh Gia Lai, bị viêm gan do rượu, dẫn đến xơ gan rất nặng, bệnh viện địa phương trả về nhà. Trên đường về quê để "chờ chết", khi đi qua Bệnh viện 19-8, nghĩ rằng "còn nước còn tát", anh được gia đình đưa vào điều trị.
Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt, suy gan nặng, bác sĩ Việt Anh đã tập trung điều trị tích cực bằng những loại thuốc tốt nhất. Một tuần sau, sức khỏe anh tiến triển, ổn định dần, hết suy gan và được ra viện.
Từ việc về nhà "chờ chết", bệnh nhân đã khỏe mạnh, trở lại công tác bình thường, còn sinh thêm con thứ 2. Dù nhiều năm trôi qua nhưng mỗi lần nghe tin bác sĩ Việt Anh vào Gia Lai công tác, anh lại đi bộ vài cây số, mang măng rừng, trái bơ ra tặng bác sĩ.
Trong "gia tài" tích lũy 16 năm qua, bác sĩ Việt Anh không nhớ hết bao nhiêu bệnh nhân thập tử nhất sinh được chị điều trị. Khi những lá thư cảm ơn gửi về bệnh viện với lời lẽ xúc động, chân thành, chị mới nhớ ra các bệnh nhân mình từng cứu sống. Đó là một bệnh nhân ở Hà Nội, được phát hiện mắc ung thư đại trực tràng sớm nhờ nội soi khi khám sức khỏe định kỳ. Đó là một bệnh nhân nam ở Sơn La, có tiền sử đa polyp cả dạ dày và trực tràng, được thực hiện kỹ thuật nội soi can thiệp cắt tách niêm mạc, lấy toàn bộ tổn thương ung thư sớm, điều trị triệt để...
Với kinh nghiệm nội soi và được hỗ trợ từ máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, bác sĩ Việt Anh đã phát hiện tổn thương nghi ngờ ung thư có kích thước 6 mm (bằng hạt đậu) khi nội soi thực quản - dạ dày, tá tràng cho một nam bệnh nhân 53 tuổi. Chị đã tiến hành cắt bỏ hoàn toàn tổn thương bằng phương pháp cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi, giúp ông hồi phục nhanh, không ảnh hưởng tới chức năng nói.
Nhiều sáng kiến cứu bệnh nhân
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2009, bác sĩ Việt Anh đến nhận công tác tại Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện 19-8 và gắn bó tới nay.
Nữ bác sĩ tâm sự ước mơ thời trẻ của chị là được làm nhà báo nhưng gia đình lại mong muốn chị theo ngành y. "Nếu cho chọn lại, tôi vẫn lựa nghề y. Bởi lẽ, tôi đã tìm được hạnh phúc và niềm đam mê trong công việc. Hạnh phúc đó xuất phát từ niềm vui mỗi lần tôi cứu sống được bệnh nhân" - chị thổ lộ.
Bác sĩ Việt Anh cho biết năm 2013, chị theo học nội soi can thiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Chị mang theo con nhỏ mới 3 tuổi vào TP HCM, thuê nhà gần bệnh viện để vừa tiện gửi con vừa học tập.
Nhằm tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia đầu ngành, buổi trưa chị thường không nghỉ mà tận dụng thời gian để học. Thậm chí ban đêm, nếu có ca cấp cứu, chị cũng nhờ bác sĩ thông báo để từ phòng trọ chạy vào bệnh viện xem các "tiền bối" thực hành. Khi có thời gian, chị mua ruột heo non về tỉ mẩn "thực hành nội soi", miệt mài đến mức bị trêu: "Bác sĩ Việt Anh là nhân viên của Chợ Rẫy rồi".
Những ngày tháng học tập ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã mang đến cho bác sĩ Việt Anh vô vàn kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Chỉ 2 năm sau, những kỹ thuật nội soi tiêu hóa tiên tiến nhất đã được chị thực hiện thành thạo. Từ ngày đầu chưa quen, cầm máy nội soi tối về mỏi nhừ tay hay chùn chân do phải đứng từ sáng đến chiều, nay chị đã trở thành một trong những bác sĩ hàng đầu về nội soi tiêu hóa ở Bệnh viện 19-8.
Là người đam mê với công việc, mỗi lần nội soi chẩn đoán các khối u, bác sĩ Việt Anh luôn đeo đuổi đến cùng. Ca phẫu thuật xong, chị lại chạy lên phòng mổ xem u đó thế nào, mình chẩn đoán có đúng không. Mỗi ca bệnh, chị đều đau đáu khi chưa tìm ra căn nguyên.
Bác sĩ Việt Anh là một trong những người đi đầu triển khai và làm chủ kỹ thuật nội soi can thiệp cắt tách niêm mạc dạ dày (ESD) để lấy tổn thương ung thư sớm nguyên khối thuận lợi, an toàn tại Bệnh viện 19-8. Trong quá trình nội soi, chị và đồng nghiệp đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phát hiện những khối u nhỏ và rất nhỏ, nằm trong các góc khuất ở dạ dày, đại trực tràng để cắt tách, điều trị triệt để, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh sau thủ thuật.
Ngoài công việc chuyên môn tại bệnh viện, bác sĩ Việt Anh còn tham gia công tác chỉ đạo tuyến nội soi đường tiêu hóa tầm soát ung thư cho bệnh viện công an một số tỉnh; xây dựng kế hoạch quản lý bệnh viêm gan mạn tính trong công an nhân dân. Chị còn thường xuyên trao đổi chuyên môn tại Bệnh viện CIMEQ (Cuba) và Bỉ; báo cáo khoa học tại hội nghị trong và ngoài ngành…
"Theo bác sĩ Việt Anh, mỗi bệnh nhân là một "người thầy" vì họ có bệnh cảnh khác nhau. "Điều đó không ngừng thôi thúc tôi học tập và nghiên cứu để có nhiều sáng kiến phục vụ công tác chuyên môn, cứu được nhiều bệnh nhân hơn" - chị bày tỏ.
Nhiệm vụ đặc biệt: Nội soi gắp ma túy
Ngoài khám chữa bệnh, bác sĩ Việt Anh còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng: Nội soi cấp cứu gắp ma túy ở những nghi phạm khi cơ quan công an yêu cầu.
"Thông thường, người bệnh khi nuốt phải dị vật chỉ mong khai thật để bác sĩ gắp ra. Nhưng với các nghi phạm thì ngược lại, càng giấu giếm càng tốt, chống cự quyết liệt, không hợp tác" - chị nhớ lại.
Theo bác sĩ Việt Anh, hầu hết đối tượng liên quan ma túy đều khai không thật, nuốt nhiều nhưng khai ít. Ngoài việc cố gắng lấy các gói ma túy nguyên vẹn ra thì phải đủ số lượng, nếu để sót, không may ma túy xuống ruột non vỡ ra, gây ngộ độc cho nghi phạm. Để phục vụ yêu cầu công tác cũng như thời gian điều tra vụ án, những ca nội soi đặc biệt này thường vào ban đêm. Có khi đang ở nhà, điện thoại của bệnh viện gọi, bất kể là nửa đêm hay rạng sáng, bác sĩ Việt Anh cũng phải có mặt.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_15_51472709/a0454c7d7d33946dcd22.jpg)