Tái phát trầm cảm nghiêm trọng do thời tiết nồm ẩm

Nồm ẩm không chỉ khiến nhà cửa trở nên ướt át, đồ đạc ẩm mốc, quần áo lâu khô mà còn khiến nhiều người trầm cảm nặng nề.

Miền Mắc đang bước vào những ngày nhiệt độ giảm sâu kèm mưa phùn và nồm ẩm. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đợt nồm ẩm đang diễn ra ở Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc sẽ kéo dài hết tuần này.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, nồm ẩm là hiện tượng thời tiết thường xuyên xảy ra vào mùa Xuân ở miền Bắc. Mỗi đợt nồm ẩm thường kéo dài từ vài ngày đến cả tuần. Nồm ẩm sẽ diễn ra trong giai đoạn từ giữa tháng 2 và kéo dài đến đầu tháng 4. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi khi không khí lạnh mạnh tràn về hoặc có nắng.

Đáng chú ý, nồm ẩm không chỉ khiến nhà cửa trở nên ướt át, đồ đạc ẩm mốc, quần áo lâu khô, đồ điện tử dễ hỏng hóc mà còn tác động sâu sắc lên tâm lý con người.

Miền Bắc đang bước vào những ngày thời tiết lạnh và nồm ẩm (Ảnh minh họa)

Miền Bắc đang bước vào những ngày thời tiết lạnh và nồm ẩm (Ảnh minh họa)

Buồn chán, có ý định tự sát… vì thời tiết

Cách đây 2 năm, Mạnh (tên nhân vật đã được thay đổi), 35 tuổi, nhận kết quả mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu từ Bệnh viện Bạch Mai. Anh uống thuốc một năm, bệnh ổn định và bỏ không điều trị.

3 tuần trở lại đây, những cơn trầm cảm quay trở lại, khiến Mạnh chỉ muốn cuộn mình trong chăn, ở trong 4 góc tường. Tuy nhiên, thức giấc trong căn phòng ẩm ướt, Mạnh cảm giác như bị đè nặng bởi tấm chăn ẩm mốc. Ngoài cửa sổ, bầu trời xám xịt không một tia nắng, người đàn ông 35 tuổi lại chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực và thở dài: "Mình thật vô dụng", "Không ai cần mình", "Chẳng có lý do gì để tiếp tục".

Đến khi cảm giác buồn chán, mất hứng thú, rối loạn giấc ngủ, chán ăn trở nên trầm trọng, Mạnh gọi điện nhờ sự hỗ trợ từ bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E. Anh được bác sĩ Chung chẩn đoán tái trầm cảm, kê đơn thuốc và tư vấn trị liệu tâm lý.

Cũng giống như Mạnh, chị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, là nhân viên văn phòng cũng cảm thấy mất kiểm soát trước thời tiết nồm ẩm. Căn phòng của chị đầy hơi nước, trần nhà bắt đầu loang lổ mảng ẩm và mùi khó chịu ám lên mọi thứ.

Mỗi bước đi tránh nước đọng trên sàn, chị tự hỏi: "Liệu vi khuẩn có đang sinh sôi?”, “Mình có thể bị bệnh không?", “Chạm vào đồ vật này có lây vi khuẩn sang mình không?”. Những suy nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong đầu óc khiến Mai cảm thấy mệt mỏi, bức bối và lo sợ.

Nhận thấy con gái bồn chồn, buồn bã, thậm chí có ý định gây hại bản thân, mẹ Mai thuyết phục cô đến khoa Sức khỏe Tâm thần tái khám.

Trầm cảm vì thời tiết nồm ẩm (Ảnh minh họa)

Trầm cảm vì thời tiết nồm ẩm (Ảnh minh họa)

Thời tiết nồm ẩm ảnh hưởng đến tâm trạng

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung cho hay, trầm cảm là một rối loạn tâm trạng, đặc trưng bởi sự kéo dài cảm giác buồn bã, mất hứng thú với hoạt động yêu thích trước đây cùng khả năng hoàn thành công việc thường nhật trong ít nhất hai tuần.

Trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Bệnh này được kích hoạt bởi những yếu tố nội sinh và bên ngoài, trong đó có nguyên nhân thời tiết.

“Độ ẩm cao khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để tự điều chỉnh, làm gia tăng cảm giác nóng nực, mệt mỏi, thiếu động lực. Hơn nữa, sự u ám liên tục của thời tiết, không có ánh nắng, kích thích rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), gây tâm trạng buồn bã, lo âu, hoặc thậm chí bi quan. Cortisol – hormone căng thẳng – cũng tăng cao hơn, đẩy mạnh cảm giác lo âu và cáu gắt.

Đặc biệt, bệnh nhân mắc rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc lo âu sẽ trở nên nhạy cảm, dễ rơi vào những đợt bùng phát triệu chứng nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Chung giải thích.

Theo các nghiên cứu từ Trung tâm Y học Tích hợp Integrative Psych, những ngày thời tiết âm u kéo dài có thể gây giảm năng lượng, mất động lực và làm trầm trọng hơn cảm giác cô đơn, bất an, nhất là ở những người vốn đã có vấn đề sức khỏe tâm thần. Triệu chứng như mất ngủ, ăn uống thất thường, buồn chán, uể oải kéo dài góp phần suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ bệnh lý cả về thể chất lẫn tinh thần.

Hơn nữa, mức độ oxy trong không khí giảm nhẹ do độ ẩm cao cũng có thể tác động tiêu cực đến não bộ, gây suy giảm chức năng nhận thức, mất tập trung và trí nhớ, đặc biệt ở bệnh nhân tâm thần hoặc những người từng trải qua stress nặng.

Để đối phó, bác sĩ Chung khuyến nghị những cách kiểm soát tâm trạng và sức khỏe thể chất trong giai đoạn nồm ẩm như uống đủ nước, vận động nhẹ nhàng để cải thiện tuần hoàn máu, sử dụng máy hút ẩm hoặc điều hòa không khí trong nhà để giảm thiểu độ ẩm.

Đối với người mắc bệnh tâm thần, việc duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên, cân bằng dinh dưỡng và học cách chấp nhận những khó chịu tạm thời của thời tiết sẽ giúp giảm bớt căng thẳng. Đặc biệt, bất kỳ dấu hiệu triệu chứng nào nghiêm trọng hơn nên được xử lý kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tai-phat-tram-cam-nghiem-trong-do-thoi-tiet-nom-am-d204602.html
Zalo