Nơi giáo viên cảm thấy 'mình như người ở chứ không phải người thầy'

Thay vì chỉ lên lớp dạy học, giáo viên ở nước này phải đảm nhận hàng tá công việc ngoài lề và chịu sức ép nặng nề từ phụ huynh.

 Công việc quá tải, giáo viên còn phải đối mặt với vô số sức ép từ phụ huynh và học sinh. Ảnh: VCG.

Công việc quá tải, giáo viên còn phải đối mặt với vô số sức ép từ phụ huynh và học sinh. Ảnh: VCG.

Hai năm sau khi lấy bằng thạc sĩ giáo dục, Xiao Yu (27 tuổi, sống tại Tứ Xuyên, Trung Quốc), nghỉ việc lần thứ hai. Từ khi còn là học sinh, Xiao đã ước mơ trở thành giáo viên. Nhưng bản thân cô không ngờ mình lại mất niềm tin ở nghề và nhanh chóng nghỉ việc, một lần rời bỏ trường tư thục và một lần từ chức ở trường công lập.

Trước khi làm nghề, Xiao luôn tưởng tượng nghề giáo là công việc có thể "truyền đạt kiến thức cho mọi người". Nhưng khi đi làm, phần lớn công việc của cô giáo trẻ đều không như cô mong đợi.

Cô phải tham gia vô số cuộc họp, sự kiện, viết báo cáo để thăng chức. Nhiều lần, Xiao phải đứng ở cổng trường, kiểm tra phụ huynh chở con đi học bằng xe máy có đội mũ bảo hiểm hay không.

"Nếu phụ huynh, học sinh bị phát hiện không đội mũ bảo hiểm, giáo viên chủ nhiệm của học sinh đó sẽ bị nói là không 'giáo dục' học sinh và phụ huynh tử tế", Xiao nói với tờ The World of Chinese.

 Ở Trung Quốc, học sinh phải học đến 21-22h. Giáo viên sẽ phải ở lại trường để lo cho việc học của trẻ. Ảnh: VCG.

Ở Trung Quốc, học sinh phải học đến 21-22h. Giáo viên sẽ phải ở lại trường để lo cho việc học của trẻ. Ảnh: VCG.

Không chịu nổi áp lực

Do phải đảm nhận vô số công việc không tên, Xiao phải "tranh thủ thời gian" để chuẩn bị cho việc dạy học. Cô giáo trẻ nói rằng phải sau 18h mỗi ngày, khi tất cả học sinh đã ra về, cô mới có thời gian chuẩn bị bài học cho ngày hôm sau.

Việc chuẩn bị giáo án, bài giảng cũng mất nhiều thời gian vì trong lúc đó, cô phải trả lời tin nhắn, khiếu nại của phụ huynh. Việc này thậm chí tiếp diễn khi Xiao đã về nhà và kéo dài đến tận nửa đêm.

Xian nghĩ công việc của cô không phải dạy học mà giống như làm bảo mẫu cho học sinh lớp 1. Cô chịu trách nhiệm cho trẻ từ lúc các em ở trường cho đến lúc tan học. Mỗi tối, cô đều phải trả lời tin nhắn của phụ huynh. Nội dung tin nhắn có thể là yêu cầu đổi chỗ ngồi, phàn nàn vì sao con không uống nước đầy đủ...

Một lần, một phụ huynh hét vào mặt Xiao và xúc phạm trình độ học vấn của cô chỉ vì cô "thông báo không đủ nhanh" về chuyện con gái bị đau răng. Cô giáo trẻ cũng sợ bị phụ huynh bóc phốt lên mạng, còn nhà trường vì tiền và lợi ích nên sẽ đứng về phía cha mẹ học sinh.

Không riêng Xiao, nhiều giáo viên khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, thậm chí tệ hơn. Vào tháng 10/2023, một giáo viên họ Lu, 23 tuổi ở Trung Quốc, đã nhảy lầu tự tử chỉ sau hai tháng làm việc.

"Tôi cảm thấy không thở nổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng làm giáo viên tiểu học lại khó khăn đến mức đấy", Lu viết trong lá thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình.

Gia đình của Lu nói rằng cô thường phàn nàn về chuyện phải làm việc 7 ngày/tuần, phải quay cuồng trong những công việc vô nghĩa và bị cấp trên tra tấn tinh thần. Lu muốn dạy học sinh thật tốt, nhưng những sự kiện, các đợt thanh tra, loạt công việc nhỏ lẻ khiến giáo viên chủ nhiệm như cô cảm thấy bị trói buộc.

"Khi nào giáo viên mới có thể tập trung vào việc dạy học? Giáo viên không hạnh phúc thì làm sao có thể dạy trẻ trở nên thích cực và lạc quan được", cô giáo 23 tuổi viết.

Quá tải

Tại Trung Quốc, nghề giáo vốn là một trong những nghề được coi trọng bậc nhất trong xã hội. Đây cũng là một trong số ít "bát cơm sắt" - công việc nhà nước đảm bảo việc làm trọn đời và cung cấp phúc lợi như trợ cấp nhà ở - được nhiều người săn đón.

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Còn hiện tại, nghề giáo ở Trung Quốc không còn là công việc ổn định, có thời gian nghỉ dài ngày như nhiều người vẫn tưởng tượng.

Tháng 11/2023, Guangming Daily và Viện Giáo dục Quốc gia đã tiến hành một khảo sát với giáo viên tại 12 tỉnh, thành ở Trung Quốc. Kết quả, 92,1% giáo viên được khảo sát nói rằng họ phải làm việc hơn 9 giờ mỗi ngày, hơn 1/3 phải làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần. Con số này nhiều hơn 11 giờ, so với mức làm việc tối đa 44 giờ theo quy định của luật lao động Trung Quốc.

Wang Xia, giáo viên tiểu học ở Nội Mông, nói rằng gánh nặng của giáo viên ngày càng lớn là do giáo dục ngày càng cạnh tranh và áp lực, ngay từ bậc tiểu học.

Những năm gần đây, cải cách trong chương trình giảng dạy bậc phổ thông đưa ra nhiều môn học khó hơn, khiến giáo viên lẫn học sinh đều cảm thấy gặp khó khăn.

Ví dụ, tại một trường trung học nội trú ở tỉnh Quý Châu, để đảm bảo học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhà trường lên lịch học cho trẻ từ 6h20 và kéo dài đến 21h30, liên tục từ thứ hai đến thứ sáu. Sáng thứ bảy, học sinh vẫn phải tiếp tục học.

Sau giờ học, giáo viên và học sinh phải tiếp tục dành thời gian cho các sự kiện, hoạt động xây dựng thương hiệu, xếp hạng cho nhà trường. Ma Ruyi, cựu giáo viên tại trường nội trú tại Quý Châu, nói rằng hàng tháng, nhà trường tổ chức lễ hội nghệ thuật, thi đấu thể thao và giáo viên buộc phải tham gia.

Điều này gây ra gánh nặng rất lớn cho giáo viên chủ nhiệm. Ngoài dạy học, quản lý học sinh, kết nối với giáo viên, họ phải tham gia đủ hoạt động lớn nhỏ. Nhiều người mỉa mai người toàn năng mới có thể làm giáo viên chủ nhiệm ở Trung Quốc.

 Giáo viên Trung Quốc phải dạy thêm giờ sau khi nước này áp dụng chính sách "giảm kép". Ảnh: VCG.

Giáo viên Trung Quốc phải dạy thêm giờ sau khi nước này áp dụng chính sách "giảm kép". Ảnh: VCG.

Việc gì cũng đến tay

Chưa dừng lại ở việc tham gia các hoạt động của trường, giáo viên còn phải kiêm thêm việc trông trẻ. Kể từ khi Trung Quốc đưa ra chính sách "giảm kép" vào tháng 7/2021, một số trường học kéo dài giờ học thêm hai giờ và cung cấp "dịch vụ sau giờ học". Theo đó, giáo viên phải ở lại trường lâu hơn để dạy thêm cho trẻ, trong lúc chờ bố mẹ học sinh đến đón con.

Tuy nhiên, dạy học ngoài giờ không phải vấn đề cốt lõi. Các giáo viên nói rằng thủ tục hành chính và các công việc không liên quan việc dạy học mới là nguyên nhân khiến họ thấy áp lực.

Hua Jing, giáo viên tiểu học ở tỉnh Hồ Nam, nói rằng các công việc "phi học thuật" ngày càng tăng. "Trước đây, công việc của chúng tôi chủ yếu là dạy học. Nhưng bây giờ, chúng tôi giống như người giúp việc", cô giáo nói.

Hua không nhớ từ khi nào công việc của giáo viên bắt đầu thay đổi, nhưng cô khẳng định những công việc không tên đã gây ra nhiều tổn thất đáng kể.

Đối với cô giáo, việc đáng sợ nhất là phải ghi lại mọi chuyện xảy ra trong công việc để trình bày trong các cuộc thanh tra. Mỗi học kỳ trôi qua, cô lại có thêm hàng tá nhật ký viết tay - ghi lại phát biểu của ban giám hiệu, các hoạt động giảng dạy, chăm sóc trẻ, phân tích bài kiểm tra của học sinh...

Hua cũng được yêu cầu thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh, yêu cầu phụ huynh xem các bài giảng online và tải xuống một số ứng dụng. Thậm chí, giáo viên còn phải viết tay kế hoạch giảng dạy để nộp lên thanh tra.

"Nhiều lãnh đạo giáo dục tin rằng phụ huynh sẽ hợp tác hơn nếu giáo viên can thiệp, vì con cái họ nằm trong 'quyền kiểm soát' của chúng tôi. Giáo viên khó từ chối vì những công việc này cũng tính đến thành tích, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội thăng chức và tăng lương", cô Hua thông tin.

13 năm cống hiến không biết mệt mỏi cho ngành giáo dục, cô Hua không đến mức bỏ việc như cô Xiao, nhưng cô quyết định "nằm im", từ bỏ việc cạnh tranh để được thăng chức.

Cô giáo chỉ muốn tập trung vào việc giảng dạy, nhưng điều này thực sự rất khó vì những đầu việc không tên vẫn cứ tiếp tục ập đến. "Quá mệt mỏi và vô nghĩa, tôi thực sự rất mệt, nhưng tôi vẫn yêu công việc này", cô nói.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/noi-giao-vien-cam-thay-minh-nhu-nguoi-o-chu-khong-phai-nguoi-thay-post1515634.html
Zalo