Các trường đại học phải có trách nhiệm nâng cao năng lực giảng viên
Muốn đào tạo được nhân lực chất lượng cao, trước tiên cần phải có đội ngũ giảng viên giỏi, có trình độ chuyên môn.
Hôm nay (4/12), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị sơ kết nhiệm vụ đào tạo theo Quyết định số 89 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh Đề án 89 và những đề án trước đó có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, góp phần triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết 29, Kết luận số 91.
Thứ trưởng cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học, yếu tố quan trọng và cốt lõi nhất chính là đội ngũ giảng viên. Đồng thời, muốn nâng cao năng lực quản trị giáo dục đại học, cũng cần nâng cao năng lực đội ngũ quản lý.
Điểm mới của Đề án 89 là giao quyền chủ động cho các nhà trường, nâng cao năng lực quản lý trong vận hành các chính sách mới. Vì thế, ông Hoàng Minh Sơn đánh giá các cơ sở giáo dục đại học cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phát triển đội ngũ giảng viên, mang lại lợi ích trước tiên cho trường của mình.
Đội ngũ giảng viên cũng cần nhận thức rõ đây là nâng cao trình độ cho mình, cho trường và cho đất nước. Các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản phải tạo điều kiện tối đa để các trường có giảng viên được tham gia học tập, nâng cao năng lực.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, nguyên tắc triển khai nhiệm vụ đào tạo của Đề án 89 không phân biệt trường công, trường tư. Tất cả các giảng viên đủ điều kiện đi học theo Đề án, và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu cử đi đào tạo đều được chấp nhận. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn chủ động quyết định đối tượng người học, số lượng người học, ngành học, cơ sở đào tạo, học trong nước hay học ở nước ngoài.
Kết quả thực hiện tính đến tháng 11/2024, tổng số người đang học theo Đề án là 451 người, trong đó có 274 người được đào tạo trong nước và 177 người đào tạo ở nước ngoài.
Đánh giá cao những lợi ích của Đề án 89, GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa bày tỏ, việc phát triển đội ngũ giảng viên ngày càng có năng lực, có trình độ, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước là vô cùng quan trọng.
Là một trong những nghiên cứu sinh được đi học tại nước ngoài với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Hưng Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết, đây là cả quá trình nỗ lực và sự ưu ái rất nhiều mà Chính phủ đã dành cho ngành giáo dục. Nhà trường cũng đã có 16 thầy cô đi học theo Đề án.
"Thời của chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn, đến nay, tôi thấy được Đề án 89 đã được tháo gỡ và thuận lợi rất nhiều. Tôi nghĩ rằng các thầy cô hãy đặt mình ở vị trí những nhà quản lý để chia sẻ và thấu hiểu hơn.
Chúng ta phải cảm thấy mình là những người may mắn và không thể so sánh Đề án với một chương trình học bổng của một trường hay một quốc gia được. Nhìn nhận như vậy, chúng ta sẽ tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện tốt hơn", PGS.TS Nguyễn Hưng Quang chia sẻ.
Đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai Đề án 89 đã mang lại những ý nghĩa rất quan trọng, đó là tạo động lực phát triển đội ngũ giảng viên, góp phần gia tăng tỉ lệ nghiên cứu sinh, tỉ lệ tiến sĩ, nâng cao chất lượng giảng viên về số lượng và thực chất; gia tăng tính quốc tế; tạo môi trường thi đua học tập; tạo nguồn giảng viên có chất lượng phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Tuy nhiên, một số giảng viên hiện nay chưa sắp xếp được kế hoạch học tập, nên chưa chủ động trong việc đăng ký tham gia Đề án 89, cùng với một số giảng viên chủ động tự túc học phí để tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ cả trong và ngoài nước. Điều này làm hạn chế nguồn giảng viên để cử đi học mặc dù đã thực hiện triển khai khảo sát nhu cầu từ trước.
Đề án 89 đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới; thu hút được ít nhất 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam,…