Những thay đổi trong phương án tuyển sinh đại học năm 2025 ở TP.HCM
Năm 2025, các trường đại học đang xây dựng phương án tuyển sinh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó một số phương án như giảm bớt phụ thuộc hoặc bỏ phương thức xét tuyển học bạ cũng đang được cân nhắc.
Giảm hoặc bỏ xét tuyển học bạ
Về vấn đề tuyển sinh năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, nhà trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ THPT trong xét tuyển và chỉ giữ lại những điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy chế tuyển sinh của Bộ.
Trường cũng định hướng phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường sẽ thành chủ đạo, là một kỳ thi độc lập.
Dự kiến, phương thức này bao gồm việc sử dụng 2 môn vào xét tuyển mỗi ngành, trong đó 1 môn chính được nhân hệ số 2 và 1 môn phụ không nhân hệ số. Điều này giúp đánh giá toàn diện năng lực học tập và sự phù hợp của thí sinh với yêu cầu của từng ngành học.
Bên cạnh đó, một số trường còn kết hợp để sử dụng kết quả của kỳ thi riêng như Đại học Công thương TP.HCM dự kiến phối hợp với Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức thi và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương TP.HCM cho biết, trường sẽ có chỉ tiêu như sau: xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 60%, xét điểm học bạ 3 năm THPT khoảng 20% chỉ tiêu (giảm so với năm trước đó), 20% còn lại dự kiến xét từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm, đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
“Dự kiến mùa tuyển sinh 2025, trường sẽ có chỉ tiêu khoảng 7000-8000 chỉ tiêu và không có nhiều thay đổi so với năm 2024. Chỉ có thêm phương án là xét đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm TP.HCM", ông Sơn nói.
Cũng từ năm 2025, Đại học Quốc gia TP.HCM thống nhất thực hiện ba phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực và xét tuyển dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, một số trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM cũng dự kiến giảm các phương thức xét tuyển.
Trong đó, Đại học Kinh tế - Luật dự kiến tuyển sinh 3 phương thức, giảm 2 phương thức so với năm 2024. Cụ thể các phương thức dự kiến là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng; Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025 và xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đại học Bách khoa TP.HCM chỉ dùng 2 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng theo quy định và xét tuyển kết hợp (đánh giá năng lực, kết quả thi THPT, học lực THPT và năng lực khác).
Điều chỉnh tổ hợp môn
Năm 2025 cũng là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chính vì vậy, một số trường cũng nghiên cứu xây dựng các tổ hợp môn xét tuyển, đảm bảo phù hợp với từng ngành và sự lựa chọn đa dạng của học sinh.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, về các mốc thời gian sẽ thay đổi cho phù hợp với dự thảo mới
Phương thức ưu tiên xét tuyển, dự kiến sẽ dùng làm xét tuyển sớm. Còn các phương thức khác sẽ xét cùng đợt xét tuyển chung
Ngoài ra, về tổ hợp xét tuyển cũng điều chỉnh với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.Theo đó, một ngành không giới hạn 4 tổ hợp mà tùy đặc điểm từng ngành có thể có nhiều tổ hợp hơn.
“Tổ hợp năm nay sẽ có 2 môn bắt buộc trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT và chọn 1 trong các môn còn lại (có thể 4-5 môn) đó là sự thay đổi của năm nay. Phương pháp này có thể áp dụng cho cả phương thức dùng xét bằng điểm thi THPT hoặc kết quả học tập hoặc ưu tiên xét kết quả học tập", TS Nguyễn Trung Nhân cho biết thêm.