Học sinh TP.HCM đã hài lòng hơn với dịch vụ giáo dục công

So với khảo sát năm 2023, tỷ lệ hài lòng chung của phụ huynh, học sinh TP.HCM đối với dịch vụ giáo dục công trong năm 2024 có phần cải thiện hơn.

 Chất lượng giáo dục trường công ở TP.HCM được học sinh và phụ huynh đánh giá cao hơn trong năm 2024. Ảnh: Phương Lâm.

Chất lượng giáo dục trường công ở TP.HCM được học sinh và phụ huynh đánh giá cao hơn trong năm 2024. Ảnh: Phương Lâm.

Sở GD&ĐT TP.HCM mới công bố báo cáo kết quả khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với kết quả giáo dục công trên địa bàn thành phố năm 2024.

Các đối tượng khảo sát được nêu trong báo cáo này bao gồm phụ huynh từ bậc mầm non đến THPT và học sinh bậc THPT được chọn ngẫu nhiên từ các trường ở quận 1, quận Bình Tân và huyện Nhà Bè. Tổng số phiếu thu về là 19.004 (trong đó gồm 14.128 phiếu của phụ huynh và 4.876 phiếu từ học sinh).

Khi tham gia khảo sát này, phụ huynh và học sinh được yêu cầu đánh giá mức độ hài lòng trên thang điểm từ 1 đến 5, bao gồm các nội dung liên quan tiếp cận giáo dục (A), cơ sở vật chất, thiết bị dạy học (B), môi trường giáo dục (C), hoạt động giáo dục (D) và sự phát triển, thực hiện nghĩa vụ công dân (E).

Môi trường giáo dục được đánh giá cao

Nhìn chung, trong tất cả 5 nội dung đánh giá, học sinh và phụ huynh TP.HCM ít hài lòng nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở trường công, lần lượt là 4,6 điểm trung bình ở học sinh và 4,48 điểm trung bình ở phụ huynh.

Trong khi đó, điểm hài lòng chung của phụ huynh và học sinh đều đạt cao nhất ở tiêu chí về môi trường giáo dục, lần lượt đạt 4,69 và 4,53 điểm.

"Điều đó chứng minh phần nào về cách thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập công bằng, minh bạch, mối quan hệ giữa các học sinh thân thiện, thân ái, đoàn kết, môi trường học tập an toàn, lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và sự mong đợi của phụ huynh", sở nêu trong báo cáo.

Bạn đọc có thể so sánh điểm hài lòng chung của phụ huynh, học sinh theo các tiêu chí đánh giá trong bảng sau:

Nếu tính điểm hài lòng chung của phụ huynh và học sinh theo cấp học, Sở GD&ĐT đưa ra kết quả khảo sát như sau:

Kết quả khảo sát cho thấy điểm hài lòng của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công ở tất cả các tiêu chí đều đạt từ 4 điểm trở lên (thang điểm 5).

Trong đó, điểm hài lòng cao nhất ở tiêu chí về môi trường giáo dục của cấp mầm non đạt 4,92 điểm, thấp nhất ở tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đạt 4,43 điểm.

Điểm hài lòng của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công ở tất cả tiêu chí đều giảm theo cấp học, thấp nhất ở cấp THCS và THPT.

Nhìn chung, mặc dù điểm ở các tiêu chí đều giảm theo cấp học, xét về tổng thể, 5 điểm hài lòng của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công theo cấp học vẫn được đánh giá cao.

Nhiều cải thiện so với năm 2023

Nếu xét theo phụ huynh ở từng quận, huyện, tất cả tiêu chí điểm hài lòng của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công được đánh giá cao, khoảng cách điểm hài lòng của phụ huynh giữa các quận, huyện tương đối đồng đều.

Điểm hài lòng cao nhất ở tiêu chí về môi trường giáo dục và tiêu chí khả năng tiếp cận giáo dục đối với dịch vụ giáo dục ở trường tại huyện Nhà Bè đạt 4,7 điểm, thấp nhất ở tiêu chí sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân đạt 4,62 điểm.

"Xét tổng thể, điểm hài lòng của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công theo địa bàn quận/huyện được phụ huynh đánh giá cao, chứng tỏ phụ huynh đã tin tưởng và hài lòng với các dịch vụ giáo dục ở trường", Sở GD&ĐT TP.HCM nhận xét.

Điểm hài lòng của học sinh theo địa bàn.

Điểm hài lòng của học sinh theo địa bàn.

Với học sinh, tất cả các tiêu chí điểm hài lòng của học sinh đối với dịch vụ giáo dục công theo địa bàn quận/huyện được đánh giá cao, trong đó điểm hài lòng của học sinh ở huyện Nhà Bè cao hơn so với quận 1 và quận Bình Tân.

Từ những kết quả trên, Sở GD&ĐT TP.HCM kết luận tỷ lệ hài lòng chung của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công năm 2024 cao hơn so với năm 2023, đạt tỷ lệ 96,6% (năm 2023 đạt 90,2%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ hài lòng chung của học sinh đối với dịch vụ giáo dục công năm 2024 cũng cao hơn năm 2023, đạt tỷ lệ 95,79% (năm 2023 đạt 90,6%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, sở rút ra những tồn tại mà ngành giáo dục thành phố luôn phải đối diện là khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp.

Tồn tại này được lý giải do tốc độ gia tăng dân số nhanh của thành phố, đặc biệt là gia tăng dân số cơ học, dù đã được các ngành, các cấp đã quan tâm, hỗ trợ, nhưng tốc độ mở rộng quy mô trường lớp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của người dân.

Diện tích sân chơi trong trường vẫn còn thấp, sĩ số học sinh/lớp cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh thành phố. Đó cũng là rào cản, là thử thách lớn nhất đối với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hoc-sinh-tphcm-da-hai-long-hon-voi-dich-vu-giao-duc-cong-post1515797.html
Zalo