Nỗ lực xây dựng hình ảnh lễ hội ấn tượng, văn minhChủ động đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý

Những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã dần đi vào nền nếp nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Dưới đây là một số ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, kiến giải những giải pháp cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.

Khai mạc Lễ hội chùa Hương năm 2025. Ảnh: Xuân Trần

Khai mạc Lễ hội chùa Hương năm 2025. Ảnh: Xuân Trần

Bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình:

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Nhiều năm qua, công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội trên địa bàn quận Ba Đình luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền và triển khai chủ động với các kế hoạch cụ thể, khoa học, bài bản.

Trên địa bàn quận Ba Đình hiện có 31 di tích đã và đang được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa. Đối với công tác quản lý di tích, UBND quận đã chỉ đạo việc thực hiện kiện toàn các Ban quản lý di tích; phân công nhiệm vụ và có quy chế để các ban quản lý di tích hoạt động một cách bài bản, khoa học. Công tác phòng, chống cháy nổ tại các di tích được quận đặc biệt quan tâm, thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, kiểm tra bảo đảm cho các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.

Về công tác tổ chức lễ hội, trên địa bàn quận hiện có 56 lễ hội được tổ chức hằng năm. Những năm qua, quận đã tiến hành khôi phục 7 lễ hội đã bị mai một từ cách đây 70 - 80 năm như Lễ hội đền Núi Sưa, Lễ hội đền Quán Thánh hay Lễ hội Thập tam trại... Trong số 56 lễ hội trên địa bàn, có 11 lễ hội được nâng cấp lên thành lễ hội cấp quận, qua đó góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc, giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về vùng đất Ba Đình.

Năm 2025, các lễ hội trên địa bàn quận Ba Đình được tổ chức theo đúng các quy định của Trung ương và Thành phố trong đó phải kể đến việc thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngay khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí vào tháng 8-2023, quận đã tổ chức tập huấn đến các ban quản lý di tích. Tháng 1-2025, trước khi bắt đầu mùa lễ hội năm nay, UBND quận cũng tổ chức cho các ban quản lý di tích của 14 phường và 54 di tích lịch sử - văn hóa ký cam kết tổ chức lễ hội theo đúng quy định của Bộ tiêu chí này. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên việc quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn quận Ba Đình nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp và đi vào nền nếp, qua đó khơi gợi tinh thần đoàn kết của nhân dân để tạo nên mùa lễ hội an toàn, văn minh.

PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội:

Cần có những phương thức giáo dục và tuyên truyền hiệu quả

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng lễ hội lớn nhất cả nước, với gần 1.500 lễ hội được tổ chức hằng năm. Diễn ra trong không gian thiêng, thời gian thiêng, lễ hội tạo nên sự cộng mệnh, cộng cảm giữa những người tham gia và tính thiêng của lễ hội. Qua việc tham gia vào các lễ hội truyền thống, người Hà Nội thể hiện niềm tin vào sức mạnh thiêng liêng của mảnh đất quê hương, sự tôn kính đối với tổ tiên và khát vọng xây dựng cộng đồng đoàn kết. Vì thế, lễ hội không chỉ là một điểm tựa tâm linh mà còn là cơ hội để mỗi người hòa mình vào cộng đồng và tìm lại sự thư thái, giảm bớt căng thẳng của cuộc sống thường nhật.

Hiện nay, việc đổi mới tổ chức lễ hội ở Hà Nội đang gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là làm sao hài hòa giữa tính thiêng liêng của lễ hội và yếu tố thế tục trong hoạt động tổ chức. Cùng với đó, việc truyền tải những lớp nghĩa văn hóa sâu sắc đã được tích tụ qua bao thế hệ đến người tham gia lễ hội vẫn còn là một thách thức. Bên cạnh đó, những hành vi gây ô nhiễm môi trường như tiếng ồn và rác thải cũng là vấn đề đáng lo ngại. Việc xả rác bừa bãi hay làm mất trật tự tại các khu vực lễ hội không chỉ ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm mà còn tác động tiêu cực đến hình ảnh và bản sắc của lễ hội.

Để tạo dựng một môi trường văn hóa trong lễ hội, cần có những phương thức giáo dục và tuyên truyền hiệu quả, giúp người tham gia lễ hội hiểu rõ và tôn trọng giá trị văn hóa, cũng như những quy tắc ứng xử cần thiết. Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội cần chú trọng vào việc duy trì các nghi thức truyền thống, đồng thời kết hợp với các hoạt động quản lý môi trường, như quy định về việc xả rác, giảm thiểu tiếng ồn... Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo lễ hội diễn ra trong một không gian trang trọng và thanh tịnh, đồng thời ứng dụng công nghệ để giám sát và cải thiện công tác tổ chức. Việc tạo ra một môi trường lễ hội vừa trang nghiêm, vừa hiện đại và văn minh là rất quan trọng để những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy đúng cách.

Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội):

Công nghệ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội

Trong những năm gần đây, công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt. Năm 2024, thành phố có tổng số 1.661 lễ hội được đăng ký tổ chức. Năm 2025, có 1.504 lễ hội được đăng ký. Việc tổ chức lễ hội của các đơn vị từ cấp cơ sở đến quận, huyện, thị xã và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND thành phố cùng sự vào cuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tạo nên những khí thế mới và những thành công bước đầu trong công tác quản lý lễ hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý cũng được áp dụng một cách mạnh mẽ và rộng khắp. Đó là việc lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm bảo đảm an ninh trật tự tại các di tích tổ chức lễ hội; hay áp dụng mã QR code để giới thiệu về di tích và các nhân vật được thờ phụng để khách thập phương và nhân dân dễ dàng tìm hiểu. Có thể nói, chưa bao giờ việc tiếp cận các thông tin về văn hóa - lịch sử lại dễ dàng, nhanh chóng và cụ thể như hiện nay.

Việc quản lý lượng khách cũng có những bước tiến dài. Trước đây, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và khó có thể định lượng một cách cụ thể số lượng khách đến với các di tích, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di tích và lễ hội diễn ra dài ngày, trong khuôn viên rộng lớn như Lễ hội chùa Hương. Nhưng khi ứng dụng công nghệ hiện đại cùng các biện pháp quản lý Nhà nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt và sự thành công trong công tác tổ chức lễ hội tại địa phương trong những năm gần đây.

Cùng với sự chủ động của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, các địa phương cũng có những cách làm sáng tạo trên nguyên tắc: Phần lễ trang nghiêm, trọng thể, đúng nghi lễ truyền thống, không ít tập tục, nghi lễ được khôi phục và phát huy; còn phần hội cũng diễn ra linh hoạt, năng động, vui tươi, thể hiện sự đổi mới và đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của nhân dân. Có thể nói, công tác tổ chức và quản lý lễ hội, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã đến được với nhân dân, công chúng một cách tự nhiên, hiệu quả.

Tâm Thủy thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/no-luc-xay-dung-hinh-anh-le-hoi-an-tuong-van-minh-chu-dong-doi-moi-nang-cao-chat-luong-to-chuc-quan-ly-693251.html
Zalo