Những người 'thắp lửa' đổi mới
Trong 50 năm qua, TP Hồ Chí Minh bằng tất cả ý chí và quyết tâm đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn, ý nghĩa, xứng đáng với danh hiệu cao quý 'Thành phố anh hùng', là đầu tàu kinh tế của cả nước. Để có được thành tựu đó, có công lao rất lớn của những thế hệ lãnh đạo tài ba, vừa có tâm, vừa có tầm, với khát khao xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

TPHCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, du khách trong và ngoài nước. Ảnh: S.X.
“Xé rào” thay đổi tư duy
Vào một ngày giữa tháng 4, chúng tôi có dịp gặp ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh tại nhà riêng. Dù đã bước vào tuổi xế chiều, trong ông vẫn ánh lên sự nhiệt huyết và bản lĩnh của một người từng gắn bó sâu đậm với những chặng đường phát triển then chốt của thành phố.
Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng, ông Trực không giấu được xúc động. Theo ông, khi ấy TP Hồ Chí Minh như một cơ thể vừa trải qua cuộc phẫu thuật lớn - kiệt quệ, rệu rã và bế tắc. “Ngân sách trống trơn, sản xuất đình trệ, nạn đói và thất nghiệp rình rập từng con phố” – ông Trực kể. Dù là trung tâm kinh tế lớn của miền Nam, TP Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi cảnh thiếu gạo, thiếu thực phẩm - một nghịch lý khi chỉ cách không xa vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm đó, ông Võ Văn Kiệt đang là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp xuống cơ sở, đến các nhà máy để thị sát, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ông Phạm Chánh Trực, lúc đó giữ chức Bí thư Thành đoàn cũng đi cùng trong những chuyến thăm ấy và tận mắt chứng kiến một nền kinh tế bị “bóp nghẹt” bởi sự tập trung quan liêu bao cấp. Từ thực tiễn đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhận ra: Nếu cứ tiếp tục chờ đợi cấp trên phân bổ vật tư theo kế hoạch, thành phố sẽ không thể vực dậy nổi.
“Chúng tôi quyết định mượn tiền, thậm chí vàng trong dân để nhập nguyên liệu từ Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)... Quan trọng là phải khôi phục sản xuất” - ông Trực kể. Quyết định khi ấy là một bước đi “xé rào” đầy táo bạo nhưng cần thiết, đặt nền móng cho sự chuyển mình của kinh tế thành phố từ bao cấp sang thị trường. Nhờ quyết định táo bạo trên mà hàng hóa dần trở lại, lạm phát được kiểm soát, sản xuất khởi sắc. Các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động theo quy luật thị trường, việc “ngăn sông cấm chợ” gây khó dễ cho lưu thông hàng hóa cũng được xóa bỏ. Đây chính là thời kỳ mở đầu cho một tư duy đổi mới mà sau này trở thành kim chỉ nam trong công cuộc phát triển kinh tế thành phố.
Là một trong những người tiên phong đề xuất và thực hiện những sáng kiến cải cách này, ông vinh dự được ông Võ Văn Kiệt trao lá cờ ra quân thanh niên xung phong - biểu tượng của tinh thần “xông pha mặt trận kinh tế”. Là Bí thư Thành đoàn đầu tiên của TP Hồ Chí Minh sau giải phóng, ông Phạm Chánh Trực không chỉ là người truyền lửa cho thế hệ trẻ mà còn là người góp công lớn trong tham mưu, đề xuất cơ chế phát triển đô thị phù hợp với thực tiễn. Nhưng dấu ấn lớn nhất của ông Phạm Chánh Trực có lẽ nằm ở tầm nhìn dài hạn, khi ông khởi xướng và kiên trì theo đuổi ý tưởng xây dựng Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh từ năm 1992 - thời điểm mà với nhiều người, nói đến công nghệ cao ở một đất nước còn chật vật thoát nghèo là điều… xa xỉ.
“Thành phố mới phục hồi chút ít mà đã tính đến công nghệ cao, nhiều người nghĩ là phiêu lưu. Nhưng tôi tin rằng đó là con đường duy nhất để nâng cao giá trị xuất khẩu, thu hút đầu tư và bắt kịp xu hướng thế giới” - ông chia sẻ. Lúc này, ông Phạm Chánh Trực đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phụ trách kinh tế đối ngoại. Quyết định ấy không dễ dàng. Thành phố phải cử các đoàn đi học tập ở nước ngoài, dù việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế.
“Lúc đó, các nước không mấy chia sẻ cho mình kinh nghiệm ưu đãi đầu tư nước ngoài. Mình tự tìm hiểu, mày mò từng chút một” - ông Trực kể. Nhưng vượt qua vô vàn thử thách, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã hình thành. Từ một vùng đất hoang hóa phía Đông thành phố, nơi đây giờ là mái nhà của hàng trăm doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước, đóng góp tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu công nghệ cao của thành phố. Tiếp nối thành tựu đó, TP Hồ Chí Minh và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chính thức thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR), minh chứng cho sự hội nhập sâu rộng và tư duy phát triển bền vững.
Giờ đây, khi nhìn lại hành trình dài nửa thế kỷ, ông Phạm Chánh Trực nói điều khiến ông cảm thấy tự hào nhất không chỉ là những con số tăng trưởng hay công trình đồ sộ, mà là sự thay đổi về tư duy, về cách tiếp cận vấn đề của những người làm chính sách. Và quả thật, đúng như ông từng khẳng định: “Con người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh càng khó khăn lại càng bền chí vượt qua”. Chính tinh thần ấy đã và đang đưa thành phố tiến về phía trước, trở thành điểm sáng của cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập toàn cầu.
Người gieo mầm đô thị văn minh, nghĩa tình
Giữa những công trình cao tầng, nhịp sống đô thị sôi động của TP Hồ Chí Minh hôm nay có những sự cống hiến không ngừng nghỉ của những con người tận tụy. Trong số đó, có bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, một người lãnh đạo tâm huyết, bản lĩnh, đầy trách nhiệm nhưng cũng rất đỗi gần gũi, nhân hậu. Với một hành trình dài gắn bó cùng thành phố, bà Thảo đã để lại những dấu ấn sâu đậm không chỉ trên các lĩnh vực quản lý, điều hành mà còn trong lòng người dân bởi những chính sách thiết thực, những phong trào giàu tính nhân văn và những diễn đàn dân chủ đầy cảm hứng.
Trong vai trò cán bộ Đoàn những năm sau ngày đất nước thống nhất, bà Phạm Phương Thảo trực tiếp chỉ đạo, triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ”. Một phong trào nhỏ nhưng lại hàm chứa khát vọng lớn, khơi dậy trong các em học sinh tinh thần tiết kiệm, ý thức bảo vệ môi trường và hơn hết là lòng sẻ chia. Những em nhỏ ngày ấy gom từng mảnh giấy vụn, vỏ lon, chai nhựa… để quyên góp xây dựng đoàn tàu thống nhất, hỗ trợ học cụ cho bạn nghèo. Đây là những hạt giống thiện lành được bà âm thầm gieo xuống để sau này nảy mầm thành ý thức cộng đồng, thành trách nhiệm xã hội nơi lớp trẻ.
Không dừng lại ở đó, phong trào “Ánh sáng văn hóa” được bà khởi xướng tiếp tục mở rộng cánh cửa tri thức cho những trẻ em nghèo, trẻ lang thang cơ nhỡ. Nhờ phong trào này, hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với con chữ, với tri thức. Trong quá trình công tác, khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Phương Thảo tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược và khả năng quản lý sâu sát, linh hoạt; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... nhằm huy động nguồn lực xã hội cho mục tiêu chung. Những năm tháng đó, hệ thống trường học được mở rộng, bệnh viện được xây dựng thêm, các trung tâm thể thao - văn hóa được đầu tư bài bản. Đằng sau những con số, những công trình ấy là một tư duy quản lý hiện đại, nhưng đồng thời cũng chứa đựng trái tim của một người lãnh đạo HĐND TP Hồ Chí Minh luôn hướng về người dân, đặc biệt là người yếu thế. Đáng chú ý, bà là người thúc đẩy mạnh mẽ chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị - một chiến lược mềm nhưng lại mang tính bền vững sâu sắc. Trong 2 năm liên tiếp, bà Thảo chọn chủ đề “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị” làm trọng tâm chỉ đạo. Từ việc xây dựng khu phố văn hóa, nhà vệ sinh công cộng, đến việc tổ chức các chiến dịch tuyên truyền văn hóa ứng xử nơi công cộng, bảo vệ cảnh quan đô thị… tất cả đều được triển khai đồng bộ, có chiều sâu.
Đặc biệt, bà còn xây dựng các chương trình đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và nhân dân. Tiêu biểu như chương trình “Nói và làm” - chương trình chính luận đầu tiên được truyền hình thành phố trực tiếp định kỳ hàng tháng, giúp giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức thiết, thúc đẩy dân chủ, phản biện xã hội; đề xuất cơ chế tăng cường vai trò của HĐND trong giám sát hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân. Đây là diễn đàn đối thoại công khai giữa chính quyền thành phố và người dân, giúp người dân tiếp cận trực tiếp với các chủ trương, chính sách của thành phố. Đồng thời, tạo cơ hội để thành phố giải thích, làm rõ các vấn đề nóng mà người dân quan tâm, tạo được sự tin tưởng, chia sẻ, đồng thuận trong nhân dân. Chương trình này còn thể hiện sự cầu thị của chính quyền thành phố “nói thuyết phục và làm có hiệu quả”.
Chương trình “Nói và làm” tạo sức hút lớn với những vấn đề dân sinh, nóng bỏng gây bức xúc trong nhân dân như nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, nhà ở cho người thu nhập thấp, quản lý game online, nhu cầu về khu vui chơi cho trẻ em...
Có thể nói, chương trình “Nói và làm” không chỉ là một sáng kiến mang tính đột phá trong quản lý nhà nước mà còn là biểu tượng cho tinh thần dân chủ, minh bạch và trách nhiệm của chính quyền thành phố với nhân dân: “Giá trị lớn nhất của chương trình còn ở chỗ không phải chia thành hai bên giữa một bên nói và bên làm mà tạo nên sức mạnh của sự đồng thuận” - bà Phạm Phương Thảo nêu quan điểm về chương trình “Nói và làm”. Theo nhận định của nhiều người, thành công của chương trình đã trở thành tiền đề để nhiều địa phương khác trong cả nước học tập và áp dụng mô hình tương tự.

Ông Phạm Chánh Trực.
“TP Hồ Chí Minh có được thành tựu hôm nay là nhờ sự chuyển mình từ tư duy bao cấp sang tư duy thị trường, từ đóng cửa sang hội nhập. Các thế hệ lãnh đạo đều cố gắng, bản thân tôi cũng chỉ mong hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của một người đảng viên với nhân dân, với thành phố thân yêu này” - ông Phạm Chánh Trực nói.
Bà Phạm Phương Thảo.
Là người lãnh đạo luôn hết lòng với việc chung, luôn có lửa, có lòng, sống giản dị và gần gũi với người dân, luôn sâu sát, lắng nghe, sáng tạo, dám quyết, chia sẻ những cống hiến của bản thân cho TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Phương Thảo nói: “Có lẽ nhịp sống trẻ đã luôn nâng bước chân tôi và thực tiễn sinh động của thành phố lớn đã luôn chỉ ra lời giải cho những bài toán khó trong đổi mới và phát triển…”