Cho phép thử nghiệm fintech có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng từ ngày 1.7
Chính phủ cho phép thử nghiệm có kiểm soát các sản phẩm, dịch vụ fintech trong lĩnh vực ngân hàng từ ngày 1.7. Thời gian thử nghiệm tối đa là 2 năm, không được làm ở nước ngoài.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (gọi là cơ chế thử nghiệm) đối với việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ (gọi là giải pháp công nghệ tài chính).
Các giải pháp công nghệ tài chính (viết tắt là giải pháp fintech) được tham gia thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm bao gồm: Chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); cho vay ngang hàng.
Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; các công ty công nghệ tài chính; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách hàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến cơ chế thử nghiệm.
Theo nghị định, mục tiêu của cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.
Phải tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý; hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp fintech do tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm cung cấp.

Chính phủ cho phép thử nghiệm fintech có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng từ ngày 1.7
Nghị định nêu rõ thời gian thử nghiệm các giải pháp fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm có thể được gia hạn theo quy định.
Việc triển khai thử nghiệm các giải pháp fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới.
Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm chỉ được cung cấp các giải pháp fintech trong phạm vi được quy định tại giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.
Tùy thuộc vào giải pháp fintech và đề xuất cụ thể của tổ chức đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm tại hồ sơ đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm, ý kiến của các bộ, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phạm vi thử nghiệm của giải pháp fintech thử nghiệm tại giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.
Công ty cho vay ngang hàng chỉ được thực hiện cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng trong phạm vi thử nghiệm tại giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm được Ngân hàng Nhà nước cấp cho công ty cho vay ngang hàng theo quy định tại nghị định này.
Công ty cho vay ngang hàng tham gia cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác không được nêu tại giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm, không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, hoạt động với tư cách là khách hàng và cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng cho công ty cầm đồ.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng công ty fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2025, việc phát triển một khung pháp lý toàn diện cho fintech sẽ là ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Các chuyên gia cho rằng fintech là khái niệm có nội hàm rất rộng bao gồm hàng trăm lĩnh vực kinh doanh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có thanh toán. Tại Việt Nam, thời gian qua fintech chủ yếu phát triển ví điện tử, cổng thanh toán… Tuy nhiên, phát triển trong môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, một số ví điện tử đã làm những việc không được pháp luật cho phép, ảnh hưởng tới niềm tin thị trường tài chính.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đã liên kết tạo ra một mã QR thanh toán, chuyển tiền liên thông với mọi tài khoản ngân hàng, ứng dụng (app) ngân hàng điện tử phát triển nhanh chóng và tiềm lực tài chính của ngân hàng mạnh mẽ các thực thể khác khó cạnh tranh.
Tại hội thảo mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng "thách thức lớn nhất đối với fintech tại Việt Nam vẫn là hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, đặc biệt trong quản lý dữ liệu cá nhân và bảo vệ người tiêu dùng".
"Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. AI, blockchain và fintech không còn là lựa chọn, mà là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Những ai chậm chân trong cuộc đua này có thể sẽ bị bỏ lại phía sau", TS Lực nói.
Trong nghiên cứu mới đây, TS Phùng Thị Thu Hà (Trường đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên) cũng đề nghị cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ fintech nhằm tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định.
Theo đó, Chính phủ nên xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ, rõ ràng, linh hoạt để điều chỉnh hoạt động của các công ty fintech, đồng thời thành lập cơ quan quản lý chuyên trách về lĩnh vực này. Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp fintech như miễn giảm thuế, ưu đãi vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường.
Thêm nữa, cần tăng cường bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin là một yêu cầu cấp thiết. Các doanh nghiệp fintech cần áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật cao, như mã hóa dữ liệu, xác thực đa yếu tố và sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện gian lận; xây dựng hệ thống bảo vệ thông tin khách hàng, đảm bảo quyền riêng tư và giảm thiểu rủi ro mất dữ liệu…