Tại sao Trung Quốc mua vàng nhiều đến vậy?

Giá vàng đã có cú tăng phi mã trong vài tuần qua, nhờ nhu cầu tăng mạnh giữa lúc căng thẳng kinh tế và địa chính trị leo thang.

Các chuyên gia cho biết đà tăng chủ yếu đến từ lực mua tại thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Trao đổi với tạp chí Newsweek, họ nhận định cả khu vực công và tư nhân tại nước này đang ngày càng coi vàng là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng.

Tuần trước, giá vàng lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.500 USD/ounce. Dù hiện đã điều chỉnh về mức hơn 3.300 USD, giá kim loại quý này vẫn cao hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái – vượt xa kỳ vọng của nhiều nhà phân tích về mức đỉnh đến cuối năm 2025.

Ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu tại nền tảng giao dịch vàng BullionVault, cho biết đợt tăng lần này xuất phát từ khối lượng giao dịch "tăng vọt" tại Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải và Sở Giao dịch Hợp đồng Tương lai Thượng Hải – chủ yếu đến từ khu vực tư nhân Trung Quốc.

Ông Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhận định nhà đầu tư toàn cầu đang cố gắng "giảm thiểu rủi ro trước làn sóng biến động". Ông nói phần lớn đà tăng hiện tại đến từ Trung Quốc, khi các dòng tiền đổ vào hệ thống ngân hàng trung ương nước này đạt mức "kỷ lục".

Vì sao Trung Quốc mua vàng ồ ạt?

Ông Cavatoni cho biết Trung Quốc – bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nhà nước – đã tích cực mua vàng trong suốt 15 năm qua. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai, các yếu tố liên quan đến thương mại và xung đột đã khiến xu hướng này "bùng phát mạnh mẽ".

Chính quyền Trump đang tập trung vào việc tái cấu trúc thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ, trong đó Trung Quốc là mục tiêu chính. Bắc Kinh không được hưởng quy chế tạm hoãn áp thuế 90 ngày và hiện phải chịu tới 145 loại thuế khi xuất khẩu sang Mỹ.

Dù ông Adrian Ash cho rằng không nên quá dễ dãi gắn việc giá vàng tăng với căng thẳng địa chính trị, nhưng "không có nhiều cách lý giải khác" ngoài việc Trung Quốc đang tìm cách phòng thủ trước rủi ro từ chính sách Mỹ và bảo vệ chủ quyền kinh tế của mình.

 Hiện tồn trữ vàng chính thức của Trung Quốc được công bố ở mức khoảng 2.292 tấn. Ảnh: Getty.

Hiện tồn trữ vàng chính thức của Trung Quốc được công bố ở mức khoảng 2.292 tấn. Ảnh: Getty.

Tuần trước, Hiệp hội Vàng Trung Quốc công bố mức tăng 30% trong tiêu thụ vàng miếng và tiền vàng nội địa quý I, khẳng định: "Bối cảnh địa chính trị phức tạp và bất ổn kinh tế đang ngày càng nhấn mạnh vai trò phòng vệ và bảo toàn giá trị của vàng".

Tuy nhiên, khi chính quyền Mỹ bắt đầu "hạ nhiệt" căng thẳng thương mại và phát tín hiệu giảm thuế với Trung Quốc, giá vàng đã giảm từ mốc 3.500 USD/ounce giữa tuần trước.

Dù ông Cavatoni khẳng định các ngân hàng trung ương mua vàng với quy mô chưa từng có, ông Ash lại cho rằng rất khó xác định chính xác lượng vàng mà Bắc Kinh đang tích trữ trong kho dự trữ ngoại hối.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có báo cáo với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng theo ông Ash: "Không ai tin con số mà họ công bố là sự thật tuyệt đối. Vì thế, việc xác định lượng vàng thực sự của Trung Quốc là điều không thể".

Hiện tồn trữ vàng chính thức của Trung Quốc được công bố ở mức khoảng 2.292 tấn (tính đến tháng 3/2025), theo Hội đồng Vàng Thế giới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích ước tính con số thực có thể vượt quá 30.000 tấn.

Trung Quốc tách dần khỏi nền kinh tế Mỹ?

Ngoài tích trữ vàng giữa bối cảnh bất ổn tài chính – chính trị, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư vào các công cụ tài chính như quỹ ETF.

Ông Cavatoni cho biết, trong tổng số khoảng 6 tỷ USD dòng vốn ETF chảy vào châu Á trong ba tuần đầu tháng 4, Trung Quốc chiếm tới 5,8 tỷ USD.

Đằng sau "cơn sốt vàng", xu hướng rút khỏi các tài sản gắn liền với USD và đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ giữa tháng 4 là nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm đa dạng hóa và giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ.

"Trước những bất ổn kinh tế toàn cầu, chúng tôi tin rằng Trung Quốc và các nước khác đang hành động để đa dạng hóa", ông Cavatoni nói. "Nắm giữ vàng giúp Bắc Kinh giảm rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về thương mại, thanh toán và đầu tư".

"Ở một mức độ nào đó, đó còn là một cái vẫy tay thách thức Mỹ", ông Ash nhận xét. "Sở hữu vàng là biểu tượng phản đối đồng USD".

Ông cho rằng Trung Quốc đang cố gắng giảm rủi ro từ sự bất định trong chính sách của Mỹ. "Dưới thời ông Trump, các chính sách có thể thay đổi chóng mặt chỉ sau một dòng tweet", ông nói.

Cả Ash và Cavatoni đều đề cập đến cách Tổng thống Trump thường xuyên công bố thay đổi chính sách qua mạng xã hội, gây tác động lớn đến kinh tế Mỹ, bên cạnh mối lo dài hạn về mức nợ công ngày càng tăng của nước này.

Chuyên gia Peter Schiff – một trong những nhà đầu tư vàng nổi tiếng nhất thế giới – cũng bình luận trong một cuộc phỏng vấn giữa tháng 4: "Trung Quốc đang rút vốn khỏi đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ. Họ chuyển sang mua vàng, euro, bảng Anh, và trái phiếu chính phủ châu Âu".

Tương lai của giá vàng sẽ ra sao?

"Chúng tôi khó tìm ra điều gì có thể ‘thổi làn gió ngược’ cho vàng lúc này", ông Cavatoni chia sẻ với Newsweek.

Nhiều tổ chức tài chính đã nâng dự báo giá vàng sau đợt tăng sốc vừa qua. Goldman Sachs dự báo vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm, trong khi JPMorgan đưa ra mốc hơn 4.000 USD vào quý II/2026.

Tuy vậy, ông Cavatoni cảnh báo chính sự bất định đang đẩy giá vàng đi lên cũng là rào cản khiến giá khó bứt phá hơn nữa.

"Tốc độ các biến động đang liên tục thay đổi triển vọng kinh tế Mỹ và toàn cầu", ông nói. "Điều này khiến giá vàng luôn bị kéo qua lại".

"Rủi ro, biến động và sự bất ổn vẫn đang chi phối tâm lý nhà đầu tư toàn cầu", ông nhấn mạnh. "Và nhà đầu tư vẫn đang mắc kẹt ở chính giữa cơn sóng ấy".

Theo Newsweek

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tai-sao-trung-quoc-mua-vang-nhieu-den-vay-post185149.html
Zalo