Vinh danh những công nhân tiêu biểu
Phong trào thi đua
Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng, thu hút và khơi dậy sự sáng tạo của công nhân lao động (CNLĐ). Những tấm gương lao động sản xuất giỏi trên các lĩnh vực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Chị Bùi Thị Ngọc Quý Yến (người đứng), nhân viên bộ phận quản lý chất lượng, Công ty TNHH điện tử Lạc Sơn hướng dẫn công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thủ lĩnh công đoàn trách nhiệm, tận tâm
Nhắc đến anh Lê Xuân Ước, Công ty cổ phần Coasia CM Vina tại Khu công nghiệp Lương Sơn, CNLĐ đều dành những lời khen cho người "thủ lĩnh” công đoàn tận tâm, hết lòng vì người lao động. Không chỉ tiên phong trong các hoạt động công đoàn, anh Ước còn là chỗ dựa, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp vượt qua khó khăn. Chính sự nhiệt huyết, tận tụy đã giúp anh chiếm trọn niềm tin, sự yêu mến từ Ban lãnh đạo công ty, công đoàn cấp trên, đồng nghiệp và CNLĐ. Anh Ước chia sẻ: 9 năm làm cán bộ công đoàn, tôi và tập thể Ban Chấp hành Công đoàn công ty luôn kịp thời tham mưu chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho CNLĐ, đặc biệt đối với lao động nữ, bởi tỷ lệ lao động nữ tại doanh nghiệp chiếm trên 70%. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút, tập hợp CNLĐ tham gia tổ chức công đoàn. Triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì việc làm ổn định và đảm bảo các chế độ, chính sách về tiền lương, thưởng, bảo hiểm... cho CNLĐ.
Anh Ước đảm nhận nhiệm vụ quản lý nhân sự, đảm bảo chất lượng quy trình sản xuất nhằm tối ưu năng suất lao động, giảm chi phí. Anh chủ động tham mưu Ban lãnh đạo công ty tạo điều kiện cho CNLĐ được bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó phải kể đến một số sáng kiến, đề tài tiêu biểu góp phần cải tiến quy trình sản xuất như: Sử dụng tấm dính bụi thay nắp hộp sản phẩm bằng inox, giảm chi phí, giảm thao tác, ngăn chặn bụi phát sinh từ môi trường, thao tác và từ hộp đựng để nâng cao chất lượng sản phẩm; Cải tiến thao tác với sản phẩm áp dụng 3 không với đặc thù sản xuất nhằm giảm các thao tác thừa trong quy trình sản xuất có nguy cơ làm tăng bụi phát sinh; Cải tiến giảm định mức sử dụng khăn lau, giấy, keo để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và góp phần bảo vệ môi trường... Tổng giá trị làm lợi từ các sáng kiến ước đạt 772,868 USD, tương đương 19 tỷ đồng.
Với những đóng góp, anh Ước vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu được Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh biểu dương, khen thưởng vì những thành tích xuất sắc giai đoạn 2019 - 2024.
Vì sự phát triển của doanh nghiệp
Đó là tinh thần làm việc của chị Bùi Thị Ngọc Quý Yến, công nhân IPQC, bộ quản lý chất lượng của Công ty TNHH điện tử Lạc Sơn(thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn).Chị Yến luôn tâm niệm rằng:"Doanh nghiệp có phát triển thì đời sống CNLĐ mới được cải thiện. Vì vậy, đội ngũ lao động chính là lực lượng nòng cốt đóng góp công sức, trí tuệ góp phần thúc đẩy sản xuất”.
Công ty TNHH điện tử Lạc Sơn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử với 843 CNLĐ. Gắn bó với công ty từ những ngày đầu, chị Yến là một trong những CNLĐ trẻ. Sau gần 4 năm, từ công nhân non trẻ mới vào nghề, chị đã trở thành một trong những nhân viên phụ trách khâu quản lý chất lượng sản phẩm. Hàng ngày, chị Yến có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng. Trong đó, tập trung theo dõi các khâu nhập nguyên liệu, thông số máy móc, sản lượng và chất lượng sản phẩm… Từ đó đề xuất với Ban lãnh đạo công ty có giải pháp kịp thời. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị Yến gặp không ít khó khăn, vì ngành nghề còn khá mới với lao động địa phương. Phần lớn là lao động phổ thông, trong đó nhiều người độ tuổi trung niên nên quá trình tiếp thu, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Hệ thống máy móc đã được đồng bộ, nhưng nhiều công đoạn không cần thiết đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Chị Yến chia sẻ: Với công việc được giao, tôi cần nắm kỹ quy trình sản xuất, các công đoạn trong dây chuyền. Khi sản phẩm phát sinh bất thường cần tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra phương pháp cải thiện. Nếu do máy móc, cần yêu cầu bộ phận kỹ thuật sửa chữa để có thể hoạt động ổn định hơn, nếu do CNLĐ thì ân cần nhắc nhở họ làm đúng thao tác. Ngoài ra, trong xưởng có nhiều công nhân độ tuổi khác nhau nên với người quản lý cần cư xử phù hợp, hài hòa để hỗ trợ nhau hoàn thành tốt công việc.
Cùng với xây dựng các mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp hài hòa, ổn định, chị Yến cũng tích cực đóng góp nhiều sáng kiến giúp công ty cắt các thao tác thừa. Từ đó, tiết kiệm thời gian, kiểm soát lỗi, nâng cao chất lượng sản phẩm, ước tính tiết kiệm trên 100 triệu đồng cho doanh nghiệp.
Anh Lê Xuân Ước và chị Bùi Thị Ngọc Quý Yến là hai trong nhiều CNLĐ tiêu biểu, minh chứng cho tinh thần lao động sáng tạo và sự tận tâm với công việc, là tấm gương để CNLĐ học tập, noi theo. Họ được coi là những nhân tố điển hình làm nòng cốt trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Đồng thời, tạo khí thế thi đua sôi nổi tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng quê hương Hòa Bình giàu đẹp, văn minh.