Nhu cầu điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng tốc trong những năm tới

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày hôm nay (14/2) công bố báo cáo cho biết, mức tiêu thụ điện của thế giới được dự báo sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong những năm gần đây, tăng gần 4% mỗi năm cho đến năm 2027, trong bối cảnh mức sử dụng điện tăng trong nhiều lĩnh vực trên khắp nền kinh tế.

 Năng lượng tái tạo là một trong những nguồn năng lượng quan trọng để đáp ứng mức tăng trưởng về nhu cầu điện toàn cầu. Ảnh minh họa: ITN

Năng lượng tái tạo là một trong những nguồn năng lượng quan trọng để đáp ứng mức tăng trưởng về nhu cầu điện toàn cầu. Ảnh minh họa: ITN

Theo Báo cáo Điện năng Electricity 2025, ấn bản mới nhất của báo cáo phân tích thị trường chính của IEA về lĩnh vực này, mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu sẽ tương đương với mức tăng thêm một lượng điện lớn hơn mức tiêu thụ điện hàng năm của Nhật Bản mỗi năm từ nay đến năm 2027.

Mức tăng vọt này chủ yếu được thúc đẩy bởi việc sử dụng điện ngày càng tăng mạnh mẽ dành cho sản xuất công nghiệp, nhu cầu về điều hòa không khí, điện khí hóa tăng tốc, dẫn đầu là lĩnh vực giao thông vận tải và sự mở rộng nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu.

Hầu hết nhu cầu bổ sung trong 3 năm tới sẽ đến từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, chiếm 85% mức tăng trưởng nhu cầu. Xu hướng này rõ rệt nhất ở Trung Quốc, nơi nhu cầu điện đang tăng nhanh hơn so với nền kinh tế nói chung kể từ năm 2020.

Được biết, tiêu thụ điện của Trung Quốc đã tăng 7% vào năm 2024, và được dự báo sẽ tăng trung bình khoảng 6% cho đến năm 2027. Sự gia tăng về nhu cầu ở Trung Quốc một phần được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp, bên cạnh các ngành truyền thống sử dụng nhiều năng lượng, ngành sản xuất tấm pin mặt trời, pin, xe điện và các vật liệu liên quan đang phát triển nhanh chóng cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, những yếu tố đóng góp khác là việc sử dụng điều hòa không khí, xe điện, các trung tâm dữ liệu và mạng 5G.

“Nhu cầu điện toàn cầu tăng tốc làm nổi bật những thay đổi đáng kể đang diễn ra trong các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới và cách tiếp cận “Kỷ nguyên điện” mới. Nhưng điều này cũng đặt ra những thách thức ngày càng tăng đối với các chính phủ trong việc đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn, giá cả phải chăng và bền vững”, Giám đốc Thị trường năng lượng và an ninh của IEA, ông Keisuke Sadamori nhận định.

Trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ thúc đẩy phần lớn mức tăng về nhu cầu điện toàn cầu trong những năm tới, thì mức tiêu thụ cũng được dự kiến sẽ tăng ở nhiều nền kinh tế tiên tiến sau một thời gian tương đối trì trệ. Các nhà hoạch định chính sách cần chú ý chặt chẽ đến những động lực thay đổi này. Đây là nội dung sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Tương lai của an ninh năng lượng, dự kiến được IEA tổ chức cùng Chính phủ Vương quốc Anh tại London vào tháng 4 tới đây.

Tại Mỹ, nhu cầu điện tăng mạnh được dự báo sẽ bổ sung thêm lượng điện tương đương với mức tiêu thụ điện hiện tại của California vào tổng mức tiêu thụ điện quốc gia trong 3 năm tới. Trong khi đó, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng khiêm tốn hơn ở Liên minh châu Âu (EU), chỉ tăng trở lại ở mức được ghi nhận hồi năm 2021, sau mức sụt giảm lớn trong các năm 2022 và 2023 do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra.

Cũng theo báo cáo nói trên, xét về tổng thể, sự tăng trưởng của các nguồn phát thải thấp, chủ yếu là năng lượng tái tạo và hạt nhân là đủ để đáp ứng toàn bộ mức tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu trong 3 năm tới. Đặc biệt, sản lượng điện từ quang điện mặt trời dự kiến sẽ đáp ứng khoảng một nửa tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu đến năm 2027, được hỗ trợ bởi chi phí tiếp tục được cắt giảm, cùng với sự hỗ trợ chính sách.

Đáng chú ý, vào năm 2024, sản lượng điện từ quang điện mặt trời đã vượt qua sản lượng điện từ than tại EU, với tỷ trọng điện mặt trời trong hỗn hợp điện vượt mức 10%. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đều dự kiến sẽ chứng kiến tỷ trọng điện mặt trời trong sản lượng điện hàng năm đạt 10% từ nay đến năm 2027. Đồng thời, năng lượng hạt nhân đang có sự trở lại mạnh mẽ, với sản lượng điện đang trên đà đạt mức cao mới hàng năm từ năm 2025 trở đi trong giai đoạn dự báo.

Với những xu hướng dự báo này, lượng khí thải CO2 từ sản lượng điện toàn cầu dự kiến sẽ ổn định trong những năm tới, sau khi tăng khoảng 1% vào năm 2024.

Đối với một số áp lực chính mà các hệ thống điện phải đối mặt vào năm 2024, bao gồm những cơn bão mùa đông ở Mỹ, bão lốc xoáy nhiệt đới ở Đại Tây Dương, tình trạng mất điện do thời tiết khắc nghiệt ở Brazil và Australia, và tình trạng hạn hán làm giảm thủy điện ở Ecuador, Colombia và Mexico. IEA cho rằng, những sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng phục hồi lớn hơn của các hệ thống điện.

THANH NGÂN (Lược dịch từ IEA)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/nhu-cau-dien-toan-cau-du-kien-se-tang-toc-trong-nhung-nam-toi-150813.html
Zalo