'Tiếp tục theo dõi xem có chiến tranh thương mại thế giới hay không'

Thủ tướng cho biết thế giới đang biến động rất nhanh, căng thẳng thương mại toàn cầu đã thấy rõ, trong khi có chiến tranh thương mại hay không cần tiếp tục theo dõi.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội chiều 14/2. Ảnh: Việt Linh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội chiều 14/2. Ảnh: Việt Linh.

Chiều 14/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8%; cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM; cơ chế đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; cũng như nội dung về đột phá phát triển khoa học công nghệ...

Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các nội dung này đều là những yêu cầu khách quan trong bối cảnh hiện nay. Tình hình thế giới hiện diễn biến rất nhanh, căng thẳng thương mại toàn cầu đã nhìn thấy rõ, trong khi có chiến tranh thương mại hay không cần tiếp tục theo dõi.

Tình hình trong nước cũng trải qua nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19, hậu quả sau đại dịch, xung đột ở các khu vực trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng... Đây đều là những biến động ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn, nhưng lại có độ mở cao.

Tăng trưởng 6-7%/năm thì khó đạt mục tiêu đề ra

Người đứng đầu Chính phủ cho biết Đại hội XIII đã đề ra 2 mục tiêu trăm năm gồm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045). Trong bối cảnh như vậy, bài toán để vượt qua các mục tiêu là rất khó khăn.

Tuy vậy, năm 2024, Việt Nam đã tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Các cân đối lớn của nền kinh tế, chính sách an sinh xã hội đều được đảm bảo.

Thủ tướng cho biết sau năm 2024, Chính phủ nhận thấy cần báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương có thể phấn đấu năm 2025 với các mục tiêu cao hơn, cụ thể là tăng trưởng 8% trở lên. Bởi nếu cứ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 6-7%/năm thì khó có thể đạt 2 mục tiêu trăm năm đã đặt ra.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tăng trưởng GDP sẽ kéo theo nhiều chỉ số như GDP bình quân đầu người, tổng giá trị GDP, tăng năng suất lao động...

Tăng trưởng hơn 8% là một thách thức rất lớn, bình quân thế giới năm nay dự báo chỉ trên dưới 3%, khu vực ASEAN cũng chỉ phấn đấu 4-4,5%

Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Tăng trưởng hơn 8% là một thách thức rất lớn, bình quân thế giới năm nay dự báo chỉ trên dưới 3%, khu vực ASEAN cũng chỉ phấn đấu 4-4,5%”, Thủ tướng nói.

Vừa qua Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các tỉnh, thành và bộ ngành liên quan trên cơ sở đề xuất của các địa phương.

“Cả nước phải tăng trưởng, các ngành phải tăng trưởng, địa phương phải tăng trưởng, doanh nghiệp phải tăng trưởng”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Dự kiến sau kỳ họp bất thường này của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục họp với các doanh nghiệp, hiệp hội Mỹ, ASEAN, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... để thúc đẩy tăng trưởng.

Giải pháp để GDP tăng 8% trở lên

Nói rõ hơn về giải pháp để đạt mức tăng trưởng tối thiểu 8% năm nay, Thủ tướng cho biết cần đưa tín dụng ra nền kinh tế, lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cao thì tăng trưởng tín dụng phải cao, kết hợp chính sách tài khóa như thuế, phí, lệ phí, thu chi ngân sách... Trong đó, phải tăng thu, giảm chi, có chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Với các chính sách tài khóa và tiền tệ như vậy, yêu cầu đặt ra có thể phải hy sinh một phần lạm phát. “Muốn đẩy tiền ra cho sản xuất kinh doanh thì phải chấp nhận một phần lạm phát cao hơn. Do đó, cần xin Quốc hội đồng ý nới lạm phát năm nay cao hơn một chút”, Thủ tướng nói.

Tuy vậy, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc tăng trưởng các chỉ tiêu tài chính kể trên vẫn đi kèm kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài.

Theo kế hoạch, năm nay cả nước sẽ triển khai một loạt dự án lớn, dự kiến giải ngân trên dưới 800.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, nên việc đi vay cũng như phát hành trái phiếu là cần thiết. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm vay được thì trả được. và vay cho đầu tư phát triển chứ không phải vay để tiêu dùng.

Giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư công cũng được thực hiện quyết liệt, vừa qua đã tháo gỡ một số vướng mắc ở các Luật: Đầu tư, Đấu thầu, Quy hoạch...

“Đầu tư công phải dẫn dắt đầu tư tư, nếu sử dụng không hiệu quả sẽ không khuyến khích được đầu tư tư nhân”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm tháo gỡ thể chế là “đột phá của đột phá”, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đấy, vướng mắc lúc nào tháo gỡ lúc đó, thuộc thẩm quyền của ai thì người đó phải quyết. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng chiến lược giao thông, hạ tầng số, y tế, giáo dục, văn hóa…

 Thủ tướng cho biết Hà Nội và TP.HCM đang rất quyết tâm phát triển bằng được hệ thống đường sắt đô thị. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thủ tướng cho biết Hà Nội và TP.HCM đang rất quyết tâm phát triển bằng được hệ thống đường sắt đô thị. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong việc triển khai hạ tầng giao thông, kỳ họp trước đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đến kỳ họp này Chính phủ trình Quốc hội thông qua tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đây là chiến lược để kết nối với Trung Quốc và châu Âu bằng đường sắt. Hiện các nước phát triển đều có hệ thống đường sắt phát triển mạnh.

Thủ tướng cho biết với tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Việt Nam cần chủ lực, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, bố trí vốn hợp lý để thực hiện. Do đó, cần thiết phải trình Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn ví dụ nếu triển khai theo các bước đấu thầu tư vấn, giám sát, thi công... thì mất rất nhiều thời gian.

“Người nào làm tốt trên thế giới ta đều biết cả, trong nước làm được gì ta đều biết cả, vấn đề ta phải cho cơ chế đặc thù để tiến độ làm nhanh, từ đó giảm chi phí, không đội vốn, không kéo dài. Tất nhiên cần phải thiết kế tăng cường giám sát, kiểm tra”, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị nên sẽ đề xuất xin cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống giao thông này tại Hà Nội và TP.HCM.

Phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ tăng trưởng

Trong bối cảnh hiện nay, để đạt mục tăng trưởng 8% trở lên, bên cạnh việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, Thủ tướng nhấn mạnh cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn động lực tăng trưởng mới là dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hiện Chính phủ đã trình một số cơ chế chính sách thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá khoa học công nghệ. Trong đó, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững.

Ngoài ra, Thủ tướng cho biết Đại hội XIII xác định khâu tổ chức thực hiện còn yếu, nên các vấn đề kể trên đều phải thực hiện nhanh, kịp thời, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào ra việc đó, làm việc phải tập trung.

Trong đó, đầu tư phải tập trung, không dàn trải. Khi phân công phải rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm và rõ trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Thủ tướng dẫn ví dụ dự án đường dây 500 kV mạch 3 vừa qua, nếu làm như trước đây mất tới 3-4 năm, nhưng vừa qua rút ngắn chỉ còn 6 tháng. Hay dự án sân bay Long Thành, trước đây có vướng mắc, cách tổ chức chưa được khoa học, nhưng 2 năm nay đã được thực hiện tích cực, có tổ chức.

Liên quan việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy, Thủ tướng nhấn mạnh không chỉ là sắp xếp cơ học mà mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho. Cắt đi một cấp là bớt đi một thủ tục hành chính, cộng với số hóa, nâng cao hiệu lực hiệu quả hiệu năng của bộ máy.

“Việc cải cách bộ máy hành chính lần này, kể cả bộ máy Đảng cũng là để phục vụ cho phát triển, cuối cùng người dân phải được hạnh phúc, ấm no, đất nước phải hùng cường, thịnh vượng, văn minh, giàu mạnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nói thêm về việc đẩy mạnh khoa học công nghệ để khai thác các không gian vũ trụ, không gian ngầm.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://znews.vn/tiep-tuc-theo-doi-xem-co-chien-tranh-thuong-mai-the-gioi-hay-khong-post1531598.html
Zalo