Nhật ký Trường Sa: Kỳ 1 - Hành trình đến Trường Sa
Trước thềm năm mới 2025, phóng viên Báo Bắc Kạn vinh dự được tham gia chuyến công tác cùng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân thăm, chúc Tết Xuân Ất Tỵ, tặng quà cho quân và dân trên đảo Trường Sa. Niềm mơ ước bấy lâu nay trở thành hiện thực. Vượt hành trình hơn 200 hải lý, chúng tôi đã đến đảo Trường Sa xanh tươi thắm đậm tình người, tràn đầy sức sống.
Đoàn công tác của chúng tôi rời cầu cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) vào cuối giờ chiều một ngày cuối năm. Những cánh sóng dập dờn soi chiếu với màu nắng cuối ngày tạo ra những tia sáng phản chiếu lấp lánh thật đẹp.
Sau những tiếng còi tàu vang xa. Âm thanh dõng dạc từ hệ thống loa truyền thanh truyền từ buồng lái đến các phòng vang lên: “Các bộ phận làm nhiệm vụ theo kế hoạch, báo cáo quân số tại các phòng đã bố trí. Các đồng chí phóng viên báo, đài ổn định vị trí và tinh thần, chúng ta bắt đầu hành trình đến đảo Trường Sa”. Chúng tôi nhận ra ngay đó là tiếng nói của đồng chí Thượng tá Mai Quang Tiên, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác.

Bữa cơm đầu tiên ăn trên tàu với nhiều kỷ niệm cùng các đồng nghiệp.
Trải nghiệm khó quên
Ngay khi lên tàu, chúng tôi nhận thông tin là sau khi tàu rời cảng khoảng 1 giờ đồng hồ thì sẽ không có sóng điện thoại, không có mạng internet nữa. Do vậy các phóng viên trên tàu mỗi người đều khẩn trương hoàn thiện các tin, bài của mình gửi để gửi về tòa soạn trong thời gian sớm nhất, sẵn sàng cùng đoàn công tác đi trong nhiều ngày không có sóng và mạng điện thoại. Sau khoảng một giờ di chuyển, chúng tôi cảm nhận rõ từng đợt sóng vỗ vào mạn thuyền mỗi lúc một lớn dần. Con tàu chênh vênh, nghiêng ngả, buộc lòng chúng tôi phải tạm tắt máy tính, máy điện thoại cho vào túi và vào tư thế “nằm im trên giường”.
Đội ngũ phóng viên trong lần đi này có 50 người đến từ cả 3 miền của Tổ quốc. Riêng phòng của chúng tôi có 04 phóng viên, được sắp xếp ngẫu nhiên ở với nhau gồm các tỉnh Bình Phước, Hà Tĩnh, Bắc Kạn (02 người). Đúng 18 giờ, tiếng loa ở trong phòng B5 của chúng tôi vang lên: “Đúng 18 giờ 30 phút, kính mời thủ trưởng và các đồng chí phóng viên báo, đài đến phòng ăn khu C của tàu để dùng cơm tối”.

Các món ăn trên tàu thường xuyên được thay đổi nên cũng dễ ăn.
Thực hiện “mệnh lệnh” đó, mấy anh em chúng tôi rời phòng để đến khu vực nhà ăn. Từ phòng nghỉ đến nhà ăn chỉ vài chục mét nhưng do gió to, sóng lớn, biển động nên chiếc tàu HQ-561 nghiêng ngả, chênh vênh, các phóng viên hai tay phải bám vào lan can dọc lối đi để di chuyển.
Những con sóng lớn như vẫn không ngừng thử sức chịu đựng của chúng tôi. Các thuyền viên, bộ phận nhà bếp đã sắp xếp gồm 08 mâm, mỗi mâm đủ cho 06 người ngồi và được xếp theo hai dãy bàn. Bữa ăn đầu tiên, khi ăn phải chủ động người thì giữ nồi canh, người giữ nồi cơm và người thì giữ khay thức ăn… nếu không mọi thứ trên bàn sẽ xô ra khỏi mâm do những đợt sóng đánh mạnh vào mạn tàu. Những người còn lại thì nhanh chóng ăn để thay thế việc giữ nồi cho những người còn lại ăn. Bữa cơm đầu tiên chỉ có khoảng một nửa phóng viên đến ăn, những người còn lại bị say sóng, chóng mặt không thể đến được nhà ăn mà phải nhờ anh em cùng phòng lấy cháo hoặc mì tôm về ăn tạm.
Sau bữa ăn tối “khắc nghiệt” đầu tiên, trở về phòng chúng tôi lại đi vào trạng thái “nằm im” hai tay bám chặt hai bên thành giường chống việc bị “bắn” ra khỏi giường. Sau khi ổn định sức khỏe mấy anh em trong phòng bắt đầu rủ nhau ra phía trước tàu ngắm cảnh biển về đêm khi con tàu đã bớt gặp sóng lớn. Trong ánh sáng mờ giữa mênh mông biển cả, mũi tàu HQ - 561 cứ nhô lên rồi ngụp xuống cắt ngang những đợt sóng với sức mạnh phi thường để tiến về phía đảo Trường Sa thân yêu.
Đến "Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa chào đón đoàn công tác tại cầu cảng đảo Trường Sa.
Sau hơn 3 ngày rời cảng Cam Ranh, vượt ngàn trùng sóng vỗ, chúng tôi cũng đã đến đảo Trường Sa, cảnh bình minh trên biển thật đẹp. Khác với những gì chúng tôi hình dung khi chưa đến, phía trước mắt chúng tôi là một đảo xanh tươi, xinh đẹp, sạch sẽ, hiền hòa, hiên ngang bất khuất, tràn đầy sức sống, nơi đây được xem như “Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Từ trên tàu nhìn về phía đảo Trường Sa, hòn đảo nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa biển Đông, nơi đây vẫn luôn là điểm dừng chân lý tưởng cho các con tàu vượt qua bão tố, từng in dấu ấn của những con tàu thuộc Đoàn tàu không số trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, chi viện cho chiến trường miền Nam góp phần vào đại thắng năm 1975, thống nhất đất nước.

Cán bộ, chiến sĩ đến làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa đưa hành lý lên đảo Trường Sa.
Đảo Trường Sa là đảo lớn trong cụm đảo Trường Sa có diện tích hơn 48ha, chiều dài của đảo gần 1.500m, chiều rộng hơn 500m. Ở đây mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 của năm sau. Khu vực ở quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, có giá trị kinh tế cao nên nhiều tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên đến khai thác thủy hải sản. Chính điều kiện trên đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ năm 1995 của Viện Khảo cổ học Việt Nam là căn cứ lịch sử pháp lý đanh thép để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.
Theo chia sẻ của đồng chí Thượng Tá Phạm Tiến Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên, Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa, đảo Trường Sa: Trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi đây đều xem “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Tuy còn vất vả, khó khăn nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội, tình quân - dân luôn nồng thắm, bền chặt. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, nâng cao công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ./. (còn nữa)