Nhớ Yersin giữa miên man hoa thành phố sương mù

Đường phố Đà Lạt những năm gần đây được trồng nhiều ngân hoa, góp thêm hương sắc bên cạnh những loài cây gợi nỗi nhớ da diết về xứ cao nguyên như mai anh đào, phượng tím, ban trắng…

1. Ngân hoa có nguồn gốc từ châu Úc, cao lừng lững, thân gỗ đỏ xám, lá màu lục sẫm, phủ lớp lông tơ óng ánh ở chồi non và mặt dưới lá. Mỗi khi đi trên đường, tôi thường ngước nhìn tán lá lấp lánh trong ánh nắng vàng ươm. Hàng ngân hoa hình tháp lặng lẽ đứng từ hạ sang thu, đợi cuối đông liền bung sắc nâu vàng, thắp lên hàng triệu đốm lửa sưởi ấm đất trời phố núi. Còn nhớ năm đầu tiên trở thành công dân của xứ sương mù, tôi được chiêm ngưỡng cảnh sắc đặc biệt, khi mai anh đào, phượng tím và ngân hoa đồng loạt khoe sắc với những gam màu sinh động. Hồng, tím, nâu vàng, trên nền trời xanh thẳm, tạo nên bản phối màu đặc sắc.

Tượng Alexandre Yersin trong công viên mang tên ông.

Tượng Alexandre Yersin trong công viên mang tên ông.

Thành phố sương mù có nhiều tuyến đường trồng ngân hoa, Đinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hồ Tùng Mậu… Nhưng với tôi, đẹp nhất là đường Yersin, với những quãng quanh co lên xuống ôm lấy sườn đồi, hình thành nhiều góc đẹp ngắm hoa nở rộ. Nơi tôi ưa thích là đoạn dốc nhìn về đường Nguyễn Trãi, từ cao độ này, có thể phóng tầm mắt bao quát thung lũng phía dưới. Ngân hoa trổ bông khá sớm trên con đường này, khi những tuyến khác vẫn còn màu xanh thì nơi đây đã bung biêng sắc nâu vàng ấm áp.

Nhưng đường Yersin không chỉ có ngân hoa, dọc cung đường còn có những công trình mang đậm dấu ấn Đà Lạt từ khi hình thành.

Đầu tiên phải kể đến Trường Lyceé Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), ở số 109. Công trình được Hội Kiến trúc thế giới chọn là kiến trúc tiêu biểu của nhân loại trong thế kỷ XX, và là công trình duy nhất Việt Nam góp mặt trong số 1.000 công trình được chọn. Ngôi trường cũng đánh dấu bước chuyển mình của đô thị Đà Lạt từ chức năng nghỉ dưỡng sang trung tâm giáo dục của cả nước, kéo dài hơn hai thập niên.

Trước đó trường mang tên Grand Lyceé Dalat, đến năm 1935, vào dịp khánh thành được đặt tên Lyceé Yersin, để ghi nhớ công lao của nhà thám hiểm Alexandre Yersin với đô thị Đà Lạt. Đây là ngôi trường trung học Pháp thứ ba của cả nước sau Hà Nội và Sài Gòn, dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có lúc bấy giờ. Trường do kiến trúc sư Paul Moncet thiết kế và giám sát xây dựng, ông cũng là người thiết kế nhà ga Đà Lạt cách đó không xa. Điểm nhấn của trường là dãy giảng đường chính hình vòng cung mềm mại ôm lấy khoảng sân rộng. Đường cong của dãy nhà được ví như hình ảnh một cuốn sách đang mở ra, biểu tượng của tri thức trải rộng.

Tháp chuông cao 54 mét ở cuối dãy hướng về hồ Xuân Hương, gợi nhớ hình ảnh tháp chuông tòa thị chính Stockholm, quê hương của Yersin. Tháp có hình cây bút tượng trưng cho khát vọng trí tuệ vươn lên. Đứng bất cứ đâu ở trung tâm thành phố, đều có thể nhìn thấy đỉnh tháp, vươn cao giữa rừng thông xanh mướt. Đánh giá công trình kiến trúc này, Báo Đông Dương (Indochine) bấy giờ đã viết: "Đó là một ngôi nhà lớn mà không ai ở Đà Lạt có thể bỏ qua".

Từ trường Lyceé Yersin nhìn xuống, là Nha địa dư (nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt), tọa lạc tại số 102.

Công trình nằm trên sườn dốc thoải, được xây dựng trong bốn năm, từ năm 1939. Tòa nhà đồ sộ gồm 5 tầng (bao gồm tầng hầm và tầng áp mái), tường bằng đá granite kiên cố dày cả mét, mái ngói có độ dốc khá lớn theo kiến trúc vùng Normandie miền Tây Bắc nước Pháp, lại giống dáng dấp của dãy núi Lang Bian, tạo nên vẻ uy nghi, phù hợp với tính chất của công trình hành chính quốc gia. Một công trình khác cũng thiết kế phỏng theo đỉnh Lang Bian, là nhà ga Đà Lạt, góp phần tạo nên kiến trúc châu Âu mang phong cách Đà Lạt cho thành phố. Tòa nhà như một hình khối vuông vức, với nhiều ô cửa sổ. Trong khi tầng trệt là cửa vòm kích thước lớn, thì ở tầng hai, tầng ba là những ô cửa sổ vuông vức đều nhau, đặc biệt là các ô cửa trổ trên chóp mái, tạo điểm nhấn duyên dáng cho cả công trình.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Trường Lyceé Yersin).

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Trường Lyceé Yersin).

Nha địa dư thực hiện nhiệm vụ trắc địa, đo, vẽ, in ấn tất cả các loại bản đồ cho toàn cõi Đông Dương. Hiện nay, nó vẫn duy trì chức năng đó, cộng thêm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Nơi đây cũng là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, được bảo vệ nghiêm ngặt, nên người thưởng lãm chỉ có thể ngắm từ xa.

Chiếm vị trí đầu tiên của đường Yersin là Khách sạn Công đoàn, nằm trên quả đồi sát hồ Xuân Hương lộng gió, nhìn toàn cảnh thành phố. Kiến trúc mang dáng dấp vùng Bretagne với các khối tường đầu hồi tam giác vững chắc và mạnh mẽ. Các biệt thự xây dựng từ năm 1936, là nơi ở của bác sĩ Lemoine, sau đến bác sĩ Sohier lập dưỡng đường tư. Ngày nay, dù mật độ dân cư Đà Lạt khá đông với nhiều dãy nhà, hàng quán san sát, thì nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ tĩnh lặng, bao quanh bởi rừng thông thơ mộng, cùng những biệt thự đặc trưng phố núi, Tường Vi, Phượng Tím, Sơn Cước…

Gần Khách sạn Công đoàn là khu bánh căn nổi tiếng, với nhiều cái tên quen thuộc, Lệ, Mi, Pé Tò Vò... Ai cũng biết bánh căn là món ăn đặc sản của vùng biển Phan Rang, lại được ưa thích tại Đà Lạt. Có lẽ do cái lạnh thâm u của núi rừng khiến người ta muốn tìm đến cảm giác ấm nóng bên bếp lửa hồng, thong thả ngồi đợi chủ quán đổ bột vào khuôn rồi tỉ mỉ gỡ ra từng chiếc nóng hổi.

Phía cuối đường, là Trung tâm Thể thao Đà Lạt, còn gọi là Thao trường Lâm Viên. Nơi đây luôn sôi nổi hoạt động của người yêu thể thao, đặc biệt là thanh thiếu niên, khác hẳn vẻ thâm trầm cổ kính ở đầu đường. Khu thể thao nằm trên con đường mang tên nhà thám hiểm lừng danh, có lẽ có chủ ý của những người quy hoạch thành phố.

Bản thân đường Yersin trải qua nhiều lần đổi tên. Ban đầu, đoạn từ hồ Xuân Hương đến Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt mang tên Albert Sarraut, vị Toàn quyền Đông Dương trong 2 nhiệm kỳ (1911 - 1913 và 1917 - 1919), sau trở thành Thủ tướng Pháp. Ông cũng là người thông qua sắc lệnh chia Lang Bian thành "khu dành riêng" và "vùng được bảo vệ" để vừa duy trì việc săn bắn vốn làm nên danh tiếng và góp phần quan trọng vào nền kinh tế Đà Lạt lúc bấy giờ, với việc bảo tồn thiên nhiên, giữ cho đô thị cao nguyên vẻ đẹp và sự phong phú các loài động vật hoang dã. Đến năm 1953, đường đổi tên thành Thống Nhất. Năm 1993, thành phố kỷ niệm 100 năm, con đường mang tên Yersin để tưởng nhớ công lao của ông; năm 2002 thêm một đoạn từ Trường Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt đến đường Nguyễn Đình Chiểu.

Một công trình tưởng niệm khác là bức tượng bán thân đặt trong công viên mang tên ông. Công viên nằm ngay đầu đường Yersin. Bức tượng do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tạc từ tảng đá hoa cương nặng 36 tấn, quà của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng Đà Lạt, dịp thành phố kỷ niệm 115 năm. Tượng được tạc theo phong cách cận hiện đại châu Âu, tạo từng mảng khối lớn, giản lược những tiểu tiết, đặt trong công viên đầy màu sắc của hoa lá cây cỏ, nhìn về hồ Xuân Hương, đồi Cù xanh mướt, phông nền là dãy Lang Bian quanh năm mây phủ, tạo nên điểm nhấn cho không gian thành phố. Bức tượng đặt gần đường, người dân và du khách qua lại dễ dàng chiêm ngưỡng.

2. Nhắc tới Đà Lạt, có lẽ không thể không nói tới nhà thám hiểm, bác sĩ Alexandre John Emile Yersin (1863 - 1943). Cuộc đời của ông như một huyền thoại với những đóng góp mang tính lịch sử cho nhân loại, tìm ra độc tố vi khuẩn bạch hầu, phát hiện trực trùng và điều chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch, nghiên cứu vi trùng động vật và các bệnh nhiễm trùng gia súc, đưa cây cao su, canh ki na vào Đông Dương, xây dựng các trại chăn nuôi thuộc Viện Pasteur Đông Dương, thành lập Viện Pasteur Nha Trang, Trường Y Đông Dương…

Nếu Nha Trang được ông chọn là nơi để sinh sống và làm việc, với vai trò là một bác sĩ vĩ đại, thì Đà Lạt lại ghi dấu chân ông với tư cách một nhà thám hiểm lừng lẫy. "Ngày 21/6/1893: Tôi xúc động sâu sắc khi vượt khỏi rừng thông đã đối diện một cao nguyên mênh mông, nhấp nhô, hoang vu, không cây cối, có dáng hình một vùng biển xao động mãnh liệt bởi một loạt sóng nhấp nhô màu xanh. Dãy núi Lang Bian đứng sừng sững phía chân trời Tây Bắc của cao nguyên làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ hùng vĩ".

Nhờ lần khám phá này mà Trạm điều dưỡng Lang Bian hình thành, tạo nên thành phố Đà Lạt ngày nay.

Đây không phải là chuyến thám hiểm đầu tiên của Yersin lên cao nguyên, hai năm trước đó, khi đang làm bác sĩ trên con tàu từ Sài Gòn đi Hải Phòng, lúc cập bến Nha Trang, ông lên bờ, đi dọc duyên hải đến Phan Rí và theo đường mòn đến ngọn đèo gần Djiring (Di Linh). Ông định băng rừng đến Sài Gòn để tìm đường bộ nối Nha Trang với Sài Gòn, nhưng không kịp giờ tàu khởi hành, đành xuống Phan Thiết dùng thuyền buồm ra Nha Trang. Nên nhớ rằng giai đoạn cuối thế kỷ XIX, những vùng đất bên dãy Trường Sơn rất hoang vu, chỉ vài bộ tộc sinh sống. Thế mà một người ngoại quốc trẻ tuổi như Yersin, chưa hiểu biết ngôn ngữ, tập tục dân bản địa, vẫn dấn thân giữa chốn rừng thiêng nước độc đầy rẫy thú dữ. Trên đường từ Lang Bian xuôi về vùng biển, ông từng suýt mất mạng khi đụng phải voi rừng hung hãn và toán cướp, đồng thời bị căn bệnh sốt rét hành hạ.

Cao nguyên Lang Bian còn là nơi ông trồng thành công cây canh ki na để chiết xuất ra Quinine, phương thuốc duy nhất chữa bệnh sốt rét lúc bấy giờ.

Sau bao năm, dù thân xác an nghỉ miền duyên hải, có lẽ linh hồn ông thi thoảng vẫn ngao du chốn đại ngàn, để ngắm vùng đất mà mình đặt những bước chân đầu tiên…

Hoàng Ngọc Thanh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nho-yersin-giua-mien-man-hoa-thanh-pho-suong-mu-i759479/
Zalo