Người lính tăng năm xưa: Hòa bình đẹp lắm

'Giờ đây, khi nhìn thấy những công trình hiện đại vươn giữa trời xanh, những khu công nghiệp sầm uất, những lớp học tràn đầy tiếng cười, chúng tôi hiểu rõ giá trị của hòa bình', ông Nguyễn Văn Tập - người lái xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập - xúc động nói.

 Ông Nguyễn Văn Tập và chiếc xe tăng 390 năm xưa. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Văn Tập và chiếc xe tăng 390 năm xưa. Ảnh: NVCC.

Trong căn phòng của Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM), ông Nguyễn Văn Tập - người chiến sĩ năm xưa cùng đồng đội lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập - lặng nhìn dòng người nườm nượp tiến vào tham quan di tích. Khoảnh khắc yên bình trước mắt khiến ông chợt nghĩ về những gian khó bản thân đã trải qua để có được ngày hôm nay - sống trong đất nước không còn tiếng súng.

“Chúng tôi chiến đấu để giành lấy độc lập, để nhân dân có cuộc sống mới, ấm no và hạnh phúc hơn. Nhìn lại nửa thế kỷ đã qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, tôi thấy rõ cuộc sống của người dân mình đã thay đổi, tốt đẹp hơn rất nhiều. Tôi tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của dân tộc ta”, người lính ấy cất lời.

Chiến đấu để thế hệ sau được sống trong hòa bình

Mỗi năm, vào dịp 30/4, những cựu chiến binh như ông Nguyễn Văn Tập, lại có dịp hội ngộ. Họ ngồi cùng nhau ôn lại những ký ức thiêng liêng của một thời khói lửa. Suốt 50 năm qua, truyền thống gặp mặt ấy được duy trì, như một sợi chỉ đỏ gắn kết quá khứ và hiện tại, nhắc nhớ về những hy sinh lớn lao của biết bao thế hệ.

Tại buổi gặp gỡ năm nay, ông Nguyễn Văn Tập không giấu được niềm xúc động. "Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi như sống lại những giờ khắc lịch sử. Nhớ lắm, tự hào lắm, nhưng cũng rất đỗi bùi ngùi", người lính lái xe tăng 390 tâm sự.

Nửa thế kỷ trôi qua, ông Nguyễn Văn Tập vẫn luôn tâm niệm rằng chiến công năm 1975 không phải của riêng một đơn vị nào, đó là thành quả chung của cả dân tộc, được đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt và máu xương. “Với sự trân trọng và khiêm nhường, tôi chỉ là một trong những người may mắn còn sống sót để ghi lại, để tiếp nối câu chuyện của những đồng đội đã ngã xuống”, ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ.

 Từ trái qua phải: Ông Ngô Sỹ Nguyên, ông Vũ Đăng Toàn, ông Nguyễn Văn Tập trong ngày gặp lại tại Di tích lịch sử Dinh Độc Lập. Ảnh: TTXVN.

Từ trái qua phải: Ông Ngô Sỹ Nguyên, ông Vũ Đăng Toàn, ông Nguyễn Văn Tập trong ngày gặp lại tại Di tích lịch sử Dinh Độc Lập. Ảnh: TTXVN.

Nhắc đến Sài Gòn hôm nay - Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại và tràn đầy sức sống - ông Tập vui mừng trước sự đổi thay to lớn. Trong trí nhớ của ông, cách đây hàng chục năm, đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu. Chiến tranh kéo dài, nhân dân khổ cực, đâu có thời cơ để xây dựng. Giờ mọi thứ đã khác, nhà cửa khang trang, công trường, xí nghiệp mọc lên nhiều lắm. Cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Với những người lính năm xưa, niềm vui không chỉ là chiến thắng, mà còn là chứng kiến một cuộc sống mới hòa bình, hạnh phúc, các thế hệ sau có cơ hội xây dựng đất nước. "Chiến đấu là để giành độc lập. Nhưng độc lập là để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn", ông Nguyễn Văn Tập khẳng định.

Lời nhắc thế hệ trẻ

Khi được hỏi về ký ức năm xưa cùng đồng đội, ông Nguyễn Văn Tập nhớ về giây phút thiêng liêng khi cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập trong tiếng hô vang "Tiến lên!", tiếng gầm rú của động cơ xe tăng và khói lửa mịt mù chiến trận. Kíp xe tăng 390 ngày đó gồm ông Vũ Đăng Toàn - nguyên Đại đội trưởng, Trưởng xe tăng 390, ông Nguyễn Văn Tập - Lái xe tăng 390, ông Ngô Sỹ Nguyên - Pháo thủ số 1. Tham gia kíp xe tăng 390 đánh chiếm Dinh Độc Lập thời điểm đó còn có ông Lê Văn Phượng (đã qua đời).

Từ Long Bình, ông Tập và đồng đội vượt qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, Thủ Dầu Một, rồi đánh chiếm cầu Sài Gòn trong mưa bom bão đạn. Vượt lên những chướng ngại, tiến về trung tâm, xe tăng 390 của ông cùng chiếc 843 của đồng đội dũng mãnh mở đường vào Dinh Độc Lập. Khi tiếng động cơ vang vọng khắp đại lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Dinh Độc Lập hiện ra trong tầm mắt, trái tim những người lính trẻ như ông như muốn vỡ òa.

 Tác phẩm Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam của Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã ghi lại hành trình của những người lính tăng tiến vào Dinh Độc Lập tháng 4/1975. Ảnh: NXB Trẻ.

Tác phẩm Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam của Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã ghi lại hành trình của những người lính tăng tiến vào Dinh Độc Lập tháng 4/1975. Ảnh: NXB Trẻ.

“Ngày đó, chúng tôi chỉ biết chiến đấu, giữ vững niềm tin vào một ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Giờ đây, khi nhìn thấy những công trình hiện đại vươn cao giữa trời xanh, những cây cầu nối liền đôi bờ, những khu công nghiệp sầm uất và những lớp học tràn đầy tiếng cười, tôi mới cảm nhận rõ nét giá trị của sự hy sinh của đồng đội, thế hệ đi trước”, ông Nguyễn Văn Tập nói.

Mỗi bước đi của đất nước hôm nay đều thấm đẫm mồ hôi của biết bao người đã ngã xuống. Vì thế, mỗi lần trở lại Dinh Độc Lập, ông lại thấy tim mình run lên vì xúc động, như thể đang sống lại thời khắc lịch sử ấy, khi chiến thắng vừa reo vui thì nhiệm vụ mới lại tiếp nối.

Ông Tập ôn ký ức về quá khứ không để kể công mà để nhắc nhở thế hệ sau rằng độc lập, tự do là giá trị thiêng liêng phải được trân trọng. “Tôi mong những câu chuyện năm xưa sẽ được thế hệ trẻ tiếp tục kể lại bằng tất cả sự trung thực và trái tim nhiệt thành, để từ đó thắp lên ngọn lửa yêu nước, để mỗi bước tiến của đất nước đều gắn với lòng biết ơn những người đi trước”, người lính lái xe tăng 390 năm nào tâm sự.

Đứng giữa TP.HCM phồn thịnh hôm nay, ông Nguyễn Văn Tập lặng lẽ gửi lời chúc cho đất nước mãi mãi trường tồn, cho khát vọng hòa bình và thịnh vượng luôn ngân vang như bản giao hưởng bất tận trong lòng dân tộc Việt Nam.

Huy Anh

Ảnh: Việt Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-linh-tang-xuc-dong-nhin-dat-nuoc-buoc-ra-tu-chien-tranh-post1549307.html
Zalo