Từ nhịp chày kháng chiến đến tiếng máy nông thôn mới

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ những ngày bom đạn cày xới rừng già, nhưng ở Sóc Bom Bo – vùng đất từng là căn cứ kháng chiến nổi tiếng của tỉnh Bình Phước – ký ức về một thời 'giã gạo nuôi quân' vẫn vẹn nguyên. Những đêm thức trắng của đồng bào S'tiêng bên ánh đuốc lồ ô, tiếng chày vang vọng giữa đại ngàn, nay đã trở thành biểu tượng văn hóa – lịch sử. Và giữa bước chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn mới, Bom Bo hôm nay tiếp tục khẳng định mình, đang từng ngày đổi mới, giữ gìn hồn cốt quê hương.

Âm vang lịch sử – Bom Bo một thời không ngủ

Bom Bo – một chiều tháng Tư rực nắng. Từ quốc lộ 14 rẽ vào, con đường nhựa đen bóng mới đổ dẫn tôi băng qua những triền đồi điều xanh mướt đến với thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng - Bình Phước – nơi đã khắc sâu vào lòng dân tộc Việt Nam bằng câu chuyện đồng bào S’tiêng đốt đuốc giã gạo nuôi quân suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Già làng Điểu Nên hồi tưởng quá khứ hào hùng

Già làng Điểu Nên hồi tưởng quá khứ hào hùng

Già làng Điểu Nên đã ngoài 80 tuổi là một nhân chứng sống của lịch sử. Trong căn nhà mộc mạc, già vuốt nhẹ vào chiếc chày gỗ cũ, kể lại: “Vào đầu thập niên 1960, trước sức ép khốc liệt từ chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy, người S’tiêng ở Sóc Bom Bo không những không khuất phục, mà còn đồng loạt nổi dậy phản kháng. Chúng tôi quyết không vào ấp chiến lược, dù bị địch đe dọa, đàn áp. Hơn 100 nhân khẩu – già trẻ, gái trai – lặng lẽ rời sóc, băng rừng, vượt suối tìm vào căn cứ “Nửa Lon”, nơi suối Đắk Nhau đổ về, để sống cùng cách mạng. Bỏ rẫy, bỏ nhà, bỏ hết. Chỉ mang gùi, gạo, chày cối theo. Ở nơi mới, bà con vừa dựng lán, vừa tăng gia, vừa giã gạo nuôi bộ đội. Tiếng chày là hiệu lệnh của lòng tin, là lời hứa với cách mạng”.

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Nhạc sĩ Xuân Hồng, trong một lần cùng hành quân qua vùng căn cứ, đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo như một bản hùng ca giữa núi rừng đại ngàn. Từ đó đến nay, cái tên Bom Bo không chỉ là một địa danh, mà đã trở thành biểu tượng sống động của lòng dân với cách mạng, của tình quân dân keo sơn trong thời khói lửa.

Bom Bo hôm nay – giữ ký ức, viết tương lai

Đi giữa Bom Bo hôm nay, dễ dàng bắt gặp những đổi thay rõ nét: nhà cửa khang trang, đường bê tông nối liền từng thôn bản, điện sáng đến từng hộ dân. Sóc cũ giờ là thôn Bom Bo thuộc xã Bình Minh, mang trên mình một diện mạo mới nhưng vẫn lưu giữ đậm đà những giá trị văn hóa truyền thống.

Đông đảo du khách tham quan nhà trưng bày của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Đông đảo du khách tham quan nhà trưng bày của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Một trong những công trình tiêu biểu tại đây là Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, được tỉnh Bình Phước đầu tư gần 200 tỷ đồng trên diện tích hơn 113ha. Nơi đây được thiết kế theo phong cách bản địa, với nhà dài truyền thống, làng nghề dệt thổ cẩm, khu đan lát, rèn dao… xen kẽ giữa rừng điều, tạo nên một không gian vừa mộc mạc, vừa sinh động. Khu vực còn có trường học, nhà cộng đồng, khu tái định cư cho người dân và đặc biệt là khu nghỉ dưỡng homestay mang phong cách nhà sàn truyền thống – thoáng mát, đầy đủ tiện nghi, thích hợp để du khách trải nghiệm trọn vẹn đời sống người bản địa.

Bên trong nhà trưng bày, những chiếc cối chày, bếp lửa, bộ cồng chiêng, đàn đá lớn nhất Việt Nam… được lưu giữ trang trọng. Du khách đến đây không chỉ tham quan mà còn được nghe kể chuyện buôn sóc, nếm thử cơm lam, thịt nướng, rượu cần – những đặc sản làm nên hồn cốt S’tiêng. Ông Lâm Hạnh Nguyên – người bảo vệ khu bảo tồn tự hào giới thiệu từng hạng mục: “Mỗi dịp lễ hội như “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”, người dân khắp vùng và du khách lại về đây. Có lễ mừng lúa mới, lễ kết bạn cộng đồng, lễ cưới S’tiêng… vừa để gìn giữ văn hóa, vừa làm du lịch bền vững”.

 Bộ đàn đá của đồng bào S’tiêng được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Bộ đàn đá của đồng bào S’tiêng được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Không chỉ gìn giữ truyền thống, người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào S’tiêng, vẫn đang nỗ lực vươn lên. Thôn Bom Bo có 362 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó 155 hộ là người S’tiêng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%, hộ khá – giàu chiếm khoảng 60%. Gần như toàn bộ hộ dân đều có điện, nước sạch; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Ông Điểu Hoàng, người dân địa phương – vui vẻ chia sẻ: “Ngày xưa là tiếng chày, giờ là tiếng máy. Máy xay điều, máy kéo rẫy, máy chế biến nông sản. Con em mình giờ học xong không đi làm thuê nữa mà ở lại làm du lịch, mở quán, lập hợp tác xã”.

Ông Bùi Anh Tùng - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2021, chính quyền tiếp tục định hướng phát triển du lịch cộng đồng, khai thác sản phẩm OCOP như mứt điều, rượu cần, thổ cẩm… Chúng tôi không chỉ muốn giữ trong ký ức, mà còn đưa Bom Bo thành điểm đến tiêu biểu của du lịch văn hóa vùng Đông Nam Bộ”.

Đường vào Sóc Bom Bo

Đường vào Sóc Bom Bo

Chiều muộn, tôi rời Bom Bo khi ánh nắng đã ngả vàng trên những rặng điều xanh. Tiếng chày giã gạo không còn vang vọng như xưa, nhưng thay vào đó là tiếng trẻ học bài, tiếng máy móc chạy rì rì trong xưởng, tiếng cồng chiêng hòa cùng tiếng lòng biết ơn – tất cả tạo nên một bản hòa âm mới của nông thôn hiện đại. Bom Bo – từ một ngôi làng trong rừng sâu với ánh đuốc lồ ô bập bùng, nay đã trở thành biểu tượng sống động của tinh thần đổi mới và gìn giữ. Một “nhịp chày mới” – của máy móc, của tri thức, của ý chí vươn lên – đang được gõ vang giữa lòng đại ngàn, như một lời hứa hẹn rằng: nơi đây, quá khứ và tương lai sẽ luôn song hành, bền chặt.

Tiến Dũng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tu-nhip-chay-khang-chien-den-tieng-may-nong-thon-moi-post545838.html
Zalo