'Điều lớn lao còn lại hôm nay'...

Tour xuyên Việt đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Duy là một trong số các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) của các văn nghệ sĩ trên toàn quốc. Đi dọc dải đất 'hình chữ S', từ TP Hồ Chí Minh qua Nha Trang, Huế, chương trình đọc thơ của Nguyễn Duy ở Thanh Hóa được tổ chức vào đúng đêm 30/4 ở công viên Hội An.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Duy. Ký họa của Lê Hải Anh

Chân dung nhà thơ Nguyễn Duy. Ký họa của Lê Hải Anh

"Nguyễn Duy đi thẳng từ mặt trận lên mặt báo"

Mỗi người, tùy theo hoàn cảnh, số phận và cảm thức sẽ có cách nhớ về thời điểm tháng 4 năm 1975. Cách riêng của Nguyễn Duy là thực hiện chương trình đọc thơ, ngâm thơ của chính mình sáng tác sau thời điểm 30/4/1975 (trừ bài “Tre Việt Nam” viết trong các năm 1970 - 1972, đã in trong tập “Cát trắng” năm 1973).

Nguyễn Duy sinh năm 1947 tại Thanh Hóa. Năm 1965, ông từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam. Năm 1966 ông nhập ngũ, trở thành lính đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới phía Bắc (năm 1979).

Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi đang còn là học sinh Trường cấp 3 Lam Sơn (Thanh Hóa). Năm 1973, ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam trong tập “Cát trắng”. Đặc biệt nhiều bài thơ của ông ra đời từ những năm tháng chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị, mà nhà phê bình Hoài Thanh khẳng định: “Thơ Nguyễn Duy đi thẳng từ mặt trận lên mặt báo”. Ông đã trở thành một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước.

Sau ngày 30/4/1975, ông chuyển sang công tác ở Báo Văn Nghệ Giải Phóng và Báo Văn Nghệ cho đến khi nghỉ hưu. Nguyễn Duy đã xuất bản 18 tập thơ và 3 tập văn xuôi. Năm 2007, ông được trao tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật.

Nói đến Nguyễn Duy, người yêu thơ nhớ ngay bài thơ “Tre Việt Nam”. Bài thơ lục bát này đã có sức sống hơn nửa thế kỷ, thể hiện vẻ đẹp và ý chí Việt Nam vừa mềm mại vừa kiên cường. Đồng thời, cũng từ đó khẳng định thương hiệu thơ lục bát Nguyễn Duy. Đặc biệt, ông luôn có ý thức đưa thơ đến gần với công chúng, qua các dự án trình diễn, triển lãm thơ và làm lịch thơ.

Nhìn lại nửa thế kỷ non sông liền một dải

Đọc thơ là cách để nhà thơ Nguyễn Duy nhớ về những ngày chiến tranh, nghĩ về thân phận của con người, về tình bạn - tình yêu - tình đồng đội, về niềm lạc quan cần nhiều thử thách và về niềm hy vọng lúc đầy, lúc vơi...

Trong “Đêm thơ Nguyễn Duy” tại Thanh Hóa, ông trình bày 7 bài.

“Tìm thân nhân” là bài thơ đầu tiên Nguyễn Duy sáng tác tại miền Nam vào tháng 10/1975 viết tặng mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài thơ gửi gắm ý niệm đầy nhân văn, thể hiện sâu sắc tình yêu Tổ quốc, sự kết nối của con người với nhau: "Hai mươi mốt năm dài/ Không có ai ngồi chờ đợi ai/ Không có ai ngồi nhớ mong hoài/ Nam đi tìm Bắc/ Bắc đi tìm Nam/ Tìm nhau dưới bể/ Tìm nhau trên ngàn/ Tìm nhau trong mỗi việc mình làm/... Ơi ai không gặp thân nhân/ Xin tới cùng tôi trong mái nhà ấm áp/ Cùng tôi hát lên lời ca này/ điều lớn lao còn lại hôm nay/ Là nguyên vẹn/ Nhân Dân/ Tổ quốc/ Ta hành hương trên đất đai sum họp/ Nơi nào cũng có thân nhân".

Nguyễn Duy đọc thơ ở TP Hồ Chí Minh, điểm khởi đầu trong hành trình đọc thơ xuyên Việt. Ảnh: Chi Anh

Nguyễn Duy đọc thơ ở TP Hồ Chí Minh, điểm khởi đầu trong hành trình đọc thơ xuyên Việt. Ảnh: Chi Anh

“Cầu Bố” được viết năm 1983, gợi nhắc lại hình ảnh người cha cùng “vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn / Ai thấy nữa ông già đầu bạc xóa/ Đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn”. Nhưng “Con đường chiến tranh còn ngoằn ngoèo trong ruột/ Càng thêm say hương rượu nếp thanh bình” là sự ám ảnh khôn cùng đối với những người đã chứng kiến bao khó khăn, mất mát.

Cũng trong năm 1983, trở về quê thăm bà ngoại sau bao năm xa cách nhưng bà đã không còn, nhà thơ Nguyễn Duy đã sáng tác bài “Đò Lèn”. Như những nét vẽ rất thực, rất đậm, hình ảnh người bà thật gần gũi và cũng đầy ngậm ngùi: “Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại/ Dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi/ Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”.

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” ra đời năm 1986. Bài thơ là nỗi hoài niệm về mẹ và những năm tháng tuổi thơ. Theo lời của nhà thơ Nguyễn Duy, đó là buổi giỗ mẹ của ông. Mất mẹ sớm đã gợi trong ông những cảm xúc buồn bã và sâu sắc về hình ảnh mẹ. Ông tìm kiếm mẹ trong tâm tưởng vì không có cơ hội được ở bên mẹ suốt đời. Nỗi buồn và xót xa vô hạn: “Nhìn về quê mẹ xa xăm/ Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa”.

Những bài thơ ông viết về quê hương Thanh Hóa luôn là sự ngọt ngào, là những hình ảnh trong veo với những người thân yêu gần gũi.

“Buổi sáng sau chiến tranh” là trạng thái cảm xúc ngọt ngào hiếm có. Từ dấu chân người lính, ông chợt nhận ra những nhẹ nhàng của thành phố sau chiến tranh: "Dịu dàng từng bước em đi/ Nhẹ nhàng như chả có gì lớn lao...”. Và sau này, những ngày ở mặt trận biên giới phía Nam, ông đã viết “Lời ru đồng đội” trong khoảng lặng của chiến tranh: “Hiếm hoi cái giấc yên lành/ Hành quân xa lại tiếp hành quân xa/ Bao anh lính trẻ đã già/ Chưa sang hết suối chưa qua hết rừng”.

Nhà thơ Nguyễn Duy mong muốn dùng tác phẩm của mình để nhìn lại nửa thế kỷ non sông liền một dải, không đơn giản chỉ là những tâm sự cá nhân, đó là lịch sử của quê hương mình, đất nước mình. Thơ của Nguyễn Duy đằm sâu, trầm tĩnh, giàu hình tượng và cảm xúc. Thơ ông đã gieo vào lòng bạn đọc nhiều rung cảm.

"Hành trình thơ Nguyễn Duy trải dài từ chiến tranh đến hòa bình. Trong khói lửa đạn bom, giai đoạn đổi mới, trong hội nhập quốc tế, thơ ông đã lên tiếng. Thơ ông bắc nhịp cầu kết nối giữa trái tim với trái tim, giữa con người với con người. Những câu thơ Nguyễn Duy lặng lẽ vào đám đông, và cảm hóa đám đông" (Bích Ngân). Những câu thơ Nguyễn Duy len lỏi vào mâu thuẫn và xoa dịu mâu thuẫn. Thơ ông bắc một “nhịp cầu” kết nối giữa trái tim với trái tim, giữa con người với con người. Không hoang mang. Không oán trách. Không hận thù.

Tour xuyên Việt một lần nữa cho chúng ta thấy, dù ở tuổi 78 nhưng nhà thơ Nguyễn Duy vẫn ăm ắp tình thi ca, đồng thời khẳng định giá trị thi ca đồng hành dân tộc và thời đại. “Tìm thân nhân” là lý do để hội ngộ nhau, “tìm thân nhân” để an ủi nhau, “tìm thân nhân” để thấu hiểu nhau, và “tìm thân nhân” để yêu thương nhau. Hơn hết, đó là lời nhắc nhở của thế hệ đi trước với thế hệ hôm nay: Xin đừng lãng quên quá khứ!

Nghe Nguyễn Duy trực tiếp đọc thơ của chính ông, đó là sự may mắn. Những vần thơ cất lên từ đời sống, từ tài năng của Nguyễn Duy và vút cao để người đọc thăng hoa, yêu và trân trọng cuộc sống.

BẢO ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dieu-lon-lao-con-lai-nbsp-hom-nay-36933.htm
Zalo