Người bệnh tiểu đường cần cảnh giác với bệnh cúm

Với người mắc bệnh đái tháo đường, mắc các bệnh nền, khi mắc cúm có thể biến nặng rất nhanh.

Người bệnh tiểu đường mắc cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Người bệnh tiểu đường mắc cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Những ngày gần đây, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, số lượng người bệnh mắc đái tháo đường, các bệnh nền đến khám do mắc cúm tăng đột biến. Trong đó có nhiều ca chuyển biến nặng do nhập viện muộn.

Ths.BS Đào Đức An, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Các bệnh nhân cúm nhập viện có nhiều ca nặng, phải thở oxy, can thiệp hỗ trợ đường hô hấp… Một số ca có triệu chứng nặng phải nhập viện ngay lập tức như: Khó thở, đau ngực, sốt cao liên tục, li bì…

Theo Ths.BS Đào Đức An, bệnh cúm thường diễn biến nặng với người bệnh có bệnh lý nền như: Đái tháo đường, huyết áp, bệnh lý suy giảm miễn dịch… Với người có bệnh nền, khi mắc cúm, kể cả chưa có triệu chứng nặng cũng cần đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn. Nhất là các bệnh nhân có triệu chứng nặng phải được nhập viện và điều trị kịp thời.

Theo đó, triệu chứng của người mắc cúm, nhất là cúm A, không giống như cảm lạnh thông thường, các dấu hiệu thường xuất hiện đột ngột với các biểu hiện như: Sốt, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, hắt hơi, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau đầu. Với người khỏe mạnh, các triệu chứng này thường tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trên các đối tượng sức đề kháng suy giảm như: Người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, bệnh phổi mạn tính…có thể làm bệnh tiển triển nặng lên nhanh chóng nếu không phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời.

Người có bệnh nền dễ diễn biến nặng khi mắc cúm.

Người có bệnh nền dễ diễn biến nặng khi mắc cúm.

Với người bệnh mãn tính, cần chú ý nguồn lây virus cúm để phòng tránh. Virus cúm có thể lây trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp (hắt hơi, ho, chảy mũi, nói chuyện…); lây nhiễm qua sử dụng chung vật dụng sinh hoạt với người bị nhiễm, hoặc các đồ dùng trong nhà sau đó đưa lên mũi, miệng; tiếp xúc với động vật bị nhiễm cúm như gia cầm, lợn… Đặc biệt, những nơi tập trung nơi đông người là điều kiện cho virus cúm lây lan nhanh chóng.

Để phòng bệnh cúm, người dân, nhất là người mắc các bệnh mãn tính cần thực hiện triệt để các biện pháp như:

- Vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc cồn; hạn chế tiếp xúc nơi đông người, đặc biệt vùng có dịch cúm lưu hành; đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng, tránh gió lạnh, gió lùa.

- Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, giữ ấm cơ thể.

- Cần chú ý tiêm vaccine cúm đầy đủ, đúng lịch.

Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm, người dân, nhất là những người có bệnh nền nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị, dự phòng phù hợp.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/nguoi-benh-tieu-duong-can-canh-giac-voi-benh-cum-20250214221454845.htm
Zalo