Loài cây đặc hữu bị tàn phá bởi thú chơi xa xỉ
Muội hồng là loài cây đặc hữu của các vùng núi đá vôi khắc nghiệt thuộc Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình. Hiện nay loại cây này đang được săn lùng gắt gao dẫn tới nguy cơ bị biến mất...

Nghề săn muội hồng là một hành trình đầy mạo hiểm và gian nan
Muội hồng là loài cây đặc hữu của các vùng núi đá vôi khắc nghiệt thuộc Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình. Khác với nhiều loài cây cảnh quen thuộc trong vườn nhà, muội hồng sinh trưởng trên những vách đá dựng đứng, nơi đất đai khan hiếm, nước không có, chỉ có nắng hanh, gió lạnh và sương mù bao phủ.
Thân cây đen sạm, vỏ xù xì như than cháy, dáng cây uốn lượn theo từng khe đá, tán lá nhỏ xếp so le nhau, tạo nên vẻ đẹp thô mộc nhưng đầy khí chất.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp độc đáo ấy là những nỗi lo về nguy cơ tuyệt chủng và sự tàn phá môi trường tự nhiên nơi cây sinh trưởng.

Muội hồng là loài cây đặc hữu của các vùng núi đá vôi khắc nghiệt thuộc Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình.
Điều đặc biệt nhất là những chồi non ánh đỏ bật lên từ thân già cỗi. Một cây muội hồng cổ thụ có thể đã trải qua hàng chục năm, âm thầm tồn tại trên vách đá mà ít ai biết đến.

Muội hồng được săn đón để trang trí phòng trà
Không chỉ vậy, muội hồng còn có khả năng sống sót lâu dài khi được đưa vào không gian trong nhà. Cây có thể giữ dáng, giữ màu lá và sức sống từ 3 đến 6 tháng mà không cần nhiều ánh sáng hay tưới nước thường xuyên.
Chính điều này đã khiến muội hồng được săn đón để trang trí phòng trà, không gian thiền hay spa, những nơi cần sự yên tĩnh, tinh tế và gần gũi thiên nhiên.
Nghề săn muội hồng là một hành trình đầy mạo hiểm và gian nan. Một thợ rừng nhiều kinh nghiệm ở xã Tân Thọ, huyện Như Thanh, chia sẻ: “Cây đẹp thường mọc ở những vách đá hiểm trở, không có đường đi, có khi phải buộc dây thừng, đánh đu để tiếp cận. Có khi phải thả người xuống vực sâu, dùng dao phát bụi, đào sâu để lấy bộ rễ khẳng khiu, giữ nguyên cành tán mới có giá trị.”
Sau khi đánh được cây về, việc dâm ủ đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, từ xử lý phôi, chọn đất trồng đến kiểm soát độ ẩm, ánh sáng phù hợp.
Ngoài ra, phương pháp chiết cành cũng được áp dụng để nhân giống muội hồng, tuy nhiên đây là quá trình rất lâu dài, có thể mất đến vài năm mới cho ra cây con phát triển ổn định. Kỹ thuật chiết cành đòi hỏi sự kì công, chăm sóc kỹ càng để đảm bảo cây ra rễ khỏe mạnh và giữ được dáng đẹp tự nhiên.

Cây đẹp thường mọc ở những vách đá hiểm trở
Hiện nay giá cây muội hồng đã trở thành đề tài “nóng” trong các hội nhóm cây cảnh. Giá cây muội hồng nhỏ thường dao động từ vài trăm nghìn đồng, trong khi cây trưởng thành cao khoảng 1 mét có thể có giá đến vài triệu đồng tùy theo dáng và tán lá cân đối.
Tuy nhiên, những cây muội hồng có tuổi đời lâu năm, dáng độc đáo, kỹ thuật tạo tác tinh xảo có thể lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Phôi cây muội hồng mới đào về có giá rẻ hơn nhiều, nhưng việc dâm ủ phôi này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người mua phôi về dâm ủ thường phải chăm sóc rất kỹ lưỡng, và không ít trường hợp thất bại, phải “trả học phí” bằng cây chết hoặc phát triển kém, gây thiệt hại về thời gian và tiền bạc.
Sự chênh lệch giá lớn này khiến thị trường muội hồng trở nên phức tạp, nhiều lúc loạn giá, đặc biệt trong các nhóm mua bán online hoặc hội chơi cây. Điều này tạo áp lực khai thác cây tự nhiên ngày càng tăng, đẩy nguy cơ cạn kiệt loài cây quý này thêm trầm trọng.
Chị Hoài Phương, chủ chuỗi phòng trà nổi tiếng ở Hà Nội, chia sẻ: “Chứng kiến cảnh người ta phải đánh đu lấy cây từ vách đá và rừng ngày càng cạn kiệt, tôi bắt đầu chơi những cây đã được ươm dưỡng trong vườn. Đây cũng là cách để bảo tồn và phát triển bền vững hơn."