Chùa Tam Chúc sẵn sàng đón 30.000-50.000 người tới chiêm bái xá lợi Đức Phật

Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, sự kiện tâm linh đặc biệt sẽ diễn ra tại chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) - nơi từng đăng cai Vesak 2019. Lần này, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - quốc bảo linh thiêng từ Ấn Độ - sẽ được cung nghinh từ TPHCM về Tam Chúc để tôn trí trong không gian trang nghiêm của ngôi chùa này.

Hành trình thiêng liêng

Một góc quần thể chùa Tam Chúc. Ảnh: Mạnh Thắng.

Một góc quần thể chùa Tam Chúc. Ảnh: Mạnh Thắng.

Hành trình cung nghinh xá lợi là chuỗi hoạt động trọng điểm của Vesak 2025, kéo dài từ ngày 2/5 đến 21/5. Sau khi được đón về chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP HCM) để cộng đồng Phật tử phía Nam chiêm bái, xá lợi tiếp tục được đưa ra chùa Quán Sứ (Hà Nội) từ 9-14/5, trước khi chính thức an vị tại chùa Tam Chúc vào ngày 17/5. Đây không chỉ là hành trình di chuyển của một quốc bảo Phật giáo, mà còn là quá trình dẫn dắt tâm thức cộng đồng hướng về sự tỉnh thức, từ bi và trí tuệ - những giá trị cốt lõi của đạo Phật.

Việc Tam Chúc tiếp tục là điểm nhấn tâm linh của Vesak 2025 không phải là điều ngẫu nhiên. Từ năm 2019 - khi lần đầu tổ chức Đại lễ Vesak tại đây với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu từ hơn 100 quốc gia - Tam Chúc đã trở thành biểu tượng của một Việt Nam hội nhập, nhân ái và có chiều sâu văn hóa Phật giáo.

Việc xá lợi Đức Phật được an vị tại Tam Chúc lần này vừa khẳng định vị thế tâm linh của ngôi chùa lớn bậc nhất Đông Nam Á, vừa nối dài thông điệp hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững - những giá trị cốt lõi mà Vesak hướng đến.

Theo ông Mai Quốc Đạt - Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Tam Chúc, công tác chuẩn bị cho sự kiện đã được tiến hành từ sớm với một kế hoạch tổng thể chi tiết. Hàng nghìn nhân sự từ các bộ phận hậu cần, an ninh, y tế, hướng dẫn viên đến thiện nguyện viên đã được huy động và tập huấn kỹ càng để đảm bảo lễ cung nghinh diễn ra an toàn, chu đáo và trang nghiêm.

Các hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ khách hành hương như bến xe, nhà chờ, trạm nghỉ, nhà vệ sinh công cộng đều được nâng cấp, bổ sung trang thiết bị và kiểm tra nghiêm ngặt về vệ sinh và an toàn.

Dự kiến trong thời gian tổ chức lễ, chùa Tam Chúc đón từ 30.000-50.000 lượt khách mỗi ngày. Để đảm bảo trật tự, hệ thống kiểm soát lưu lượng khách, phân luồng giao thông từ xa, camera giám sát an ninh toàn khu, cùng các tổ y tế, cứu hộ và phòng cháy chữa cháy sẽ trực 24/24h tại các điểm trọng yếu.

Tam Chúc - nơi hội tụ linh thiêng giữa trời đất và lòng người

Chùa Ngọc nằm trong quần thể chùa Tam Chúc. Ảnh: Đ.H

Chùa Ngọc nằm trong quần thể chùa Tam Chúc. Ảnh: Đ.H

Sự kiện rước xá lợi không chỉ đơn thuần là hoạt động tôn giáo, mà còn là dịp lan tỏa sâu sắc những giá trị tâm linh và nhân bản. Việc chiêm bái xá lợi Đức Phật mang lại cho mỗi người cơ hội nhìn lại nội tâm, hướng về sự an lạc, sống thiện lành, tỉnh thức trong đời sống hiện đại nhiều biến động. Đặc biệt, với thế hệ trẻ, đây là cơ hội tiếp cận với di sản văn hóa tâm linh theo cách sống động và truyền cảm hứng nhất.

Truyền thông đại chúng cũng sẽ được huy động mạnh mẽ, giúp lan tỏa thông tin về hành trình cung nghinh xá lợi, thời gian chiêm bái và các quy định an toàn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách thập phương tham gia một cách ý thức và văn minh.

Tọa lạc giữa vùng non nước hữu tình, bao quanh bởi núi đá vôi và hồ nước mênh mông, chùa Tam Chúc không chỉ là công trình kiến trúc Phật giáo vĩ đại, mà còn là biểu tượng của sự giao hòa giữa thiên nhiên và văn hóa tâm linh Việt Nam. Hành trình xá lợi về Tam Chúc lần này tiếp tục làm sâu sắc thêm vai trò của ngôi chùa trong bản đồ văn hóa Phật giáo thế giới, đồng thời góp phần khẳng định tầm vóc và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc tổ chức những sự kiện tâm linh quy mô toàn cầu.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chua-tam-chuc-san-sang-don-30000-50000-nguoi-toi-chiem-bai-xa-loi-duc-phat-post1740163.tpo
Zalo