Đặc điểm nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo ở Việt Nam

Nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo ở Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa triết lý Phật giáo và bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh và thẩm mỹ của người Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Tác giả: Diệp Thị Mẫn Nhi (PD: Thích nữ Quảng Nhựt)
Học viên cao học Khóa II
Chuyên ngành lịch sử Phật giáo
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

A. Dẫn nhập

Từ bao đời nay, Phật giáo đã trở thành một trong những tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt. Cùng với sự phát triển của Phật giáo, nghệ thuật tạo tác tượng Phật cũng không ngừng thay đổi và hoàn thiện, trở thành một phần quan trọng trong di sản mỹ thuật của dân tộc.

Các bức tượng Phật không chỉ đơn thuần là hình ảnh đại diện cho đức Phật và các vị Bồ tát mà còn thể hiện những triết lý sâu sắc của nhà Phật, phản ánh tư tưởng, tín ngưỡng và quan niệm thẩm mỹ của từng giai đoạn lịch sử.

Nghệ thuật tạc tượng Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng qua thời gian, nghệ thuật này đã phát triển theo hướng riêng, mang đậm dấu ấn bản địa. Từ những pho tượng Phật thời Lý mang vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng đến những tác phẩm điêu khắc thời Trần mạnh mẽ, khoáng đạt hay các tượng Phật thời Lê, Nguyễn với phong cách trang nghiêm, tinh tế, mỗi giai đoạn lịch sử đều để lại những dấu ấn đặc trưng trong nghệ thuật tạc tượng Phật.

Không chỉ là sản phẩm của bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, tượng Phật còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Tượng Phật xuất hiện trong các ngôi chùa, đền miếu, từ những không gian thờ cúng công cộng đến các bàn thờ trong gia đình, trở thành biểu tượng của sự từ bi, trí tuệ và giác ngộ. Người Việt không chỉ chiêm bái tượng Phật như một cách thể hiện lòng tôn kính mà còn xem đó là phương tiện để hướng thiện, tu tập và cầu mong sự bình an.

Trong bối cảnh ngày nay, khi xã hội phát triển và hội nhập với thế giới, nghệ thuật tạc tượng Phật vẫn giữ một vị trí quan trọng, vừa kế thừa những giá trị truyền thống, vừa có những đổi mới phù hợp với thời đại. Việc nghiên cứu về đặc điểm nghệ thuật tạc tượng Phật giáo không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.

Xuất phát từ những lý do trên, bài tiểu luận này sẽ tập trung phân tích các đặc điểm nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo Việt Nam. Thông qua đó, bài viết không chỉ giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về nghệ thuật tạc tượng Phật mà còn góp phần nâng cao nhận thức về việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo trong bối cảnh xã hội hiện đại.

B. Nội dung

Chương I: Tổng quan về nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo ở Việt Nam

1.1 . Lịch sử hình thành và phát triển

Nghệ thuật tạo tác tượng Phật ở Việt Nam là một trong những nghề có truyền thống lâu đời. Cho đến ngày nay, không ai biết chắc chắn nghề tạc tượng có từ bao giờ nhưng sự ra đời và phát triển của nó song hành với việc thực hành nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo nói chung. Những pho tượng Phật sớm nhất được biết đến ở Việt Nam hiện nay có niên đại khá muộn khoảng TK 11, trong khi đó sách vở thư tịch ghi chép về Phật giáo ở Việt Nam lại khá sớm. Theo đó, đạo Phật được truyền vào Việt Nam vào đầu công nguyên ở Luy Lâu, sau đó chuyển sang hai trung tâm Bành Thành, Lạc Dương ở Trung Hoa.

Pho tượng Phật sớm nhất trong nghệ thuật Phật giáo Việt còn lại đến nay là tượng A di đà chùa Phật Tích. Một trong những tác phẩm chuẩn mực nhất so với ba pho tượng có niên đại Lý còn sót lại. Nó giúp chúng ta hình dung về các nguyên tắc tạo tác tượng Phật giai đoạn này.

Thời Trần, gần như không còn dấu tích nào về tượng Phật. Nghệ thuật Phật giáo thời Lê sơ thì hoàn toàn vắng bóng. Chỉ đến thời Mạc, với sự phục hưng của Phật giáo, nghệ thuật tạo tác tượng Phật đã cho ra đời những tác phẩm được xem là di sản của người Việt còn lại đến ngày nay.

Lúc này, nghệ thuật tạo tác tượng Phật cũng đã khác xa với các nguyên tắc tạo hình mà chúng ta đã biết đến vào thời Lý khi nó ảnh hưởng đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Các tác phẩm vô cùng nổi tiếng niên đại TK 16 như Quán Âm chùa Hội Hạ, Di Đà Tam Tôn chùa Thầy, TK 17 như Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp, TK 18 như mười tám vị Tổ chùa Tây Phương... cùng vô số các pho tượng khác đã làm nên một điện Phật đông đảo.

Các tác phẩm điêu khắc phong phú và vô cùng sinh động này đã phản ánh thực tế nghệ thuật Phật giáo Việt ít nhiều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo thời Minh - Thanh Trung Quốc. Dẫu vậy, điều thú vị là dù không ngừng tiếp nhận các nguồn ảnh hưởng, trải hàng bao thế kỷ, nghệ thuật Việt qua bàn tay tài hoa của những người thợ Việt đã đồng hóa các nguyên tắc tạo hình đó để làm nên các giá trị bản sắc Việt độc đáo.

Nếu theo các ghi chép về các vị tổ nghề ở Việt Nam, thì tổ nghề tạc tượng ở làng Sơn Đồng có thần tích từ trước thời Đinh, Lê; tổ nghề làng Bảo Hà, hay Hồng Lục, Liễu Chàng truyền nghề vào khoảng TK 17. Các sách tạo tác tượng Phật còn được bảo tồn trong kho di sản Hán Nôm hiện nay có niên đại muộn hơn nữa và thường được trùng san vào TK 19.

Tượng Phật bằng đá quý tại chùa Quỳnh Lâm

Tượng Phật bằng đá quý tại chùa Quỳnh Lâm

1.2 . Vai trò của tượng Phật trong đời sống tâm linh

Tượng Phật không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Việt. Từ xa xưa, tượng Phật đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng, văn hóa và sinh hoạt tâm linh của các phật tử. Việc tạc tượng Phật không chỉ nhằm tôn vinh đức Phật và các vị Bồ tát mà còn giúp con người hướng đến sự giác ngộ, từ bi và trí tuệ.

Trong hệ thống chùa chiền, miếu mạo hay không gian thờ cúng gia đình, tượng Phật giữ một vai trò trung tâm, là cầu nối giữa con người với giáo lý nhà Phật.

Tượng Phật là biểu tượng của phật pháp, giúp tín đồ dễ dàng tiếp cận giáo lý Tượng Phật chính là hiện thân của đức Phật và các vị Bồ tát, giúp tín đồ có thể dễ dàng nhận thức và tiếp cận giáo lý Phật giáo thông qua hình tượng trực quan. Mỗi bức tượng mang một ý nghĩa riêng, thể hiện những phẩm hạnh cao quý của đức Phật như lòng từ bi, trí tuệ, sự kiên nhẫn và tinh thần giải thoát.

Ví dụ, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế tọa thiền biểu trưng cho sự giác ngộ và thanh tịnh, tượng Quan Thế Âm Bồ tát thể hiện lòng từ bi cứu khổ cứu nạn, còn tượng Di Lặc mang lại niềm vui và sự an lạc. Ngoài ra, thông qua hình tướng và cử chỉ của tượng Phật, các tín đồ có thể học hỏi và noi theo những đức tính cao đẹp của Ngài. Việc chiêm bái tượng Phật giúp con người thấm nhuần giáo lý nhà Phật, khuyến khích lòng từ bi, sự khiêm nhường và hướng thiện trong cuộc sống. Vì vậy, tượng Phật không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn có chức năng giáo dục, dẫn dắt con người đến với đạo pháp.

Là nơi nương tựa tinh thần, giúp con người hướng thiện. Trong đời sống tâm linh, tượng Phật đóng vai trò là nơi nương tựa tinh thần, giúp con người tìm thấy sự bình an giữa những bộn bề của cuộc sống. Khi đứng trước tượng Phật, con người cảm nhận được sự thanh tịnh và lòng từ bi vô hạn, từ đó giảm bớt lo âu, phiền muộn và hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Việt Nam có truyền thống đến chùa lễ Phật, cầu bình an, sức khỏe và hạnh phúc cho bản thân cũng như gia đình. Khi đối diện với tượng Phật, mỗi người đều có thể tự vấn lương tâm, suy ngẫm về hành động của mình và tìm cách sửa đổi để trở thành người tốt hơn. Chính vì vậy, tượng Phật được xem như một điểm tựa tinh thần, giúp con người hướng đến cuộc sống an nhiên, nhẹ nhàng và từ bi hơn.

Là phương tiện tu tập và thực hành tín ngưỡng. Trong quá trình tu tập, tượng Phật là một phần không thể thiếu giúp các tín đồ duy trì sự tập trung và khơi gợi lòng thành kính. Hành động chiêm bái, lễ Phật hay thiền định trước tượng Phật đều mang ý nghĩa sâu sắc trong việc rèn luyện tâm trí, giúp con người phát triển đức tin và tinh thần giác ngộ. Bên cạnh đó, tượng Phật cũng đóng vai trò quan trọng trong các pháp môn tu tập như Thiền tông, Tịnh độ tông hay Mật tông.

Chẳng hạn, trong Tịnh độ tông, tín đồ thường quán tưởng hình ảnh Phật A Di Đà để phát nguyện vãng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Trong Thiền tông, hình ảnh đức Phật tọa thiền giúp người tu hành định tâm và đạt đến sự tĩnh lặng trong nội tâm. Nhờ vào tượng Phật, người tu tập có thể dễ dàng tập trung hơn vào hành trình tìm kiếm sự giải thoát và giác ngộ.

CHƯƠNG II: Đặc điểm nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo ở Việt Nam

2.1. Chất liệu chế tác

2.1.1. Gỗ - Chất liệu phổ biến nhất trong nghệ thuật tạo tác tượng Phật

Gỗ là chất liệu được sử dụng phổ biến nhất trong nghệ thuật tạo tác tượng Phật tại Việt Nam. Nhờ vào đặc tính mềm, dễ chạm khắc và nguồn cung dồi dào từ thiên nhiên, gỗ đã trở thành chất liệu lý tưởng để các nghệ nhân sáng tạo ra những bức tượng với đường nét tinh tế và sống động.

Tượng Phật bằng gỗ thường được chế tác từ các loại gỗ quý như gỗ mít, gỗ dâu, gỗ hương, gỗ gụ,… Những loại gỗ này không chỉ có độ bền cao, dễ đục đẽo mà còn mang mùi hương tự nhiên, tạo cảm giác trang nghiêm và thanh tịnh. Đặc biệt, hầu hết các tượng gỗ sau khi chạm khắc đều được sơn son thếp vàng, vừa tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ, vừa giúp bảo vệ tượng khỏi sự tác động của môi trường.

Trong các ngôi chùa cổ của Việt Nam, có thể bắt gặp rất nhiều pho tượng Phật bằng gỗ có niên đại hàng trăm năm nhưng vẫn giữ được hình dáng và màu sắc nguyên vẹn. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tượng Quan Âm Nam Hải tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) hay tượng Tam Thế Phật ở chùa Tây Phương (Hà Nội).

Tượng Phật Niết bàn bằng gỗ tại chùa Thắng Phúc. Ảnh sưu tầm.

Tượng Phật Niết bàn bằng gỗ tại chùa Thắng Phúc. Ảnh sưu tầm.

2.1.2. Đồng - Chất liệu bền vững, thường dùng cho tượng lớn

Tượng Phật bằng đồng có độ bền cao, chịu được sự tác động của thời gian và môi trường, do đó thường được sử dụng để chế tác những pho tượng có kích thước lớn, đặt ở chùa chiền, miếu mạo hoặc ngoài trời.

Kỹ thuật đúc tượng đồng ở Việt Nam đã phát triển từ rất sớm, đặc biệt là dưới thời Lý - Trần. Những pho tượng Phật bằng đồng thời kỳ này mang phong cách khoáng đạt, hình khối chắc chắn, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc và tinh thần Phật giáo. Một số tác phẩm nổi bật có thể kể đến như tượng Phật A Di Đà bằng đồng tại chùa Ngũ Đài Sơn (Quảng Ninh), tượng Phật Di Lặc ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) hay Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử.

So với tượng gỗ, tượng đồng có giá trị cao hơn về mặt vật chất và kỹ thuật chế tác, đòi hỏi tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân. Tuy nhiên, do chi phí đúc tượng đồng khá lớn nên loại tượng này ít phổ biến hơn so với tượng gỗ.

Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đồng tại chùa Bút Tháp. Ảnh sưu tầm.

Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đồng tại chùa Bút Tháp. Ảnh sưu tầm.

2.1.3. Đá - Chất liệu phong cách mạnh mẽ, phát triển từ thời Lý - Trần

Tượng Phật bằng đá xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam, đặc biệt phát triển mạnh vào thời Lý - Trần. Đá là chất liệu có độ cứng cao, khó chế tác hơn so với gỗ nhưng lại có khả năng tồn tại lâu dài, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên.

Các pho tượng Phật bằng đá thời Lý - Trần thường mang phong cách mạnh mẽ, khỏe khoắn với đường nét rõ ràng, biểu cảm gương mặt thanh thoát và thần thái trang nghiêm. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) – một trong những pho tượng đá lớn nhất Việt Nam, tượng Bồ Tát Tara tại Hoàng Thành Thăng Long hay tượng Quan Âm chùa Bút Tháp.

Ngoài ra, nhiều tượng Phật bằng đá còn được chế tác dưới dạng phù điêu, khắc trực tiếp lên vách núi hoặc tạc trên bia đá, tạo nên những công trình nghệ thuật độc đáo như tượng Phật khắc trên núi Trầm (Hà Nội), tượng Phật Quan Âm trên vách núi Bà Đen (Tây Ninh).

Tượng Phật A Di Đà bằng đá tại chùa Bút Tháp. Ảnh sưu tầm.

Tượng Phật A Di Đà bằng đá tại chùa Bút Tháp. Ảnh sưu tầm.

2.1.4. Gốm sứ - Chất liệu độc đáo, phổ biến thời Lý - Trần

Gốm sứ cũng là một chất liệu quan trọng trong nghệ thuật tạc tượng Phật giáo Việt Nam, đặc biệt phát triển vào thời Lý - Trần. Các tượng Phật bằng gốm thường có kích thước nhỏ, dùng để thờ cúng trong gia đình hoặc làm đồ trang trí trong các ngôi chùa.

Tượng Phật bằng gốm sứ thời Lý - Trần nổi bật với men ngọc, men trắng và men nâu, tạo nên vẻ đẹp trang nhã và thanh thoát. Những tác phẩm này thường mang dáng vẻ mềm mại, nhẹ nhàng, thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ của nhà Phật. Một số trung tâm sản xuất tượng gốm sứ nổi tiếng có thể kể đến như gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương).

Dù không phổ biến bằng tượng gỗ hay đồng, nhưng tượng Phật bằng gốm sứ vẫn có chỗ đứng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, đặc biệt là trong các gia đình Phật tử.

Tượng gốm tại chùa Tiêu Dao. Ảnh sưu tầm.

Tượng gốm tại chùa Tiêu Dao. Ảnh sưu tầm.

2.1.5. Xi măng, thạch cao - Chất liệu hiện đại, dễ tạo hình

Trong thời kỳ hiện đại, cùng với sự phát triển của kỹ thuật xây dựng và điêu khắc, các nghệ nhân đã sử dụng xi măng và thạch cao để tạo tác tượng Phật với nhiều hình thức khác nhau. Chất liệu này có ưu điểm là dễ tạo hình, chi phí thấp, phù hợp để chế tác các tượng Phật có kích thước lớn đặt tại chùa chiền hoặc không gian công cộng.

Tượng Phật bằng xi măng, thạch cao thường được sơn màu hoặc tráng men để tăng tính thẩm mỹ. Một số công trình tượng Phật nổi bật làm từ chất liệu này có thể kể đến như tượng Phật Quan Âm tại chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn tại chùa Hội Khánh (Bình Dương) – một trong những tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.

2.2. Nguyên tắc và tạo hình tượng Phật

2.2.1. Nguyên tắc về tương quan

Việc tạo tác tượng trong một điện Phật nói chung thường có những nguyên tắc nhất định. Không phải tùy tiện muốn làm lớn hay nhỏ, mà người thợ phải tính đến sự tương quan lẫn nhau giữa các pho và tầm quan trọng của tượng đó trong điện Phật để có được một kích thước nhất định. Thường thì một điện Phật chùa Việt được làm trong rất nhiều năm, thậm chí nhiều thế kỷ, nhưng vẫn thống nhất bởi sự tương quan trên.Ví dụ, tượng chính thường có kích thước lớn hơn, đặt ở vị trí trung tâm, trong khi các tượng phụ có kích thước nhỏ hơn và được bố trí xung quanh, tạo nên một tổng thể cân đối và trang nghiêm.

2.2.2. Tạo hình đầu, mặt và mũi tượng

Sau khi xác định được kích thước tổng thể của pho tượng, người thợ có thể xác định kích thước của đầu mặt của tượng. Đây cũng là chi tiết quan trọng nhất làm nên thần thái của pho tượng. Tượng có đẹp, có thanh thoát, có thần hay không đều phụ thuộc vào việc tạc gương mặt.

Không chỉ vậy, thông qua tạo hình gương mặt người ta còn nhìn thấy ở đó lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc. Bởi lẽ gương mặt Phật không phải là gương mặt của một con người cụ thể, mà chính là lý tưởng về nhân diện và sự toàn mỹ. Không chỉ thể, trên mỗi thể loại tượng, mỗi vị Thần/ Phật gương mặt chính là sự biểu thị quan niệm về nhân sinh về thiện ác. Vậy nên từ nét khắc cho đến màu sơn đều có ý nghĩa biểu trưng cho chức năng tính cách của nhân vật đó.

2.2.3. Tạo thế ngồi

Tạo hình thế ngồi tượng Phật - Bồ tát cũng như các điêu khắc trong chùa Việt vô cùng đa dạng. Nếu việc tạc khắc các chi tiết mẫu hình đã đề cập đến ở trên người ta phải quan tâm đến từng thể loại tượng, thì phần thế ngồi, có thể tổng kết lại một số dạng thế ngồi cơ bản sau. Các thế ngồi này cũng có thể đặc trưng cho từng thể loại nhưng cũng có sự linh hoạt nhất định.

Thế ngồi phổ biến nhất là ngồi xếp bằng. Có bốn loại xếp bằng: Kiết già toàn phần gồm hai thế: lộ cả hai bàn chân hoặc nếp áo phủ kín chân, bán kiết già cũng có hai thế: lộ bàn chân trái hoặc lộ bàn chân phải. Chi tiết khác nhau này chỉ là cách tạc, còn trong đạo Phật thì đây là thế ngồi thiền giúp cho việc tâm thân có thể tĩnh nhất để tu luyện. qui định về thế chân có thể có qui định chung, nhưng tùy theo từng thợ tạc khắc mà các thế chân đó được tạo hình như thế nào cho thích hợp với từng pho tượng.

2.2.4. Tạo hình bệ tượng

Bệ tượng Phật là một phần không thể thiếu trong các điêu khắc Phật giáo. Bệ tượng không chỉ là tạc nên chỗ ngồi của chư Phật, làm nên sự tôn quí, mà còn biểu thị ra vô số những ý nghĩa khác nhau. Thông thường thì có bảy loại bệ gồm:

- Bệ tượng chỉ có đài sen - dành cho mọi loại tượng Phật, Bồ tát.

- Bệ tượng có thú đội đài sen (sư tử, voi, rồng, quy): chỉ có ở một số tượng như Quan Âm, Bồ tát. Thú cõng không đội đài sen cũng được xếp vào loại này có tượng Văn Thù Phổ Hiền và tượng hộ pháp Thiện Ác.

- Bệ tượng tổng hợn gồm cả đài sen, thú đội và chân đế hình vuông/ chữ nhật hoặc hình lục giác hoặc cắt vát cạnh thành bát giác.

- Bệ không có đài sen mà chỉ là bục ngồi - dành cho tượng A La Hán - tổ truyền đăng.

- Bệ tượng là ngai - dành cho tượng vua.

- Bệ tượng chỉ là bục vuông/ chữ nhật chạm hoa văn, có thể có giật cấp hoặc không có giật cấp.

- Bệ tượng là đắp động giả sơn hoặc tạo hình mây ngũ sắc ở tượng gắn liền với động và một số tượng Kim Cương (loại bệ này phổ biến hơn với tạo hình chất liệu đất). Việc thiết kế bệ tượng phải phù hợp với tổng thể của tượng và không gian thờ tự, đảm bảo sự hài hòa và tôn nghiêm.

2.3. Chuẩn tắc và tỉ lệ tạo tượng Phật

2.3.1. Các chuẩn tắc
Đa số các chuẩn tắc được đưa ra trong các sách tạo tác tượng Phật được thiết lập từ quan niệm về các quý tướng của con người. Các tướng quý đó được hội tụ trên tượng Phật là viên mãn, hoàn thiện nhất. Trong đó có các tướng sau đặc biệt được chú ý :

- Bàn chân bằng bặn vững chãi.

- Gót chân đầy đặn.

- Mu bàn chân nổi cao đầy đặn

- Bắp chân tròn như bắp chuối

- Khi đứng hai tay dài quá gối (1-5 thường được dùng cho các tượng đứng như tượng Thích Ca và các tượng Quan Âm và Bồ tát đứng).

- Ngón tay thon dài, trước đầu ngón tay nhỏ và nhọn (Chuẩn tắc này đặc biệt được chú ý khi tạo tượng Quan Âm, bởi theo quan niệm dân gian, đây là nhân vật nữ, nên các chạm tay khác với chạm tay của Phật A di đà to thô hơn. Kể cả bàn tay kết ấn Tam Muội đặt trong lòng đùi của Quan Âm thường rất thon nhỏ).

- Thân hình cao lớn và cân đối.

- Thân thể sáng chói như vàng thắm quanh mình hào quang chiếu ra một trượng.

- Hai vai tròn trịa cân phân.

- Trên đỉnh đầu có cục thịt nổi cao như hình búi tóc gọi là Nhục kế. (Chuẩn tắc này chủ yếu áp dụng với tượng Tam Thế, A di đà, Thích Ca Niêm Hoa).
Trong số 80 vẻ đẹp của Phật, người ta cũng phải chú ý đến các vẻ đẹp sau để khi tạc khắc tượng Phật được viên mãn:

- Đầu nở nang

- Tóc xoăn đẹp có hình những chữ Thánh như chữ Vạn, chữ Kiết/ Cát, chữ Đức.

- Mặt và trán đối nhau rất cân phân.

- Mắt rộng dài như cánh hoa sen.

- Cặp lông mày đều nhau cân phân.

- Cặp lông mày châu vào nhau.

- Mặt mũi thanh tịnh đầy đặn như vầng trăng tròn.

- Mũi cao, mũi không lộ.

- Dái tai rủ xuống.

- Hai gò má đầy đặn.

- Bụng thon.

- Không lộ bụng.

Với những vẻ đẹp được liệt kê ra trên đây có thể thấy pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích đáp ứng được hầu hết các tiêu chuẩn. Các pho tượng khác có ít nhiều dung sai. Tuy nhiên đối với tượng Phật Việt Nam, việc tạo tác chân dung các vị Phật thường cốt đạt được thần thái chứ không nhất thiết là tuân thủ cứng nhắc các chuẩn mực. Đây là một nét đặc sắc riêng biệt. Yếu tố dung sai này cũng được đề cập đến trong các sách, nhằm giúp các nghệ nhân có thể phát huy sở trường của mình.

Một trong những dung sai cho phép nữa trong các điêu khắc Phật giáo là việc tạc khắc trang phục của tượng, các nếp rủ, trang trí trên ngực áo nút thắt áo ở bụng, người thợ khắc phải dựa kinh nghiệm cũng như con mắt để có thể thêm bớt sao cho bức họa, pho tượng đẹp đẽ, thu hút. Như vậy, ta thấy rằng để tạo tác được một pho tượng Phật, thì người nghệ nhân phải thông thạo khá nhiều lĩnh vực ngoài kỹ thuật tạo tượng như toán học, thuật hình học là cả nhân tướng học.

2.3.2. Tỷ lệ tạo tượng

Tỷ lệ là yếu tố then chốt trong việc tạo tác tượng Phật, quyết định sự cân đối và uy nghiêm của tác phẩm. Truyền thống tạc tượng Việt Nam thường lấy “diện” (kích thước của đầu tượng) làm đơn vị chuẩn để xác định tỷ lệ các bộ phận khác. Cụ thể:

- Tượng ngồi: Chiều cao tổng thể bằng 4 lần kích thước đầu tượng. Tỷ lệ này giúp tạo nên dáng ngồi vững chãi và thiền định, phản ánh trạng thái tĩnh lặng và tập trung nội tâm của đức Phật.

- Tượng đứng: Chiều cao tổng thể bằng 7 lần kích thước đầu tượng. Tỷ lệ này thể hiện dáng đứng uy nghi, từ bi và trí tuệ của đức Phật, đồng thời tạo cảm giác thanh thoát và cao quý.

C. Kết luận

Nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo ở Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa triết lý Phật giáo và bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh và thẩm mỹ của người Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Trải qua hơn hai thiên niên kỷ, nghệ thuật này đã phát triển đa dạng về loại hình và phong cách, từ các bức tượng Phật, Bồ tát đến những biểu tượng tôn giáo như hoa sen, bánh xe pháp luân, được khắc họa với sự tinh tế và mang tính thiêng liêng cao. Mỗi tác phẩm không chỉ là biểu tượng tôn giáo mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo và khéo léo của các nghệ nhân Việt Nam, góp phần làm phong phú di sản văn hóa nước nhà.

Trong quá trình phát triển, nghệ thuật tạo tượng Phật giáo Việt Nam đã hình thành nhiều phong cách độc đáo, phản ánh đặc điểm văn hóa và xã hội của từng thời kỳ. Từ những bức tượng mang dáng vẻ mộc mạc, giản dị đến những tác phẩm tinh xảo, cầu kỳ dưới triều đại Lý, Trần, mỗi giai đoạn lịch sử đều để lại dấu ấn riêng biệt trong nghệ thuật tạc tượng. Đặc biệt, các pho tượng như Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) hay hệ thống tượng La Hán tại chùa Tây Phương (Hà Nội) là những kiệt tác tiêu biểu, thể hiện trình độ điêu khắc đỉnh cao của các nghệ nhân Việt Nam.

Về chất liệu, nghệ nhân Việt Nam đã sử dụng đa dạng các loại vật liệu như gỗ, đồng, đá, gốm sứ để tạo tác tượng Phật. Mỗi chất liệu mang đến những đặc điểm riêng về thẩm mỹ và độ bền, đồng thời phản ánh sự sáng tạo và thích ứng với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng thời kỳ. Trong việc tạo hình, các nghệ nhân tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về tỷ lệ và hình dáng, dựa trên các chuẩn mực truyền thống và kinh điển Phật giáo, tạo nên những tác phẩm vừa mang tính thiêng liêng, vừa gần gũi với đời sống.

Nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc tạc tượng, mà còn bao gồm cả việc xây dựng và trang trí các ngôi chùa, tự viện. Những công trình kiến trúc này, cùng với hệ thống tượng Phật, tạo nên không gian tâm linh đặc sắc, là nơi sinh hoạt tôn giáo và văn hóa cộng đồng góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự mai một của các làng nghề truyền thống, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai và sự thiếu quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật này.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng để bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Tác giả: Diệp Thị Mẫn Nhi (PD: Thích nữ Quảng Nhựt) - Học viên cao học Khóa II, Chuyên ngành lịch sử Phật giáo - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Lâm Biền (2000), Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc.

2. Nguyễn Thị Thu Hương (2012), Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

3. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2005),Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam, NXB Mỹ thuật.

4. Nguyễn Bá Lăng (1999),Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam,NXB Hà Nội.

5. Lê Thị Hồng Hạnh (2016), Tượng Phật ở chùa Việt: Phong cách và biểu tượng. Tạp chí Mỹ thuật.

6. Nguyễn Văn Huyên (2002), Văn hóa Việt Nam và sự tiếp biến Phật giáo, NXB Khoa học Xã hội.

7. Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm (1998), Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

8. Đỗ Lai Thúy (2015), Mỹ học và biểu tượng trong nghệ thuật dân gian và tôn giáo Việt Nam, NXB Tri Thức.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dac-diem-nghe-thuat-tao-tac-tuong-phat-giao-o-viet-nam.html
Zalo