Ngành tôm Ecuador vẫn tăng trưởng ấn tượng giữa bão thuế quan, bài học nào cho doanh nghiệp Việt?

Giữa bối cảnh ngành tôm toàn cầu chao đảo vì thuế chống bán phá giá, trợ cấp và các rào cản thương mại gia tăng, Ecuador vẫn nổi bật với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong quý I/2025. Không chỉ giữ vững vị trí xuất khẩu hàng đầu, quốc gia Nam Mỹ này còn khiến giới chuyên gia kinh ngạc khi khéo léo vượt qua làn sóng thuế đối ứng từ Mỹ và mở rộng thị phần tại châu Âu.

Thành công của Ecuador đến từ ba yếu tố then chốt: chiến lược thị trường linh hoạt, sản phẩm giá trị gia tăng và chính sách hỗ trợ tích cực từ chính phủ.

3 nguyên nhân giúp ngành tôm Ecuador “vượt bão” thuế

Theo thông tin từ undercurrentnews (trang chuyên cập nhật giá cả thủy sản thế giới), trong quý I/2025, ngành tôm Ecuador ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với 719,6 triệu pound (tương đương khoảng 326.400 tấn) tôm được xuất khẩu, trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 20% về khối lượng và 33% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Với giá trung bình 2,42 USD/pound, Ecuador tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.

Bà Kim Thu, Chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) đánh giá, Ecuador đạt được kết quả trên trong bối cảnh ngành tôm toàn cầu đối mặt với những thách thức lớn: thuế chống bán phá giá (AD), thuế chống trợ cấp (CVD) và các rào cản thương mại gia tăng từ Mỹ.

Tuy nhiên, thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như trước đây, các doanh nghiệp Ecuador đã nhanh chóng chuyển hướng chiến lược xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu sang châu Âu trong quý I đạt 155,3 triệu pound, tăng 37% so với năm trước, khiến châu Âu vượt Mỹ trở thành thị trường lớn thứ hai của Ecuador, chỉ sau Trung Quốc.

Đồng thời, một số doanh nghiệp lớn như Diosmar đã cắt giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc từ 70–80% xuống còn 20–30%, đồng thời tăng mạnh xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Dù đối mặt với các rào cản thuế quan, theo thông báo thuế đối ứng sơ bộ từ chính quyền Trump, Ecuador chỉ chịu mức thuế 10% từ Mỹ, thấp hơn nhiều so với các nguồn cung cạnh tranh như Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia (đều phải chịu mức thuế đối ứng cao hơn 10%).

Một điểm nổi bật trong chiến lược cạnh tranh của Ecuador là tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng như tôm lột vỏ, tôm nấu chín, tôm bỏ chỉ đuôi, tôm PUD, HLSO, đóng gói cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao cấp từ thị trường Mỹ và châu Âu.

Đối với sản phẩm tôm lột vỏ NK vào Mỹ, Ecuador là quốc gia có mức tăng trưởng vượt bậc và chiếm 24% thị phần vào đầu năm 2025 (tăng từ mức 10% trước đó), trong khi thị phần của Ấn Độ giảm từ 64% xuống 55%.

Bên cạnh đó, Chính phủ nước này đang có chính sách hỗ trợ ngành tôm như miễn/giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hải quan, đẩy mạnh các Hiệp định FTA với EU, Hiệp định giảm thuế với Trung Quốc; đàm phán mở rộng thị trường các nước ASEAN.

Ngành tôm nước này phát triển tích hợp theo chiều dọc, quản lý toàn bộ chuỗi giá trị: trại giống, nuôi, chế biến, xuất khẩu; Cải tiến di truyền, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó có chiến lược giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, Trung Quốc, tăng cường xuất sang EU, Trung Đông, châu Á – Thái Bình Dương. Ngành tôm nước này chú trọng đặc biệt tới việc xây dựng thương hiệu bền vững, nhấn mạnh chứng nhận ASC/BAP, truyền thông “tôm xanh”.

Bên cạnh cơ hội, ngành tôm Ecuador đang đối mặt với loạt cáo buộc nghiêm trọng từ Liên minh Tôm miền Nam Mỹ (SSA) như phá rừng ngập mặn bất hợp pháp, sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, nhận hỗ trợ tài chính thiếu minh bạch từ Ngân hàng Thế giới.

Các cáo buộc này có thể dẫn đến các mức thuế CVD bổ sung, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh hiện tại của Ecuador tại thị trường Mỹ. Nếu bị áp thuế cao hơn, vị thế của Ecuador có thể bị lung lay và tạo cơ hội cho các quốc gia khác.

 Trong quý I, ngành tômEcuador tăng cả kim ngạch và sản lượng xuất khẩu. Ảnh: Vasep.

Trong quý I, ngành tômEcuador tăng cả kim ngạch và sản lượng xuất khẩu. Ảnh: Vasep.

Gợi ý chiến lược cho ngành tôm Việt Nam

Trong bối cảnh Ecuador tăng tốc cạnh tranh và Mỹ áp dụng mức thuế cao với các quốc gia khác, ngành tôm Việt Nam cần thực hiện những thay đổi chiến lược để bảo vệ thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Chuyên gia và Vasep đề xuất, các doanh nghiệp nên hạn chế phụ thuộc vào các thị trường lớn như Trung Quốc hoặc Mỹ, nơi có rủi ro cao về chính sách và giá cả. Thay vào đó là tăng cường thâm nhập thị trường châu Âum, khu vực đang tăng nhập khẩu tôm và ít rào cản thuế quan hơn.

Đồng thời tập trung các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga và EU. Tôm Việt Nam có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác cũng đang có nhiều khởi sắc như Australia tăng trung bình 25,2%/năm nhờ CPTPP và nhu cầu cao; Nga: tăng trưởng 34,7%/năm nhờ miễn thuế theo EAEU, logistics thuận lợi.

Trong khối EU, Đức có nhu cầu ổn định (~50.000–60.000 tấn/năm); Bỉ là trung tâm logistics thủy sản châu Âu; EVFTA giúp giảm thuế từ 20% xuống 0%, tạo lợi thế lớn; Người tiêu dùng EU ưa chuộng tôm chế biến sẵn, có chứng nhận ASC/MSC.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ và EU, doanh nghiệp sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực vào việc sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao như tôm bóc vỏ, tôm hấp, và tôm đông lạnh IQF. Những sản phẩm này không chỉ tiện lợi mà còn được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị đặc thù của người tiêu dùng tại các khu vực này.

Song hành cùng chiến lược sản phẩm, việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến hiện đại và không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt, đảm bảo mỗi sản phẩm xuất xưởng đều đáp ứng những yêu cầu chất lượng khắt khe nhất từ các nhà nhập khẩu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và quy trình sản xuất, việc chứng minh tính minh bạch và cam kết phát triển bền vững trở thành một lợi thế cạnh tranh không thể thiếu. Doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng về toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm các khía cạnh về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện lao động, và các biện pháp bảo vệ môi trường đang được áp dụng.

Đồng thời, việc tích cực theo đuổi và nâng cao các chứng nhận bền vững quốc tế uy tín như ASC hay BAP sẽ là chìa khóa để củng cố uy tín, tạo dựng niềm tin vững chắc với các nhà nhập khẩu lớn và người tiêu dùng cuối cùng.

“Ngành tôm Ecuador đã chứng tỏ khả năng thích ứng nhanh với biến động thị trường và thuế quan toàn cầu thông qua đa dạng hóa, đổi mới công nghệ và đầu tư giá trị gia tăng. Đây chính là gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam: chỉ khi linh hoạt chuyển hướng chiến lược, tối ưu hóa chi phí và xây dựng thương hiệu bền vững, tôm Việt mới có thể tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị phần và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế”, bà Kim Thu đánh giá.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nganh-tom-ecuador-van-tang-truong-an-tuong-giua-bao-thue-quan-bai-hoc-nao-cho-doanh-nghiep-viet.html
Zalo