Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉnh lý theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp do doanh nghiệp thành lập hoặc đầu tư vốn tiếp cận được nguồn vốn hợp lý, tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển.

Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: BÙI GIANG)

Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: BÙI GIANG)

Sáng 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trình bày báo cáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết: Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 Chương, 59 điều, giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Về đối tượng áp dụng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi cho hay: Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy định để quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ là “Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện quy định về người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo nguyên tắc ở đâu có vốn của nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp với mức độ phù hợp.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo. (Ảnh: BÙI GIANG)

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo. (Ảnh: BÙI GIANG)

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, quy định phạm vi đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước, gồm: doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.

Về chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp, một số ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền phê duyệt chiến lược kinh doanh của cơ quan, tổ chức và quy định theo hướng tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, chỉnh lý Điều 17 dự thảo Luật. Theo đó, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định việc ban hành, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và hằng năm, các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản được đại diện chủ sở hữu nhà nước giao; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi, quy định tại dự thảo Luật đã phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hằng năm, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ do chậm phê duyệt chiến lược và kế hoạch trong thời gian vừa qua.

Liên quan đến quy định về huy động vốn, cho vay vốn, một số ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về huy động vốn của doanh nghiệp theo hướng vừa tăng sự chủ động của doanh nghiệp, có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ; giao doanh nghiệp được bảo lãnh hoặc cho công ty con vay vốn và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện được bảo lãnh, cho vay vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý tại Điều 18 dự thảo Luật.

“Quy định này đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp do doanh nghiệp thành lập hoặc đầu tư vốn tiếp cận được nguồn vốn hợp lý, tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, ông Phan Văn Mãi nêu rõ.

Để xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh trước khi thực hiện trích lập quỹ và nộp ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng lợi nhuận sau thuế sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có); bù đắp lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; xử lý các chi phí theo quy định của luật chuyên ngành; xử lý chi phí đầu tư thất bại tại các dự án đầu tư có tính đặc thù, rủi ro cao nhưng không được quy định tại Luật chuyên ngành, chi phí đổi mới sáng tạo, dự án đổi mới thất bại, chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại được trích lập các quỹ và nộp ngân sách Nhà nước.

THU HẰNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-tinh-tu-chu-tu-chiu-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-post879318.html
Zalo