Giá điện tăng, khách hàng sử dụng điện tìm cách thích nghi

Việc điều chỉnh giá điện theo hướng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, chi phí đầu vào của doanh nghiệp... Vì vậy, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đang phải tìm cách thích nghi.

Từ ngày 10/5/2025, mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đây là bước đi nằm trong lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, nhằm bù đắp phần chi phí đầu vào đang gia tăng.

Tác động trên thực tế, đối với các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, mỗi hộ trong 1 tháng sẽ trả thêm từ 4.550 đồng đến hơn 65.050 đồng, tùy theo mức sử dụng.

Cơ cấu giá điện hộ gia đình

Cơ cấu giá điện hộ gia đình

Với nhóm khách hàng là các ngành sản xuất, giá bán lẻ điện được áp dụng theo 4 cấp điện áp. Mức giá ở mỗi cấp được tính theo khung giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm.

Cụ thể, ở cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá bán lẻ điện trong khung giờ bình thường là 1.811 đồng/kWh; với khung giờ thấp điểm giá là 1.146 đồng/kWh và khung giờ cao điểm giá điện là 3.266 đồng/kWh.

Ở cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV, giá điện bán lẻ trong khung giờ bình thường là 1.833 đồng/kWh, khung giờ thấp điểm là 1.190 đồng/kWh, khung giờ cao điểm là 3.398 đồng/kWh.

Theo tính toán của ngành điện, sau điều chỉnh giá điện, khách hàng kinh doanh dịch vụ (có khoảng 574.000 khách hàng) có mức tăng trung bình mỗi khách hàng là 332.000 đồng/tháng; với khách hàng sản xuất (cả nước có khoảng 1,98 triệu khách hàng), mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình là 677.000 đồng/tháng; với các khách hàng hành chính sự nghiệp (tổng số 719.000 khách hàng), trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm 125.000 đồng/tháng.

Có thể nhận thấy, tác động từ chính sách này được nhận định là sẽ ảnh hưởng lan tỏa trên diện rộng, từ sản xuất đến tiêu dùng.

Doanh nghiệp chịu thêm sức ép

Theo các chuyên gia, chi phí điện năng hiện chiếm từ 8% đến 20% trong tổng chi phí vận hành của nhiều doanh nghiệp, tùy theo lĩnh vực. Đối với các ngành sử dụng điện nhiều như thép, xi măng, giấy, dệt may… giá điện tăng đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất tăng theo, làm giảm biên lợi nhuận, thậm chí khiến một số doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh.

Giía điện tăng nên nhiều doanh nghiệp phải tính toán để tiết giảm chi phí

Giía điện tăng nên nhiều doanh nghiệp phải tính toán để tiết giảm chi phí

Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc một doanh nghiệp bao bì tại Bình Dương cho biết, chi phí điện tại nhà máy hiện chiếm khoảng 11-12% tổng chi phí. Giá điện tăng khiến doanh nghiệp đội thêm chi phí. Trong bối cảnh giá đầu ra không thể tăng vì thị trường cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp buộc phải tiết giảm các khoản chi khác để tồn tại.

Không riêng ngành bao bì, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đang chịu sức ép lớn. Đại diện một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu tại Hà Nội chia sẻ, đơn hàng những tháng gần đây đã ít hơn, nay lại thêm áp lực chi phí đầu vào khiến doanh nghiệp khó xoay xở.

Đối với các hộ gia đình, việc giá điện sinh hoạt tăng khiến người phải tính toán lại thói quen sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu dùng thiết bị làm mát tăng cao. Với các hộ thu nhập trung bình và thấp, việc tiền điện tăng thêm vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi tháng là gánh nặng không nhỏ.

Không chỉ vậy, việc giá điện tăng còn ảnh hưởng gián tiếp đến giá cả hàng hóa và các dịch vụ khác. Chi phí điện tăng kéo theo giá vận hành kho lạnh, sản xuất, bảo quản, vận chuyển… đều tăng, từ đó gây áp lực lên giá thành sản phẩm, tạo hiệu ứng lan tỏa lên lạm phát.

Theo các chuyên gia, tác động của việc tăng giá điện sẽ kéo dài và không dễ điều chỉnh trong ngắn hạn. Lý do là phần lớn doanh nghiệp chưa thể đầu tư ngay vào công nghệ tiết kiệm điện, trong khi người dân khó thay đổi thói quen sinh hoạt tức thì.

Ông Phan Trọng Hiếu, chuyên gia năng lượng độc lập nhận định, việc tăng giá điện chắc chắn khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, nhưng chuyển đổi mô hình, tối ưu công nghệ thì cần vốn và thời gian. Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư ngay. Tác động sẽ rõ rệt hơn trong vài quý tới, khi doanh nghiệp điều chỉnh lại chiến lược sản xuất - kinh doanh, còn người dân sẽ buộc phải thích nghi với mặt bằng giá mới.

Thích nghi để tồn tại

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, việc điều chỉnh giá điện được coi là động lực để doanh nghiệp rà soát lại quy trình sản xuất, cơ cấu chi phí và đầu tư vào công nghệ tiết kiệm điện.

Mùa nắng nóng sẽ tăng áp lực lên hệ thống lưới điện Quốc gia

Mùa nắng nóng sẽ tăng áp lực lên hệ thống lưới điện Quốc gia

Ông Lê Văn Duy, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Dệt May Thành Công cho biết, doanh nghiệp chúng tôi đã đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng tại Tây Ninh, bước đầu tiết kiệm khoảng 15% lượng điện tiêu thụ mỗi tháng. Tuy nhiên, giải pháp này cần vốn đầu tư lớn và không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai được ngay.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có chính sách hỗ trợ đi kèm, chẳng hạn như tín dụng xanh, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng hay hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, cận nghèo để đảm bảo an sinh xã hội.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, giá điện tăng là cần thiết trong bối cảnh chi phí sản xuất điện đang tăng và EVN phải xử lý bài toán tài chính. Tuy nhiên, điều chỉnh cần đi kèm minh bạch và có lộ trình hợp lý. Quan trọng hơn, chính sách phải thúc đẩy được việc sử dụng năng lượng hiệu quả và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh.

Để giảm tác động tiêu cực, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần có chính sách điều tiết đồng bộ, trong đó ưu tiên minh bạch thông tin, lộ trình tăng giá điện rõ ràng và có giải pháp hỗ trợ thiết thực.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, khuyến khích lắp đặt điện mặt trời áp mái cho hộ gia đình, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận công nghệ tiết kiệm điện là những bước đi cần thiết.

Đồng thời, việc tăng giá điện cần phải là một phần của quá trình tái cấu trúc ngành năng lượng, hướng tới thị trường cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tăng giá điện là một phần của quá trình tái cấu trúc ngành năng lượng Việt Nam

Tăng giá điện là một phần của quá trình tái cấu trúc ngành năng lượng Việt Nam

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/gia-dien-tang-khach-hang-su-dung-dien-tim-cach-thich-nghi-164067.html
Zalo