Hà Nội sẽ hoàn thành sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ trước 1/7/2025
Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 1/7/2025, để đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp...

Ảnh minh họa.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TU về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của TP. Hà Nội.
Theo chủ trương của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính, từ ngày 1/7/2025, sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện, chính quyền địa phương của TP. Hà Nội có 2 cấp, gồm cấp thành phố và cấp xã, phường.
TP. Hà Nội sẽ tổ chức lại đội ngũ cán bộ phải gắn liền với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và trách nhiệm giải trình ở cấp cơ sở.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 1/7/2025, đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp.
Đặc biệt, thực hiện sàng lọc, tinh giản và điều động hợp lý theo đúng nguyên tắc "có vào - có ra; có lên - có xuống", xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với sản phẩm, kết quả công việc.
Hướng dẫn cũng nêu các nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường mới. Theo đó, việc tổ chức sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ xã, phường mới đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ; năng lực quản trị hiện đại, tinh thần phục vụ cao; có khả năng vận hành hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp; đáp ứng yêu cầu đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Phương án nhân sự cấp ủy cấp xã mới thành lập, bao gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện, và cán bộ được quy hoạch cấp ủy viên cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã, và cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ tại các xã, phường mới được xem xét trên cơ sở tổng thể thực trạng đội ngũ cán bộ toàn thành phố, gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, và đại hội Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Lấy cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay làm nòng cốt tại các xã, phường (mới), và thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cơ bản không là người địa phương.
Đồng thời tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ từ thành phố về cơ sở và ngược lại. Gắn việc bố trí, sắp xếp cán bộ với việc rà soát, đánh giá toàn diện để sàng lọc, lựa chọn, nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ, "đưa đúng người vào đúng việc"; tránh khuynh hướng dàn trải, hình thức, nể nang, cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm" trong đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ…
Người đứng đầu cấp ủy cùng ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Thành ủy về chất lượng công tác chuẩn bị, dự kiến, đề xuất phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở xã, phường mới.
Lưu ý bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thành phố về cải cách tổ chức, bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong đó, quan tâm rà soát, đề nghị bố trí cán bộ, công chức, viên chức có tư duy, nhận thức, trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đặc biệt, giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ của cấp huyện và cấp xã hiện có trước sắp xếp, và thực hiện rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm, cơ bản đúng quy định theo đề án vị trí việc làm.
Ngoài ra, việc bố trí cán bộ phải bảo đảm số lượng, cơ cấu hợp lý, cân đối, đồng đều về trình độ, lĩnh vực chuyên môn của cán bộ giữa các xã, phường (mới).
Trước mắt, dự kiến bố trí đối với các vị trí cấp trưởng phòng, ban, đơn vị trực thuộc xã, phường (mới) và 1 cấp phó. Đồng thời, rà soát, chuẩn bị nguồn cán bộ cấp phó (theo thứ tự ưu tiên). Sau khi Trung ương có quy định chính thức, thì các xã, phường (mới) căn cứ số lượng cấp phó được giao để quyết định theo phân cấp.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lưu ý, không để xảy ra tình trạng trống khuyết, gián đoạn trong lãnh đạo, quản lý địa phương; nắm bắt sát tình hình, tâm lý cán bộ, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy.